Cô giáo tìm đến tận nhà vận động bố mẹ nữ sinh người Thái cho con vào ĐH

GD&TĐ - Trúng tuyển vào Sư phạm Hóa học (ĐH Vinh), em Vi Thị Thuận chưa kịp mừng thì mẹ khóc xin “con đừng đi học” vì nhà nghèo quá. Thương bố mẹ, các em, nữ sinh dân tộc Thái lặng lẽ nhắn tin cho cô giáo “Em xin lỗi cô, em đã làm cho cô thất vọng”!

Cô Lô Thị Thơ đưa 2 mẹ con em Vi Thị Thuận xuống nhập học muộn vào Trường ĐH Vinh
Cô Lô Thị Thơ đưa 2 mẹ con em Vi Thị Thuận xuống nhập học muộn vào Trường ĐH Vinh

Không muốn cô học trò chăm chỉ, giỏi giang bỏ lỡ ước mơ, cô giáo Lô Thị Thơ đã đến nhà động viên, thuyết phục bố mẹ cho em đi học. Và liên lạc với trường ĐH Vinh đợi cô học trò vùng cao xuống núi nhập học muộn.

Cô giáo đến nhà vận động bố mẹ cho trò vào ĐH

Vi Thị Thuận nguyên là học sinh Trường THPT Mường Quạ, đóng ở xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An. Em ước mơ vào đại học sư phạm và đã trúng tuyển vào ngành sư phạm Hóa, ĐH Vinh với  23 điểm khối A.

Nữ sinh Vi Thị Thuận và mẹ
 Nữ sinh Vi Thị Thuận và mẹ

Trước đó, khi vừa hoàn thành môn thi cuối cùng, em đã lên xe rời quê, đi làm công nhân tại một xí nghiệp ở Bắc Ninh, kiếm chút tiền còn trang trải chi phí ban đầu nhập học.

Tuy nhiên, khi nhận giấy báo trúng tuyển bố mẹ Thuận mừng thì ít, lo lắng thì nhiều. Nuôi con học đến lớp 12 đã là nỗ lực lớn của bố mẹ em. Còn đại học, là cái gì đó lớn lao, to tát lắm mà bố mẹ em chưa hình dung ra được.

Người trong bản nói: “Ôi, nhà nghèo rứa thì làm răng mà nuôi hắn đi học đại học được". Nghe vậy, chị Hà Thị Hiền, mẹ của Thuận lại càng lo hơn. Chị gọi điện ra cho con gái đang làm việc ngoài Bắc Ninh, khóc: “Mẹ xin con đó, con đừng đi học".

Cô gái không biết làm thế nào, chỉ biết nhắn tin cho cô Thơ: “Xin lỗi cô, em đã làm cô thất vọng”!

Nhận tin nhắn của học trò, cô Lô Thị Thơ chạy đến nhà tìm cách vận động, thuyết phục bố mẹ Thuận cho con đi học .

Cô Lô Thị Thơ (thứ 2 từ trái sang) gắn bó với em Thuận trong 3 năm THPT
 Cô Lô Thị Thơ (thứ 2 từ trái sang) gắn bó với em Thuận trong 3 năm THPT

Cô hỏi: “Mẹ có muốn cho con đi học, rồi sau này ra làm nghề dạy học không”? Người mẹ thật thà: “Muốn thì muốn lắm đó cô giáo ạ, nhưng không có khả năng”.

Cô Thơ lựa lời: “Bây giờ, cô nói thế này bố mẹ có nhất trí không nhé. Thuận lớn rồi nhưng cũng mới chỉ học hết lớp 12 thôi. Cô chỉ mong bố mẹ đừng bắt Thuận phải đi làm kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Cho Thuận đi học, hết giờ trên lớp, buổi tối em có thể đi làm tự nuôi sống bản thân mình, không để bố mẹ phải nuôi.

Bố mẹ nghe vậy như trút được nỗ lo “nếu được rứa thì mừng quá cô ạ”! Ngồi “nghe lỏm”, em gái của Thuận thấy bố mẹ đồng ý cho chị đi học, liền nhắn tin báo: “Chị ơi, chị được đi học rồi nhé”!

Bố mua cho cái đèn pin đi nhập học

Theo đúng lịch, Vi Thị Thuận phải nhập học trước đó 1 tuần. Nhưng để chờ em đi làm ngoài Bắc Ninh về nên cô Thơ liên lạc với trường ĐH Vinh cho Thuận được nhập học muộn.

Cô còn đi kiếm tìm từng bộ quần áo cũ, từng cặp sách, từng đồ dùng cũ của người khác góp vào hành trang giản đơn cho cô học trò vào đại học, thực hiện ước mơ của mình.

Lúc xếp đồ, cô giáo mới thấy có một chiếc đèn pin. Hỏi Thuận em mang theo đèn pin làm gì? Cô bé nói: “Của bố mua cho em, bố nói con xuống đó đi học, nếu đi làm thêm về buổi đêm về thì trời tối lắm, nhớ cầm theo đèn pin mà soi cho sáng. Bố không biết ở thành phố có đèn đường, cứ nghĩ như ở trên bản…”

Nữ sinh Vi Thị Thuận trúng tuyển vào ngành Sư phạm Hóa học
 Nữ sinh Vi Thị Thuận trúng tuyển vào ngành Sư phạm Hóa học

Khoản tiền công gần 2 tháng em đi làm, bố mẹ cho em giữ nguyên làm vốn liếng ban đầu. Còn cô giáo đưa cả 2 mẹ con Thuận xuống Đại học Vinh trong sự bất ngờ, cảm động và cảm phục của cán bộ, giảng viên phòng Đào tạo và ngành Sư phạm Hóa, ĐH Vinh.

Tại đây, PGS.TS Lê Đức Giang, Phó viện trưởng Viện Sư phạm Tự nhiên đã trực tiếp nhận muộn tân sinh viên ngành Sư phạm Hóa học. “Các thầy cô khuyên em nên đi làm gia sư, vừa phù hợp với sức khỏe, năng lực của mình, mà còn trau dồi được chuyên môn sư phạm sau này”, Vi Thị Thuận cho hay.

Hiện tại em đã được bố trí ở trong ký túc xá, bắt đầu làm quen với môi trường mới. Nữ sinh người Thái cũng tâm sự: “Em thấy có nhiều người quan tâm, thương em quá, nên em sẽ cố gắng để học thật tốt để báo đáp ơn nghĩa các thầy cô và không để bố mẹ lo lắng”,  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.