MH17 nổ tung, chính trường quốc tế xôn xao tiếng bấc tiếng chì

Thủ tướng Australia Tony Abbott chỉ trích Moscow đứng sau việc chuyến bay MH17 bị rơi, trong khi Tổng thống Vladimir Putin cho rằng căn nguyên của thảm kịch này xuất phát từ chiến dịch quân sự của Ukraine.

Xác máy bay MH17 trên cánh đồng ở đông Ukraine. Ảnh: RT.
Xác máy bay MH17 trên cánh đồng ở đông Ukraine. Ảnh: RT.

Trong bài phát biểu tại quốc hội hôm nay, Thủ tướng Abbott nói rằng ông "đầy ghê tởm" và đổ lỗi cho phe ly khai ở Ukraine bắn hạ chiếc máy bay với 27 người Australia trên khoang thiệt mạng.

"Đây là một ngày ảm đạm cho đất nước của chúng ta và một ngày tồi tệ đối với thế giới. Chiếc MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở miền đông Ukraine, có vẻ như do quân nổi dậy được Nga hậu thuẫn", Reuters dẫn lời ông nói.

Ông Abbott cho rằng các phiến quân được trang bị những vũ khí của Nga có khả năng bắn hạ các máy bay chở khách và lực lượng này có thể sử dụng chúng cho mục đích đó. Ông yêu cầu Moscow phải có câu trả lời về thảm họa làm 298 người thiệt mạng này. Đại sứ Nga tại Australia đã chính thức bị triệu tập để trao đổi về vụ việc.

Australia dự kiến tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin và các lãnh đạo thế giới khác tại Hội nghị Thượng đỉnh Các lãnh đạo G20 vào tháng 11 tới. Khi được hỏi liệu Australia có tiếp tục chào đón Moscow nếu Nga được chứng minh là đứng sau vụ việc, ông Abbott trả lời "hãy chờ xem chính xác những gì đã xảy ra ở đây".

Giới chức Ukraine cũng đổ lỗi cho Moscow sau khi phát hiện các đoạn băng ghi âm được cho là của các tay súng ly khai và quan chức tình báo quân sự Nga. Trong cuộc trao đổi này, nhóm phiến quân thông báo đã bắn rơi một chiếc máy bay dân sự.

"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để quân đội Nga, những người thực hiện tội ác này bị trừng phạt. Những kẻ khủng bố sẽ không thể nhảy múa trên các xác chết", ông Nalivaychenko, người đứng đầu Cơ quan An ninh Ukraine, nói.

Đáp lại những cáo buộc, Tổng thống Putin khẳng định rằng Ukraine mới là quốc gia phải chịu trách nhiệm do máy bay rơi ở khu vực miền đông nước này.

"Không có gì nghi ngờ rằng quốc gia nơi thảm họa tồi tệ này xảy ra phải chịu trách nhiệm", ông nói. “Thảm họa đã không xảy ra nếu hòa bình hiện diện trên mảnh đất này, nếu hoạt động quân sự ở miền đông nam Ukraine không tái diễn”.

Lãnh đạo Nga gửi lời chia buồn sâu sắc đến Malaysia và thêm rằng ông đã ra lệnh giới chức quân sự "cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết để làm sáng tỏ hành động tội ác này".

Bộ Quốc phòng Nga cho hay, quân đội Ukraine đã triển khai ít nhất 27 bệ phóng tên lửa đất đối không Buk đến miền đông trước đó và có thể đây chính là vũ khí đã bắn hạ máy bay MH17. Hệ thống này có khả năng phát hiện các mục tiêu trên không trong phạm vi lên 160 km, ở độ cao 11.000-25.000 m và tấn công chúng từ một khoảng cách hơn 30 km.

Máy bay của Malaysia được cho là bị trúng tên lửa khi đang ở độ cao hơn 10.000 m. Nga cho hay, chỉ hệ thống tên lửa S-300 và Buk có khả năng đạt đến độ cao này.

Lực lượng phiến quân tại Donetsk cũng khẳng định họ không thể sở hữu những loại vũ khí như trên và hệ thống phòng không của họ có tầm hoạt động chỉ 3.000-4.000 m.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga Alexander Golt nhấn mạnh, rằng gần đây phe ly khai giành quyền kiểm soát một căn cứ ở Donetsk và trong căn cứ này có hệ thống Buk.

Theo điều tra ban đầu của tình báo Mỹ, chưa thể khẳng định ai chịu trách nhiệm phóng tên lửa. Tuy nhiên, khả năng thấp nhất, dựa trên phân tích của Mỹ, là quân đội Ukraine bắn rơi máy bay. "Điều này rất khó xảy ra", quan chức nói. "Những nhóm chúng tôi đang xem xét là phe ly khai hoặc người Nga".

Thủ tướng Canada Stephen Harper cho rằng dù chưa thể xác định ai chịu trách nhiệm cho thảm kịch này, Nga vẫn là "gốc rễ của cuộc chiến đang tiếp diễn ở Ukraine.

Ông Harper cho hay, ông "bị sốc và đau lòng" trước vụ việc, nhấn mạnh rằng có một người Canada trên MH17. Canada đã hỗ trợ giới chức Ukraine điều tra nguyên nhân tai nạn.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ