Đến sáng 5/10 mực nước ở một số hồ chứa thuỷ điện tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã vượt so với thiết kế... |
Mưa lũ cũng khiến hàng vạn ngôi nhà các tỉnh ven biển miền Trung bị ngập lụt và hư hỏng, trong đó Hà Tĩnh ngập 20.966 nhà, Quảng Bình ngập 34.650 nhà. Quảng Trị có trên 6.000 hộ dân bị ngập lụt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn công tác do đồng chí Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng làm trưởng đoàn, khẩn trương đi kiểm tra, chỉ đạo công tác đối phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh.
Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tiếp tục chỉ đạo các biện pháp đối phó và cử các đoàn công tác trực tiếp xuống địa bàn huy động lực lượng, vật tư, phương tiện đối phó với mưa lũ.
Theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm – cứu nạn, Quân khu 4 đã cử lực lượng gồm 905 người và các phương tiện tham gia đối phó với mưa lũ. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đã di dời 4.544 hộ với 17.285 người khỏi khu vực hạ lưu hồ thủy điện Hố Hô. Tỉnh Quảng Trị đã sơ tán 710 hộ dân từ các vùng ngập sâu, nguy hiểm đến nơi an toàn.
Đến sáng 5/10 mực nước ở một số hồ chứa thuỷ điện tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã vượt so với thiết kế, nhưng vẫn an toàn. Ban Chỉ huy PCLB Trung ương nhận định, hiện tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp khắc phục như tìm kiếm người mất tích, không để nhân dân bị đói, rét, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét để tổ chức sơ tán dân để bảo đảm an toàn về người và tài sản. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thực hiện vận hành điều tiết đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Trước khi xả nước hồ, chủ công trình phải thông báo cho chính quyền địa phương và nhân dân vùng hạ lưu biết để chủ động sơ tán, đồng thời báo cáo Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn các cấp liên quan để chỉ đạo kịp thời đối phó.
Quang Anh