Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi: Tài hoa miền quan họ

GD&TĐ - Nhiều người cứ đợi xuân về là thức thâu đêm với các canh hát của liền anh liền chị miền quan họ Bắc Ninh. Nhưng giữa xôn xao hôm nay, có nhiều người không biết đến nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi.

Hát quan họ ngày xuân ở làng Ngang Nội - quê hương của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi.
Hát quan họ ngày xuân ở làng Ngang Nội - quê hương của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi.

Nhớ và biết, để rồi ngẫm và nghĩ về những lặng lẽ đóng góp của ông cho quan họ, cho một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà UNESCO đã ghi danh. 

Người con ưu tú của quê hương

Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi (1912 - 1997) quê ở làng Ngang Nội, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ngang Nội là một trong 49 làng quan họ gốc của đất Kinh Bắc, đồng thời đây cũng là vùng quê có nhiều người biết hát chèo.

Người xưa kể rằng, làng Ngang Nội (hay còn được quen gọi là lang Ngang) nằm trên phần đuôi dải đất hình con rồng, có nguồn nước chảy từ trên đầu rồng tụ lại ở phần cuối, nên các giếng của làng không bao giờ cạn, nước luôn trong mát, ngọt lịm. Những đứa trẻ sinh ra ở làng được nuôi dưỡng bằng dòng nước mát lành đó đã góp phần chưng cất lên những tâm hồn nghệ thuật.

Chàng trai Nguyễn Đức Sôi sớm bộc lộ năng khiếu ca hát. Nhưng khi trưởng thành, ông lại dành thời gian đóng góp đổi mới quê hương trong vai trò là Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã Hiên Vân, Bí thư Đảng uỷ xã Hiên Vân.

Phải đến đầu năm 1969 khi ông được điều lên Ty Văn hóa Hà Bắc, làm giáo viên dạy hát quan họ thì ông mới có nhiều điều kiện cống hiến cho loại hình nghệ thuật độc đáo của miền Kinh Bắc. Ông đã dạy các nghệ sĩ trẻ mới được tập hợp từ nhiều làng quê về cách hát, cách lấy hơi, buông câu nhả chữ...

Chính vì thế, đến giờ, nhắc tới nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi, các liền anh liền chị miền quan họ đều ghi nhớ công lao của người thầy đầu tiên với Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh (nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh). Chính nhờ có ông, mà nhiều giọng hát quan họ như NSND Thúy Cải và các NSƯT Quý Tráng, Tự Lẫm, Xuân Mùi… được vang xa.

Riêng nghệ sĩ Thúy Cải từ lúc mới 16 tuổi đã được thầy Sôi truyền dạy từ những bài giọng vặt đơn giản đến những bài đòi hỏi kỹ thuật cao bởi phải tuân thủ lề lối rất khó hát. Sau này Thúy Cải được ông yêu quý coi như con gái.

Nhưng quan trọng hơn, ông Nguyễn Đức Sôi là một nhạc sĩ dân gian, là tác giả của ba sáng tác ca khúc quan họ đặc sắc được lưu truyền đến tận hôm nay: “Ăn ở trong rừng”, “Nhớ mãi khôn nguôi”, “Con sông Vị Thủy”. Riêng bài “Ăn ở trong rừng” đã được nhà nghiên cứu quan họ Hồng Thao xếp vào một trong 174 làn điệu quan họ tiêu biểu. Sinh thời, chính ông Sôi đã gợi ý để nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ viết bài quan họ “Ăn ở dưới thuyền” đối lại “Ăn ở trong rừng” một cách hoàn chỉnh.

Không chỉ vậy, nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi còn để lại dấu ấn của mình qua gần 40 bài hát quan họ lời đối, như bài “Cạn chén trăng thề” đối với bài “Đêm qua nhớ bạn” của làng Ngang Nội, bài “Chờ bạn dưới trăng” đối “Lên núi Ba Vì” của làng Lũng Giang, bài “Dệt cửi đêm xuân” đối “Giăng thanh gió mát” của làng Thị Cầu, rồi “Cuốc gọi hè” đối “Thú giải phiền” làng Khúc Toại - đây là một trong những bài khó, nhiều năm không ai đối được… 

Những năm cuối đời, nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi vẫn miệt mài truyền dạy quan họ cho các em nhỏ.
Những năm cuối đời, nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi vẫn miệt mài truyền dạy quan họ cho các em nhỏ.

Tận tâm tận hiến

Ngược dòng thời gian, nhiều người con của quê hương Kinh Bắc vẫn còn nhớ hình ảnh nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi vào thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, dù tuổi cao, vẫn chong đèn chỉ dạy cho các liền anh liền chị các làng quan họ từng câu hát, giải nghĩa từng từ cổ. Đặc biệt, ông dành nhiều ngày để truyền dạy ca trù cho các cháu thiếu niên, học sinh trong vùng sau giờ tan học.

Nhạc sĩ Nguyễn Trung - Chi hội trưởng Chi hội âm nhạc Bắc Ninh khẳng định, nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi là một người thầy lớn, một người thầy có đủ cả Tâm - Tài - Đức. “Thầy không màng danh lợi, không chút riêng tư, suốt ngày í a dạy quan họ cho lớp trẻ, tối lại chong đèn căng mắt sáng tác lời đối quan họ và cho đến tận lúc ra đi, ông vẫn còn những bản thảo dang dở.

Có thể nói, cuộc đời của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi là sự cống hiến không ngừng nghỉ cho dòng chảy dân ca quan họ quê nhà để nó trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hôm nay”, ông Trung khẳng định.

Còn NSƯT Lệ Ngải - con gái của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi chia sẻ: “Cho đến lúc cuối đời, bố tôi vẫn đắm đuối với quan họ. Ông vẫn bảo anh chị em chúng tôi rằng, các con cố gắng gìn giữ những câu hát của cha ông. Tài sản văn hóa tinh thần quý lắm đấy…”.

Cũng theo NSƯT Lệ Ngải, trước khi bay lên bầu trời Kinh Bắc, nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi vẫn đau đáu một điều: Mong sao quan họ không chỉ được phổ tầm ảnh hưởng rộng khắp trong đời sống tinh thần cộng đồng; mà luôn được các thế hệ người chơi quan họ trau chuốt, làm đẹp, làm phong phú thêm bằng sự hiệu chỉnh cho đẹp hơn và bằng những bài bản sáng tác mới, như ông đã từng tâm huyết. 

Người đi để lại nỗi niềm

Cứ Tết đến xuân về, những buổi hát quan họ trên bến dưới thuyền, những canh hát quan họ lại được mở thâu đêm, níu bước chân của du khách. “Người về tôi dặn í ì i í i/Nay có ó o mấy lời này ở ớ nhời này là/ Sông í ơ sâu là sâu song bên chớ lội/Mà này cũng có a đo đầy/ Đò đầy người chớ qua/Người ơi ngươi ở đừng về…”.

Với người Kinh Bắc, quan họ cần thiết như cơm ăn nước uống, như hơi thở thường ngày. Dù thời gian dâu bể, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, “cơm áo không đùa với khách thơ”, nhưng những làn điệu quan họ vẫn vang lên bất cứ lúc nào.

Cuối năm vừa rồi, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức “Đêm quan họ Nguyễn Đức Sôi”. Có thể nói đó là đêm hội ngộ của những người quan họ, của những làng quan họ. Nhưng qua đêm quan họ ấy, nhiều người mới chợt nhận ra, lâu nay, quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nhưng hình như chính chúng ta lại có phần xao nhãng đi trong việc vinh danh những bậc tiền bối có công đóng góp để gìn giữ, bảo tồn và truyền dạy loại hình nghệ thuật này.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi, cùng một số tên tuổi khác, xứng đáng lắm để làm những sự kiện tôn vinh. Thậm chí, có thể tổ chức những hội thảo khoa học để phân tích, nhìn nhận, đánh giá lại những đóng góp của thế hệ đi trước cho quan họ. Đó không chỉ ghi nhận công lao của tiền nhân, mà còn nhắc nhớ cho thế hệ tiếp nối, đồng thời là cơ sở để tiếp tục thúc đẩy những nghiên cứu mới, thắp lên ngọn lửa cảm hứng để tìm kiếm những tài năng quan họ, tiếp bước, nâng tầm các thành tựu để có thêm những sáng tạo mới từ nền cốt đã được nhiều bậc tài hoa quan họ xưa gây dựng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.