Kết hôn với người đàn ông góa vợ thực sự là một thử thách. Chẳng dễ dàng gì để một người dám bước vào một cuộc hôn nhân cùng lúc với chuyện đảm đương trách nhiệm làm mẹ. Thế nhưng Trần Trúc Ẩn lại viết nên được một câu chuyện khiến người ta trầm trồ.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Trần Trúc Ẩn là vợ của Chu Từ Thanh - một nhà văn nổi tiếng Trung Quốc. Chu Từ Thanh sinh năm 1898 tại Chiết Giang. Năm lên 10, gia đình đã bắt đầu lo chuyện cưới xin cho Từ Thanh. Ông đính hôn với Võ Chung Khiêm - người xuất thân trong gia đình khá giả, có cha là bác sĩ nổi tiếng tại Dương Châu.
Sau khi kết hôn, tình cảm của hai vợ chồng rất tốt. Chung Khiêm tuy xuất thân giàu có nhưng chẳng nề hà công việc gia đình. Bà cố gắng giúp chồng xử lý chuyện trong nhà để ông thoải mái xây dựng sự nghiệp.
Sau 12 năm kết hôn, họ đã có với nhau 6 đứa con. Tuy nhiên, đến năm 1929, Võ Chung Khiêm qua đời vì bạo bệnh. Chu Từ Thanh đã lập tức ngất xỉu khi nghe hung tin. Khi đó vì tình yêu dành cho vợ sâu sắc, ông tuyên bố sẽ không bao giờ kết hôn lần nữa.
Cuối năm 1930, hai người bạn của ông quá thương bạn nên sắp xếp một buổi xem mắt dưới danh nghĩa rủ đi uống rượu. Lúc đó, Chu Từ Thanh quen Trần Trúc Ẩn.
Trần Trúc Ẩn sinh năm 1903. Từ 16 tuổi, bà đã tự kiếm sống do bố mẹ đã qua đời. Trúc Ẩn tính tình hoạt bát, nhanh nhẹn. Ngay lần gặp đầu tiên, Chu Từ Thanh đã có ấn tượng tốt về bà. Tuy nhiên, ông vẫn chưa có ý định tiến xa hơn.
Trái lại, Trần Trúc Ẩn lại biết đến danh tiếng từ trước và có cái nhìn rất tích cực về Chu Từ Thanh. Sau này, bà chủ động gửi một món quà dành cho họ Chu đó là một bức thư kèm theo chiếc lá phong đỏ thắm được bọc bằng gấm tinh xảo.
Điều này khiến Chu Từ Thanh bất ngờ nhưng đồng thời cũng khiến cho con tim ông rung động. Đã từ rất lâu rồi, họ Chu mới được cảm nhận một chút gì đó "văn nghệ" đến thế.
Chu Từ Thanh vận dụng khả năng văn chương của mình và viết rất nhiều thư tình gửi Trần Trúc Ẩn. Trúc Ẩn cũng có máu văn chương nên trả lời rất văn hoa. Cả hai cứ gửi đi gửi lại thư từ như thế.
Lúc cả hai đã yêu đương mặn nồng rồi thì Chu Từ Thanh phát hiện dường như Trần Trúc Ẩn lảng tránh mình. Hóa ra vào thời điểm ấy, Trần tiểu thư mới hơn 20, bà phát hiện ra người yêu của mình đang nuôi đến 6 đứa con có cùng vợ cũ. Điều này khiến bà vô cùng lo sợ vì cho rằng bản thân không đảm đương được chuyện chăm sóc quá nhiều đứa trẻ như thế.
Sau này, bà viết trong một cuốn sách về sự lựa chọn của mình: "Tình cảm của tôi với anh ấy đã sâu đậm rồi. Đối với một người chuyên tâm học hành, tài giỏi như anh thì nên có người giúp đỡ, ở bên anh mới thuận hòa, hạnh phúc".
Năm 1932, họ tổ chức đám cưới ở Thượng Hải đúng kỷ niệm 2 năm gặp nhau. Để hỗ trợ chồng yên tâm với sự nghiệp, Trần Trúc Ẩn hoàn toàn bỏ đi những đam mê của mình. Trước đó, bà vốn nổi danh với tài năng nổi bật về thơ ca, văn xuôi và hội họa nhưng bây giờ bà hoàn toàn giấc mơ nghệ thuật.
Gia đình đông con, thu nhập chính chỉ có từ việc dạy học và viết lách của Chu Từ Thanh nên khá eo hẹp. Bà chưa bao giờ phàn nàn mà cố gắng chi tiêu tằn tiện nhiều nhất.
Thậm chí, để có tiền thuê gia sư cho các con học, Trần Trúc Ẩn còn âm thầm đến bệnh viện để bán máu nhiều lần.
Thế nhưng Trần Trúc Ẩn vốn là một người có máu nghệ sĩ. Từ khi lấy chồng, chăm sóc 6 người con của chồng, cuộc sống của bà xa rời với trước kia quá. Bà không còn biết cảm giác được đi xem phim, vẽ tranh nữa... Thay vào đó là bếp lò, giặt giũ, tiếng những đứa trẻ ồn ã cả ngày.
Bởi vậy, một người bạn đến nhà chơi, bà đã cùng cô gái ấy nói chuyện rất nhiều từ sở thích xem kịch đến quần áo, thời trang. Điều này khiến Chu Từ Thanh thấy bực bội.
Ông nhớ đến người vợ cũ của mình, lúc nào cũng chu toàn đến việc gia đình. Khi ông viết lách thì vợ sẽ dỗ các con im lặng. Trần Trúc Ẩn thì ngược lại, cũng thoải mái với những chuyện riêng. Chu Từ Thanh đã tức giận và ghi vào nhật ký những lời hằn học, biểu lộ sự tức giận dành cho vợ mình.
Cuối cùng hai vợ chồng đã ngồi lại rồi nói ra tất cả những suy nghĩ của mình. Mối quan hệ vì thế mà được cải thiện. Trần Trúc Ẩn không đòi ly hôn nữa mà Chu Từ Thanh cũng dần dần thay đổi.
Bà lần lượt sinh thêm 2 người con nữa cho chồng. Nhưng dù con ruột hay con chồng, bà đều đối xử như nhau. Tất cả 6 đứa con trước cũng rất kính trọng mẹ kế.
Sau này chiến tranh chống Nhật bùng nổ, cả gia đình phải chuyển về Côn Minh, cuộc sống còn nghèo đói và cơ cực hơn. Họ thường xuyên không đủ cái ăn, khổ sở vô cùng.
Để giảm bớt gánh nặng cho chồng, Trần Trúc Ẩn quyết định cùng các con quay về Thành Đô. Bà lãnh trách nhiệm chăm lo cho các con ở đó với công việc ở một thư viện để chồng yên tâm làm công việc dạy học của mình.
Tuy nhiên, năm 1948, Chu Từ Thanh qua đời vì bệnh tật khi chỉ mới 50 tuổi. Trần Trúc Ẩn đau đớn vô cùng nhưng vẫn cố gắng chống đỡ vì sau lưng bà còn 8 người con.
Suốt 40 năm tiếp theo, bà nuôi các con khôn lớn, lần lượt từng đứa con một thành tài. Đối với 8 người con, Trần Trúc Ẩn chưa bao giờ có ý định tách chúng ra mà một mình cáng đáng hết tất cả.
Năm 1990, Trần Trúc Ẩn qua đời. Khi mất, bà đã nở một nụ cười như mãn nguyện và hài lòng vì sau gần nửa thế kỷ xa cách, bà sắp được gặp lại người chồng của mình.
7 năm sau cái chết của Trần Trúc Ẩn, các con của bà trong lúc chuyển nhà tình cờ tìm thấy một chiếc hộp. Họ chưa bao giờ nhìn thấy nó trước đó. Sau khi lau chùi sạch sẽ, họ mở nó ra thì chết lặng khi nhìn thấy bên trong là 75 lá thư tình mà Chu Từ Thanh viết cho vợ trong thời gian yêu và sau khi kết hôn.
Cho dù chuyển nhà vài lần, chiến tranh nguy ngập, đồ đạc mang đi chẳng được bao nhiêu nhưng Trần Trúc Ẩn vẫn cố ôm bằng được chiếc hộp chứa đựng những "minh chứng" cho tình yêu của chồng dành cho mình.
Mấy người con đã bật khóc khi nhận thấy rằng suốt chừng ấy năm, thứ giá trị nhất với mẹ cũng chỉ là những lá thư tình này mà thôi.