Miền Tây Bắc sẵn sàng khởi động năm học mới

GD&TĐ - Thực hiện Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm mới trong bối cảnh kinh tế bộn bề khó khăn. Song, với những kinh nghiệm tích lũy qua mỗi năm thực hiện, các địa phương khu vực Tây Bắc đang nỗ lực bảo đảm đầy đủ điều kiện cần thiết, sẵn sàng khởi động năm học mới.

Một giờ học của cô và trò Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên.
Một giờ học của cô và trò Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên.

Chủ động khắc phục khó khăn

Bà Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình - cho biết: Cũng như nhiều tỉnh miền núi, Hòa Bình có địa hình bị chia cắt lớn, các trường phân bố rải rác, cách xa nhau. Trong khi đó, ngân sách địa phương chủ yếu do Trung ương cấp. Ngành đang có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên nên nhiều khó khăn trong việc quy hoạch lại trường lớp, sắp xếp đội ngũ. Đặc biệt, thiếu giáo viên giảng dạy các môn mới của Chương trình GDPT 2018, cụ thể là môn Nghệ thuật.

Việc phân tổ hợp môn theo nguyện vọng của học sinh (theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT) không thể thực hiện được. Toàn tỉnh còn 170 điểm trường lẻ, 82 lớp ghép, trong đó có 27 lớp ghép 2 trình độ (lớp 1 và 2). Thực trạng này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, giảng dạy theo Chương trình GDPT mới. Ngoài ra, hiện nay, tỷ lệ giáo viên tiểu học ở địa phương cũng chưa đạt so với quy định, chưa bảo đảm 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Cơ cấu và bố trí đội ngũ, phân công giáo viên một số đơn vị cũng chưa thực sự hợp lý.

Về cơ sở vật chất, vẫn còn phòng học bán kiên cố, phòng tạm; thiếu phòng chức năng và phòng học bộ môn; thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều đơn vị, trường học thậm chí còn khó khăn về hạ tầng, như chưa bảo đảm diện tích đất; thiếu nhà đa năng, sân chơi, sân tập, công trình vệ sinh, nước sạch... Những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, ở một số nơi còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả các nguồn lực trong xã hội cho giáo dục.

Giáo viên các trường THPT tại Điện Biên sinh hoạt chuyên môn.

Giáo viên các trường THPT tại Điện Biên sinh hoạt chuyên môn.

Tạo sự đồng thuận

Theo ông Đào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái: Trong năm học 2021 – 2022, ngành GD-ĐT Yên Bái đã triển khai hiệu quả, đạt 100% theo kế hoạch Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6.

Với những kinh nghiệm tích lũy được, ngành đã phải đẩy mạnh truyền thông tới lãnh đạo Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về chương trình, cũng như đổi mới của ngành. Qua đó, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội. Đối với các nhà trường, phải thường xuyên trao đổi tình hình học tập, rèn luyện của học sinh để phụ huynh đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn con em trong quá trình học tập.

Cần làm tốt công tác tham mưu để có sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, chính quyền. Cụ thể, đối với Yên Bái, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng Nghị quyết số 22 về nâng cao chất lượng giáo dục; Đề án “Triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”, được HĐND thông qua và UBND tỉnh phê duyệt. Đây là căn cứ thực hiện cho cả giai đoạn, nhất là việc bảo đảm các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học.

Trong quá trình triển khai, cần đẩy mạnh phân cấp cho nhà trường, giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục. Trên cơ sở bảo đảm yêu cầu cần đạt của chương trình, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nhà trường, theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.

Một trong những yếu tố làm nên chất lượng đội ngũ chính là từ công tác tập huấn, bồi dưỡng. Do đó, việc tập huấn phải bảo đảm tính hiệu quả, phát triển đội ngũ giáo viên bằng bồi dưỡng thường xuyên, liên tục. Coi trọng công tác sinh hoạt chuyên môn, xây dựng các chuyên đề của tổ chuyên môn, nhà trường, cụm trường. Từ đó, phát huy sáng kiến, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện.

Lớp học “2 chiều” của cô và trò Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (Điện Biên).

Lớp học “2 chiều” của cô và trò Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (Điện Biên).

Bảo đảm công tác dạy và học

Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên - chia sẻ: Về đội ngũ, 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT; hơn 99% cấp THCS hoàn thành chương trình bồi dưỡng 6/9 mô-đun của Chương trình GDPT 2018. 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp được tập huấn triển khai Chương trình GDPT 2018.

Việc biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương được ngành chủ động triển khai, bảo đảm về tiến độ và chất lượng. Trong đó, ban hành khung chi tiết; tổ chức dạy thực nghiệm; góp ý và thẩm định tài liệu; trình Bộ GD&ĐT phê duyệt tài liệu Giáo dục địa phương lớp 7, 8, 9 trong năm 2021.

Tham mưu UBND tỉnh tổ chức biên soạn, thẩm định và trình Bộ phê duyệt tài liệu Giáo dục địa phương lớp 10 trong tháng 3/2022. Tiếp tục tổ chức khảo sát, thu thập thông tin và biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương cấp THPT. Dự kiến tháng 12/2022 hoàn thành đối với lớp 11, chuẩn bị các điều kiện biên soạn lớp 12 trong năm 2023.

100% giáo viên dự kiến tham gia dạy lớp 7, 10 năm học 2022 - 2023 đã tham gia hội nghị giới thiệu SGK, hoàn thành tập huấn sử dụng sách trong tháng 6. UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 6, 7, 10 và các cơ sở giáo dục đã chủ động đăng ký mua theo danh mục được phê duyệt.

Ngoài khó khăn chung của tỉnh về cơ sở vật chất, ngành GD-ĐT còn gặp khó trong tuyển giáo viên các môn đặc thù (Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh...). Lịch sử trở thành môn học bắt buộc dẫn đến số môn, tiết tự chọn (hiện tại là 5 môn chọn trong 3 nhóm môn) sẽ giảm, phần nào ảnh hưởng đến việc bố trí giáo viên của các nhóm môn này. Tuy nhiên, sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng sẵn các tình huống, giải pháp phù hợp để khắc phục khó khăn khi Bộ có điều chỉnh.

Với nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) sẽ triển khai đối với trường có giáo viên nghệ thuật hoặc xây dựng tổ hợp lựa chọn môn Công nghệ, Tin học để thay thế. Sắp tới, ngành tổ chức tuyển dụng bổ sung giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật để bảo đảm việc dạy học trong nhà trường.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng đội ngũ, bên cạnh việc tập huấn, đào tạo, ngành khuyến khích giáo viên tăng cường tự học, bồi dưỡng. Đến thời điểm này, giáo viên các trường đã đủ năng lực, kiến thức, phương pháp và tư duy sẵn sàng thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ