“Nồi nào úp vung nấy”, chàng rể của bà cụ đầu óc cũng tưng tửng. Hai con người không bình thường về làm vợ chồng với nhau, cuộc sống lại thêm xáo trộn. Câu chuyện hi hữu này ở Tiền Giang đang đặt ra nhiều tình huống pháp lý chưa từng có tiền lệ.
“Cá chuối đắm đuối vì con”
Trao đổi với PV, bà Lê Thị Thu Dân, Phó trưởng ấp Lạc Hòa cho biết: Ở ấp này, hoàn cảnh mẹ con bà Sáu Dẫu ai cũng biết. Gia đình bà Sáu thuộc hộ nghèo và đây là trường hợp khó khăn nhất của ấp. Chuyện anh Chiến về ở rể nhà bà Sáu chúng tôi cũng biết. Tuy nhiên, do gia đình hai bên gán ghép chứ cả hai bị tâm thần nên việc đăng kí kết hôn là không có.
Luật sư Nguyễn Hoàng Hoa (Đoàn Luật sư TP. HCM) cho biết, theo quy định tại Nghị định số 76/2006/NĐ-CP của Chính phủ, việc sống với nhau không đăng ký kết hôn là hành vi không chấp hành đúng nghĩa vụ tự giác đăng ký hộ tịch, ảnh hưởng đến trật tự quản lý của nhà nước về hôn nhân và gia đình. Pháp luật không có quy định nào nói rằng cưới nhau trước khi đi đăng kí kết hôn là bị xử phạt hành chính. Nếu lấy nhau mà không đi đăng kí kết hôn thì hôn nhân không được pháp luật công nhận. Nếu có phát sinh tranh chấp hoặc các vấn đề về hôn nhân gia đình, quyền lợi sẽ không được đảm bảo”.
“Hồi nào nằm kế dựa kề bên/ Ôm nhau ngủ mà anh quên lời thề/ Anh đi em tưởng anh về/ Có đâu vắng tích không hề vãng lai…”. Ngày nào vẫn còn mò cua bắt ốc bên bờ sông Vàm Cỏ thì ngày đó, bà Nguyễn Thị Dẫu (tên khác là Sáu Dẫu, ấp Lạc Hòa, Gò Công, Tiền Giang) vẫn còn ngâm nga bốn câu thơ chính bà sáng tác. Những câu thơ vô tình được bà ngâm trên môi mỗi trưa nắng cháy lại chứa đựng nhiều nỗi niềm đến thế.
Trong căn nhà lợp lá nằm sâu hun hút tại ấp Lạc Hòa ngoài người mẹ già 90 tuổi thì còn cô con gái đã ngoài tứ tuần nhưng mắc chứng tâm thần phân liệt. Chị là Nguyễn Thị Loan (Út Loan) con gái của bà Sáu Dẫu.
Buổi trưa, dưới mái che lợp lá, hai bên là những hàng bạch dương, có hai mẹ con bà Sáu Dẫu vẫn cứ ngồi ngâm nga đôi ba câu hò.
Thi thoảng, lẫn vào đó là những tiếng cười ngờ ngệch, khờ khạo của Út Loan. Miệng móm mém, dáng người nhỏ thó cùng chất giọng đậm chất Nam bộ, bà Sáu Dẫu cười bảo: “Chèng ơi, mới hôm trước trời nóng oi, nó lên cơn đánh cả tui. Cũng may hôm đấy, thằng Phú (con trai út của tui) đi ghe về, thấy vậy vào ôm lấy con Út.
Trước đây nó ít lên cơn lắm nhưng từ ngày chồng bỏ đi, đâm ra bệnh nó nặng hơn”. Dứt câu, bà chỉ về phía chị Út, vẫn vô tư cười phô hàm răng và nói dăm ba câu lí nhí không ai rõ nghĩa.
Trước đây, bà Sáu Dẫu theo chồng về xứ Đồng Nai lập nghiệp. Thế rồi chẳng may chồng qua đời, một mình bà dắt díu các con về quê ngoại cất ngôi nhà lá tạm bợ từ đó đến nay. Bà Sáu Dẫu có ba con trai và một cô con gái.
Nhưng người con trai đầu của bà bỏ đi làm ăn biệt xứ đã mấy chục năm nay không một lá thư hồi âm, giờ bà xem như anh đã chết. Cậu con trai thứ hai cũng vì miếng cơm manh áo, dạt lên tận Vũng Tàu đi đánh cá nhưng rồi cũng chết. Bà Sáu chỉ còn lại anh Phú và chị Út Loan.
Về phần anh Phú đã lấy vợ lại ra riêng, suốt ngày anh đi ghe đánh cá có khi một tháng mới về một lần. Thành ra, trong căn nhà lá chỉ còn hai mẹ con bà Sáu Dẫu. Những tưởng chị Út sẽ là chỗ dựa để bà được nhờ cậy, nào ngờ đâu ngược lại. Người mẹ già khốn khổ, sống gần một thế kỉ lại lâm vào cảnh “lá úa” chăm “lá xanh”.
Chị Út vẫn mong ngóng anh Chiến từng ngày.
“Năm Út lên 5, nó bị sốt rồi mờ một bên mắt, bị ảnh hưởng đến giây thần kinh cho đến bây giờ nó khờ khạo lắm. Hơn 40 tuổi đầu, mà thân già này vẫn còn phải cầm tay chỉ việc cho nó. Chỉ bảo thì nó nghe đó, nhưng lại làm một nẻo”, bà Sáu kể.
Cuộc sống mẹ già cùng con gái điên của bà Sáu Dẫu có lẽ vẫn cứ âm thầm trôi qua hết ngày tới đêm, qua tháng này năm nọ. Cho đến một ngày, có người bà con trên huyện Cần Đước (Long An) ghé thăm nhà bà Sáu, nhìn cảnh mẹ già kham khổ chăm cô con gái thần kinh bất ổn, đã ngỏ ý làm mai mối cho Út Loan.
Nhận được cái gật đầu của bà Sáu, vài ba hôm sau người ta dắt đến trước mặt chị Út một người đàn ông cao ráo, nước da trắng. Người đó là anh Chiến - dân gốc Sài Gòn, hơn chị Út 7 tuổi. Suốt cả buổi ra mắt đằng trai, Út ít nói hẳn ra mà chỉ e ấp bẽn lẽn, thi thoảng thì thầm nhỏ to vào tai bà Sáu.
Việc mẹ con bà Sáu xem mắt chàng rể tương lai, chòm xóm không một ai hay. Bởi vậy khi bà Sáu đích thân tới nhà báo hỷ, ai nấy đều ngỡ ngàng. Một đám cưới nho nhỏ nhanh chóng được diễn ra với sính lễ bên trai gồm một đôi bông tai, 1 triệu đồng và bốn mâm quả.
Để chào đón chàng rể, bà Sáu cũng không kém cạnh. Cả đời sống tằn tiện, đến mua một chai nước vài ba ngàn bà cũng không nỡ. Vậy mà đến hôm ngày lành đón rể, bà bảo anh Phú làm hẳn 5 con vịt béo, rồi ra chợ mua đồ làm 5 bàn tiệc đãi họ hàng lối xóm.
Khốn khổ vì con gái “ốm” tương tư
Chỉ sau một đêm, trong ngôi nhà cô quạnh xưa nay chỉ có hai mẹ con đàn bà đã thêm bóng dáng một đấng nam nhi, căn nhà như… vững chãi hơn. “So với cái Út, Chiến cũng đỡ khùng hơn. Nó biết lo cơm nước cho tui và con út, rồi những khi trái gió trở trời tui ốm thằng Chiến lo hết thuốc thang. Cái thằng coi bộ vậy mà chịu khó lắm”, bà Sáu nói.
Về ở rể nhưng anh Chiến luôn tỏ ra là người đàn ông “đúng mực”. Thi thoảng chị Út lên cơn, thậm chí sẵn cả rổ rau bên cạnh chị cầm úp cả lên đầu chồng nhưng anh vẫn không giận. Của “hồi môn” của anh Chiến còn một chiếc xe Honda Cub cũ kĩ. Khổ nỗi mỗi lần giận, chị út lại tìm ngay chiếc xe của chồng rồi nện vào cho bõ tức.
Xong xuôi, Út hết giận lại đòi chồng cõng đi chơi, anh lại cười làm “xe ngựa” đưa chị dạo mấy vòng trong sân. Chị Út ngoài việc làm trò với chồng thì hầu như không biết làm việc gì. Thu nhập chủ yếu của họ dựa vào số “lương” ít ỏi 270 ngàn đồng/tháng của vợ, cộng với “lương” 360 ngàn đồng mỗi tháng (chị Út và anh Chiến đều có giấy chứng nhận tâm thần của bệnh viện).
Ngôi nhà nơi mẹ con bà Sáu đang ở.
Từ ngày có anh Chiến, chị Út Loan dù đã 40 tuổi nhưng cứ như “hồi xuân”. Út cười nói vui vẻ cả ngày trừ những lần lên cơn do căn bệnh tâm thần gây ra. Mỗi lần đi ra đường, Út lại thấy hãnh diện khi người ta bảo chị nom xấu thế mà lấy được chồng dân Sài Gòn, lại còn trẻ và đẹp trai. Thế nhưng cuộc sống của đôi vợ chồng “điên” cũng không tránh khỏi những trắc trở.
“Chiến thích qua nhà hàng xóm chuyện trò lắm. Mấy dạo đầu về làm rể, nó siêng và chăm chỉ. Vậy mà chẳng hiểu sao dạo gần đây nó ít đi làm. Hôm rồi, tui thấy nó chơi bài với người ta, sợ nó thua tiền tui qua gọi về. Nhưng nó bảo, tiền nó nó đánh. Bực quá, tui nói lẫy: “Mày nói hỗn thì đừng về nhà tao nữa”. Ai dè nó để bụng, quay qua nói với hàng xóm “đuổi thì đi”. Thế là tui mất chàng rể”, bà Sáu buồn rầu nói.
Nói là làm, hôm sau anh Chiến khăn gói về hẳn Sài Gòn. Kể từ khi anh đi, chị Út đâm ra âu sầu. Chị cứ suốt ngày gắt gỏng, đi gặp ai cũng kể lể nói xấu anh Chiến. Nhưng đêm về, chị lại lấy 4 bộ đồ cũ và chiếc khăn rằn anh Chiến để lại quấn làm gối ôm ngủ. Miệng giận quá nên chị mới thế, chứ rồi Út lại quay qua rao tin ai đưa được anh Chiến về chị sẽ trả hẳn 10 tháng “lương”. Bà Sáu phải kêu anh Phú lên Sài Gòn đi tìm chồng cho con gái, nhưng khi tìm được thì Chiến nhất mực không chịu về.
Ngồi bệt trước cửa nhà, bà Sáu bảo, cách đây một tuần Chiến có ghé về đây nhưng tuyệt nhiên anh không qua nhà thăm Út, mà chỉ lân la nhà hàng xóm vài hôm rồi đi. Nói đoạn bà Sáu khẽ lấy bàn tay nhăn nhúm lau giọt nước mắt mặn chát trên gò má. Thấy má khóc, chị Út lại vô tư cười hề hề.
Giờ đây bà lão chẳng thể làm gì để cứu vãn mối duyên của con gái… vì thương và trách nhiệm làm mẹ, bà đã vô tình gả chồng thần kinh cho con gái tưng tửng, để rồi giờ đây bà phải chứng kiến nỗi khổ tương tư của đứa con bất thường.
* Tên nhân vật đã được thay đổi