Mẹ của em ở trường

GD&TĐ - Trong thực tế, nhiều tình huống sư phạm diễn ra không hề có sẵn trong bất kỳ giáo án hoặc sách tham khảo nào để giáo viên có thể bê nguyên áp dụng. 

Mẹ của em ở trường

Đối với học sinh dân tộc càng mang trong mình nhiều nét văn hóa đặc thù riêng đòi hỏi những người thầy làm công tác nuôi dạy nhiều phương pháp giáo dục sáng tạo, linh hoạt. Mặt khác, một tấm lòng nhân ái, sự thấu hiểu, sẻ chia, nhẫn nại… cũng không thể thiếu để giáo dục đạt hiệu quả cao nhất.

Hòa nhập mà không hòa tan

Thầy Phạm Xuân Thảo - Hiệu trưởng trường THPT A Túc - Hướng Hóa - Quảng Trị - người từng công tác gắn bó lâu năm với học sinh dân tộc Vân Kiều, Pa Cô chia sẻ: Học sinh dân tộc thường sống theo phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của dân tộc mình - đó là điều dễ nhận thấy. Bên cạnh những phong tục truyền thống đẹp thì cũng tồn tại phong tục lạc hậu, không thích hợp với đời sống hiện đại.

Chính vì vậy, những năm trước đây giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường khá vất vả trong việc giữ gìn sĩ. Không ít học sinh mới chỉ học lớp 10, 11 nhưng đã bỏ học để lấy vợ, chồng. Tình trạng vào ngày mùa, lễ hội học sinh cũng tự động nghỉ học, bỏ học để ở nhà phụ giúp gia đình, đi sim (nam nữ tìm hiểu), tham gia vui chơi hội hè.

Để hạn chế tình trạng này nhà trường phải thống nhất và tìm ra cách giáo dục phù hợp. Trước hết phải xác định học sinh dân tộc về cơ bản khá ngoan ngoãn, hiền lành nhưng thiếu tự tin, tiếp thu chậm và giao tiếp kém. Từ đó nhà trường tập trung tăng cường giáo dục về kĩ năng sống, kiến thức xã hội giúp các em tự tin và sống văn minh hơn.

Có nhận thức đúng và đầy đủ về các vấn đề xã hội các em mới tích cực và chủ động loại bỏ hủ tục truyền thống đồng thời biết giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Chính vì xác định đúng vấn đề, đồng thời thầy cô làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền này nên tới nay nhiều hủ tục, tình trạng bỏ học để lấy vợ chồng sớm gần như chấm dứt. Học sinh dân tộc khi vào trường không chỉ học được kiến thức mà thông qua việc tích cực giáo dục kĩ năng sống mà các em đã tiếp nhận được lối sống văn minh, tích cực đồng thời biết giữ gìn phát huy những bản sắc dân tộc truyền thống tốt đẹp.

Giáo dục học sinh dân tộc không chỉ dừng lại ở việc loại bỏ các hủ tục mà thậm chí thầy cô giáo phải trở thành những người cha mẹ thứ hai giáo dục lại cho các em từ việc nhỏ nhất là lời ăn tiếng nói, loại bỏ hủ tục trong cách sống hàng ngày.

Tại trường phổ thông dân tộc nội trú Hương Khê (Hà Tĩnh) những giáo viên từng làm công tác chủ nhiệm nhiều lớp ghép của học sinh dân tộc Chứt kể: Học sinh dân tộc Chứt lạc hậu, lối sống hoang dã còn lưu lại trong sinh hoạt hàng ngày. Khi mới nhập trường các em thích chạy nhảy, leo trèo, bốc đất, ném đá, đánh lộn nhau. T

hậm chí các em hồn nhiên leo lên cây bàng trong trường hái quả ăn đầy thích thú, hoặc nhai giấy bút chì như nhai kẹo. Vào lớp học khó tập trung thường chạy nhảy nhộn nhạo khó ngồi yên một chỗ. Trong giờ học thì các em tự nhiên nói chuyện bằng tiếng dân tộc. Các em không có thói quen ngủ trưa mà thường đùa nghịch, rượt đuổi nhau trong khu nội trú. Đến nhà ăn, thay vì ngồi bàn và ăn bằng bát đũa các em lại ngồi phệt dưới đất, ăn bốc bằng tay…

Giải pháp nào giúp các em hòa nhập mà không cảm thấy bị đột ngột thay đổi cách sống, môi trường sống. Ban giám hiệu nhà trường đã sau quá trình nghiên cứu hết những đặc tính đã chuyển đổi sang một số thức ăn mà học sinh dân tộc Chứt thích ăn như ngô nướng, khoai nướng, hoa quả tươi…

Tuần nào các em cũng được ăn những thức ăn hợp khẩu vị. Từ đó, dần dần việc ăn quả bàng, nhai bút chì, nhai giấy mất dần. Trong sinh hoạt tập thể hàng ngày, giáo viên trực tiếp hướng dẫn các em vệ sinh, lau chùi nhà cửa, dọn phòng ngăn nắp. Bên cạnh đó, nhà trường ngoài xây dựng phòng truyền thống, sưu tập những dụng cụ lao động (nỏ, dao, rựa, gủi, ống nước…), nhạc cụ (đàn môi, sáo, khèn…) trang phục (váy, áo vòng, chỉ màu, khăn) của đồng bào dân tộc, còn chủ trương cho giáo viên chủ nhiệm khuyến khích học sinh giữ gìn bản sắc dân tộc mình.

Ở lớp học sinh dân tộc Chứt mặc trang phục dân tộc mình. Vào các ngày lễ như lễ lấp lỗ, lễ lấy mật ong, lễ cúng đầu nguồn, đầu rừng hàng năm, chúng em tổ chức cho học sinh về bản và giáo viên chủ nhiệm cũng tham gia với bà con dân tộc Chứt những ngày lễ quan trọng này. Chưa hết, hàng năm vào dịp Tết nhà trường tổ chức đốt lửa trại tại trường. Học sinh đồng bào dân tộc được nhảy múa, hát ca trình bày những tiết mục đặc sắc của mình…

Cô Lê Thị Đặng – Hiệu trưởng trường TH số 1 Mường Mươn (Mường Chà – Điện Biên) cũng chia sẻ: Số học sinh bán trú tại trường phần lớn là học sinh dân tộc Thái, Dao. Các em có thói quen ăn nhạt và ăn chua không ăn mặn.

Mặt khác thích ăn những rau xa xanh thuộc loại của quả như quả đỗ xanh, thuộc loại quả như quả đậu. Trong sinh hoạt hàng ngày khá lộn xộn, bừa bãi… Chính vì vậy nhà trường phải tăng cường hơn chất lượng công tác bán trú, làm sao để những bữa ăn hợp khẩu vị với học sinh nhất, đồng thời hình thành cho các em nền nếp sinh hoạt gọn gàng vệ sinh sạch sẽ…

Một vai hai gánh

Những người thầy gắn bó với học sinh dân tộc đều cho rằng: Chìa khóa để tri thức đến với học sinh dân tộc chính là sự kiên nhẫn, cảm thông như cha mẹ từ đó tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp phong tục tập quán, văn hóa, tâm lý, tình hình thực tế nơi các em sinh ra. Chính vì vậy, các thầy cô giáo không chỉ là người thầy dạy kiến thức mà còn thực sự là cha mẹ dạy các em những điều hay lẽ phải, những kĩ năng sống trong thực tế.

Loại bỏ những hủ tục trong đời sống sinh hoạt cho học sinh không gì hiệu quả bằng chỉ ra một cách cụ thể tác hại, hậu quả đồng thời chỉ cho học sinh thấy tương lai khi các em được học hành đầy đủ.

Từ đó khơi gợi được niềm tin của học sinh, của cha mẹ học sinh vào giáo dục. Và khi có niềm tin, các em sẽ học tập tự giác hơn, chủ động hơn. Để duy trì tỉ lệ chuyên cần của học sinh đòi hỏi sự kiên nhẫn, tận tâm, bám lớp, quan tâm thường xuyên đến từng học sinh của giáo viên. Từ những phân tích, lý giải thiết thực, gần gũi với học sinh sẽ tạo ra cho các em niềm tin và thấy được sự cần thiết của học tập. Từ đó học sinh sẽ chủ động và ý thức hơn với học tập. – Đó là kinh nghiệm chung mà những giáo viên đang cận kề với học sinh dân tộc đúc rút.

Rõ ràng phong tục, tập quán, sự lạc hậu của học sinh dân tộc khiến nhiệm vụ người giáo viên càng trở nên vất vả hơn. Hành trình đưa con chữ dạy người luôn phải bắt đầu bằng giải thích, vận động và gieo niềm tin vào tri thức. Đặc biệt, đối với giáo viên dân tộc thì nhất thiết cần hiểu được ngôn ngữ, tiếng nói học sinh.

Từ đó mới có thể chia sẻ, khuyên nhủ các em những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Còn nhiều hủ tục tồn tại trong cuộc sống hàng ngày của học sinh dân tộc nên những suy nghĩ, hành động của các em cũng bị ảnh hưởng không ít. Tuy nhiên, giáo dục làm sao để các em hiểu biết hạn chế hủ tục, giữ gìn bản sắc dân tộc là cả một yêu cầu đòi hỏi không dễ dàng và đòi hỏi những thầy cô giáo của học sinh dân tộc rút ra những phương pháp cách làm hiệu quả.

Đối với những thầy cô giáo đã và đang gắn bó với giáo dục học sinh dân tộc thì việc thấu hiểu để giữ gìn bản sắc văn hóa của các em trong môi trường học tập xa nhà là việc làm cần thiết. Bằng sự tận tụy cùng những phương pháp giáo dục linh hoạt không chỉ gợi mở một hướng đi, một cách làm sáng tạo hiệu quả mà còn để lại sự cảm phục về những tấm lòng cao cả nhân văn của những người thầy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ