Miễn học phí đối với học sinh THCS là hợp lý

GD&TĐ - Việc miễn học phí bậc THCS là hợp lý, tạo thuận lợi để thực hiện mục đích phổ cập giáo dục THCS, đảm bảo tối thiểu mọi học sinh đều được học hết chương trình giáo dục cơ bản.

Miễn học phí đối với học sinh THCS là hợp lý

Đó là ý kiến của ông Ngô Văn Thịnh- Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) tại Hội nghị “Đánh giá kết quả phối hợp công tác pháp chế giữa Bộ Tư pháp và Bộ GD&ĐT năm 2017 nhằm hoàn thiện pháp luật về giáo dục” tổ chức ngày 1/12 tại Hà Nội.

Đây là Hội nghị lần 2 được tổ chức nhằm góp ý cho Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Miễn học phí để đảm bảo chính sách phổ cập giáo dục

Ông Ngô Văn Thịnh thông tin: Theo quy định của Luật giáo dục và Nghị định 86 của Chính phủ thì toàn bộ học sinh cấp tiểu học thì không phải đóng học phí. Còn lại học sinh ở cấp mầm non, học sinh cấp THCS thì vẫn phải đóng học phí.

Nhà nước chỉ thực hiện chính sách miễn giảm học phí đối với các đối tượng thuộc diện chính sách như học sinh hộ nghèo học sinh dân tộc và thực hiện miễn học phí đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

Đồng thời thực hiện miễn học phí đối với học sinh mẫu giáo và học sinh, sinh viên tàn tật khuyết tật có khó khăn về kinh tế và đối với trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo.

Ngoài ra còn thực hiện miễn học phí đối với học sinh mẫu giáo và học sinh phổ thông là con hạ sĩ quan, binh sĩ chiến sĩ học sinh hệ cử tuyển, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú.

Ông Ngô Văn Thịnh- Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT)

Ông Thịnh cho rằng chính sách về học phí hiện nay đã bộc lộ một số hạn chế.

Cụ thể, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, khoản 1 điều 11 quy định: “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước”.

Tuy nhiên đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh Tiểu học. Các cấp học còn lại vẫn phải đóng học phí, trong đó có học sinh THCS. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là học sinh vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Ngoài ra hiện nay phần lớn học sinh mầm non, học sinh THCS và học sinh phổ thông sống ở vùng nông thôn, vùng núi, vùng có thu nhập tương đối thấp. Mặc dù mức thu học phí không cao nhưng cũng gây khó khăn cho các gia đình, đặc biệt các gia đình tiệm cận hộ nghèo.

Thời gian vừa qua, cử tri cả nước thông qua các đại biểu Quốc hội cũng mong muốn được miễn học phí cho học sinh THCS để đảm bảo chính sách phổ cập giáo dục đối với học sinh THCS.

Miễn học phí sẽ khuyến khích các em học sinh vùng khó đến trường

Nhiều nước đã miễn học phí cho học sinh THCS

Việc miễn học phí cho cấp THCS hoàn toàn phù hợp với tinh thần nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết khẳng định từ sau năm 2020, bậc học phổ thông sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm.

Luật giáo dục hiện hành cũng đã quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Đây là những căn cứ để Bộ GD-ĐT đề xuất việc miễn học phí cho học sinh bậc THCS.

Gần đây nhất, nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình trung ương và Quốc hội về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình đến năm 2020.

Ông Thịnh cho biết thêm thông tin: Để chuẩn bị cho đề xuất miễn học phí cấp THCS, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu tại 18 nước, đại diện cho 4 châu lục. Các nước được nghiên cứu có thu nhập thấp, thu nhập cao, thu nhập trung bình.

Qua nghiên cứu cho thấy có 4/18 nước miễn hoàn toàn học phí đối với tất cả các cấp học từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông đó là Singapore, Mỹ, Cuba và Bhutan.

Có 6/18 nước miễn học phí hòa toàn cho học sinh mầm non. Có 18/18 nước miễn học phí hoàn toàn cho học sinh tiểu học. Có 11/18 nước miễn học phí hoàn toàn cho cấp THCS. Có 8/18 nước miễn học phí hoàn toàn cho cấp THPT.

Như vậy, nghiên cứu của các nước cho thấy, có 33% các nước miễn học phí cấp mầm non, 100% các nước miễn học phí cấp tiểu học, 61% các nước miễn học phí cấp THCS và 44% các nước miễn học phí hoàn toàn cấp THPT.

Ở Việt Nam, việc miễn học phí cấp THCS thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc phổ cập giáo dục, mang lại hạnh phúc cho người dân, thể hiện chính sách nhân văn.

/Uploaded/cuong/2017_12_02/images4509851_PQDK.jpg

Nhiều ý kiến đề xuất nên miễn học phí cho cả cấp mầm non

Đề xuất miễn học phí cho cả cấp mầm non, tư thục

Về việc miễn học phí, ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nam cho biết, phụ huynh học sinh mong chờ được miễn học phí từ lâu. Nếu miễn đóng học phí thì nên mở rộng đối tượng miễn học phí đến cấp mầm non.

Còn ông Bùi Đình Thanh, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết: Việc miễn đóng học phí ở cấp THCS không đáng bao nhiêu so với mức đóng góp nên việc miễn học phí là cần thiết. Điều này rất được người dân mong chờ và nếu có thể thì nên mở rộng thêm cả cấp mầm non.

Còn ông Nguyễn Tiến Dũng- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định đề nghị miễn học phí cho cả các em học sinh trường tư thục. Theo ông Tiến Dũng, nếu học phí chỉ miễn cho trường công lập, các em không đỗ vào trường công lập phải học tư thục sẽ đóng hoàn toàn chi phí sẽ rất lớn (khoảng 1,5 triệu đồng/em).

Cô Lê Thị Thanh Bình- Hiệu trưởng trường THCS Võ Thị Sáu (Hải Dương) đề nghị: Ngoài việc miễn học phí cho cấp công lập, cần miễn học phí cho cả đối tượng tư thục vì hiện nay, ở địa phương này có 50% học sinh công lập, số còn lại là tư thục.

Trả lời tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ rất cảm ơn với các ý kiến đóng góp, đặc biệt có một số đề xuất mới như mở rộng đối tượng miễn học phí đến cấp mầm non. Bộ GD&ĐT sẽ nghiêm túc tiếp thu và nghiên cứu về vấn đề này.

Về việc miễn học phí cho đối tượng học sinh tư thục là không khả thi vì nguyên tắc trường công lập đáp ứng phổ cập 100% cho học sinh THCS, tuyệt đối không để học sinh vì khó khăn mà không được đi học. Còn các em học tư thục là hoàn toàn tự nguyện, đáp ứng nhu cầu của người học nên nhà nước không miễn học phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ