Chúng ta có đủ căn cứ để thực hiện được chính sách tiền lương cho giáo viên

GD&TĐ - Với việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, gắn với Nghị quyết 29, cộng với tinh thần đổi mới của Chính phủ thì lần này chúng ta có đủ căn cứ để thực hiện được chính sách tiền lương cho giáo viên như đề xuất trong dự thảo Luật” - Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm.

Lương của giáo viên cần được đặt cao nhất trong các bậc lương
Lương của giáo viên cần được đặt cao nhất trong các bậc lương

Phải hết sức ưu tiên cho giáo dục

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung lần này đó là, chính sách đối với nhà giáo, trong đó có chính sách về tiền lương và chính sách miễn học phí tới cấp THCS.

Theo Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khóa XIV, trong các nghị quyết trước đây đã từng đặt ra vấn đề lương của giáo viên. Theo đó, lương của giáo viên được đặt cao nhất trong các bậc lương, trừ những lĩnh vực đặc thù như: công an, quân đội…

“So với lực lượng viên chức, chúng ta phải hết sức ưu tiên cho giáo dục vì đây là “máy cái” để tạo ra nguồn nhân lực cho đất nước. Ở góc độ của một đại biểu quốc hội và là người đã từng làm trong ngành giáo dục, tôi rất quan tâm đến quy định này” - Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Đại biểu cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải biến nó thành hiện thực. Cần tập trung xây dựng đề án cải cách tiền lương, trong đó phải đưa nội dung lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp vào đề án; Để đưa Nghị quyết của đảng, đặc biệt là Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vào cuộc sống.

“Khi Nghị quyết 29 đề ra, cũng là lúc chúng ta đang trong một khoảng thời gian chung của việc nghiên cứu sửa đổi tiền lương. Với việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, gắn với Nghị quyết 29, cộng với tinh thần đổi mới của Chính phủ thì lần này chúng ta có đủ căn cứ để thực hiện được chính sách tiền lương cho giáo viên như đề xuất trong dự thảo Luật” - Đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Chúng ta có đủ căn cứ để thực hiện được chính sách tiền lương cho giáo viên như đề xuất trong dự thảo Luật Gáo dục sửa đổi, bổ sung
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu: Chúng ta có đủ căn cứ để thực hiện được chính sách tiền lương cho giáo viên như đề xuất trong dự thảo Luật Gáo dục sửa đổi, bổ sung

Đề xuất miễn học phí cấp THCS đã từng được đề cập

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho biết thêm: Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung lần này cũng đề xuất, mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh THCS trường công lập.

Theo Đại biểu, đề xuất miễn học phí ở cấp THCS đã từng được ngành Giáo dục đề cập tới. Tuy nhiên, vì điều kiện ngân sách của Nhà nước có hạn, còn nhiều ngành nghề khác cũng phải đầu tư nên chưa thể đáp ứng được.

“Quốc hội cũng cần lưu ý đến vấn đề này, xem cách thức thực hiện như thế nào?. Bởi vì đề xuất trên sẽ góp phần thúc đẩy càng nhiều học sinh đến trường học, không phải bỏ học giữa chừng” - Đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho biết.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn, nếu chọn giữa miễn học phí cấp THCS và bậc Mầm non thì ông ủng hộ việc miễn học phí ở cấp học Mầm non. Bởi vì đây là cấp học tiền đề để trẻ hình thành nhân cách. Vì thế trẻ cần được chăm sóc, phát triển.

“Mặt khác, hiện nay, có nhiều gia đình đều có con ở độ tuổi mầm non nên việc miễn học phí ở cấp học này sẽ góp phần chia sẻ bớt khó khăn cho người dân. Về lâu dài Chính phủ cần khéo léo bố trí ngân sách và thực hiện có lộ trình để miễn phí ở cấp học này. Trước tiên, chúng ta có thể tính toán giảm một phần, rồi tiến tới giảm hoàn toàn...” - Đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Nội sinh từ khát vọng

GD&TĐ - Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.