Máy tạo oxy dòng cao của Đại học Bách khoa

GD&TĐ - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group vừa tổ chức lễ công bố, giới thiệu máy oxy dòng cao BKVM-HF1 phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Nhóm nghiên cứu giới thiệu sản phẩm.
Nhóm nghiên cứu giới thiệu sản phẩm.

Cung cấp oxy cho bệnh nhân suy hô hấp

Máy oxy dòng cao (HFNC-High Flow Nasal Cannula) được nghiên cứu sản xuất từ nhu cầu cao trong điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế và sự quan tâm tăng cường các trang thiết bị y tế từ các bộ, ngành, Chính phủ.

Máy có chức năng cung cấp liên tục khí thở lưu lượng cao (lên tới 60 lít/phút) với nồng độ oxy điều chỉnh được (từ oxy không khí đến nguyên chất). Dòng khí thở được ổn định ở 37 độ C với độ ẩm bão hòa và cấp qua gọng mũi để giúp điều trị bệnh nhân suy hô hấp.

Trưởng nhóm nghiên cứu, PGS Vũ Đình Tiến, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, máy được chế tạo theo hệ thống khí y tế theo TCVN 8022-1:2009 có thể dùng cho 10 máy oxy dòng cao cùng lúc. Lưu lượng 60 lít/phút có độ tinh khiết đến 93% oxy có thể phục vụ linh hoạt cho tuyến y tế cơ sở. Hiện tại nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện máy làm giàu oxy từ không khí để tích hợp thêm vào hệ thống và nâng cấp tính năng cao cho các máy BKVM được sản xuất tiếp theo.

PGS Vũ Đình Tiến cho biết, hệ thống cấu tạo bao gồm bộ phận trộn dòng khí nén và oxy: Hệ thống có van điều chỉnh an toàn với mức tốc độ dòng (flow) tối đa 60 lít/phút và nồng độ oxy từ 21% - 100%, bộ phận làm ấm và làm ẩm dòng khí trộn, ống dẫn khí thở vào và canun mũi kết nối hệ thống với bệnh nhân.

Nguyên tắc hoạt động là dòng khí nén và oxy sẽ được trộn tại vị trí hệ thống trộn khí nén. Tại đây oxy và tốc độ dòng sẽ được điều chỉnh chính xác tùy theo nhu cầu từng bệnh nhân. Sau đó hỗn hợp khí trộn với tốc độ và nồng độ oxy đích sẽ theo hệ thống dây dẫn đến vị trí làm ấm và làm ẩm. Tại đây dòng hỗn hợp khí khô và lạnh sẽ được làm ẩm và làm ấm tới 37 độ C. Dòng khí trộn sau khi được làm ấm và làm ẩm sẽ theo hệ thống dây và qua canun mũi để cung cấp cho bệnh nhân.

Tại buổi lễ công bố sản phẩm, Bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và VMED Group tiếp tục nghiên cứu sản xuất quy mô lớn, hoàn thiện sản xuất hệ thống tích hợp làm giàu oxy không khí di động và đặc biệt là thiết bị xét nghiệm sàng lọc nhanh các biến thể virus SARS-CoV-2. 

Hỗ trợ điều trị bệnh viêm phổi, suy hô hấp

Máy tạo oxy dòng cao của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong quá trình thử nghiệm.

Máy tạo oxy dòng cao của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong quá trình thử nghiệm.

Trước đó, cuối tháng 5/2021, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tập hợp các chuyên gia khoa học công nghệ và đội ngũ chuyên gia từ VMED Group phối hợp tiến hành nghiên cứu sản xuất máy oxy dòng cao ký hiệu BKVM-HF1.

Máy được đo lường tại phòng thử nghiệm của VMED Group, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở bởi Đại học Bách khoa Hà Nội, giám định kỹ thuật từ Vinacontrol, thử nghiệm tại Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, và được Bộ Y tế quyết định lưu hành vào giữa tháng 6/2021.

“Theo các báo cáo nghiên cứu lâm sàng, nếu được sử dụng máy oxy dòng cao này, 60 - 70% bệnh nhân bị mắc Covid-19 sẽ được hồi phục, không bị nặng thêm và không phải sử dụng máy thở. Máy oxy dòng cao là thiết bị cần thiết để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân viêm phổi, suy hô hấp giai đoạn đầu do Covid-19”, PGS Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai đánh giá.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hoan nghênh và đánh giá cao kết quả nghiên cứu này. Ông và các đơn vị chuyên môn Bộ Y tế đã hỗ trợ nhanh thủ tục pháp lý để có thể sản xuất hàng loạt máy oxy dòng cao BKVM-HF1.

GS.TS Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam nhận định, việc chủ động sản xuất được máy oxy dòng cao là một bước tiến mà lẽ ra cần làm từ rất lâu rồi. Trong dịch Covid-19, tỷ lệ bệnh nhân suy hô hấp mức độ vừa khá cao.

Việc tạo ra một thiết bị y tế ứng dụng công nghệ oxy dòng cao với kỹ thuật đơn giản, rất dễ sử dụng, giá thành hợp lý thì có thể ứng dụng được với rất nhiều bệnh nhận. Đặc biệt, trong dịch bệnh, đều phải huy động hết lực lượng cán bộ y tế, chỉ chuyên khoa không thì không đủ, nên với máy thao tác đơn giản lại sử dụng hiệu quả là vô cùng hữu ích.

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau sự khởi đầu này, các chuyên gia sẽ tiếp tục đóng góp trí tuệ, nghiên cứu, sáng tạo ra HF2, HF3… để góp sức giúp ngành y, giúp các bệnh nhân chống lại đại dịch Covid-19.

Các dòng sản phẩm được sáng tạo bởi nhà khoa học Việt Nam, được sản xuất bởi doanh nghiệp Việt Nam trước hết phục vụ người dân Việt Nam, nhưng cũng mong sẽ đến ngày vươn đến các thị trường khác.

Hiện tại, 30 máy BKVM-HF1 đầu tiên để chuyển tới các tâm dịch của Việt Nam đã được Tổng Công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí PETROSETCO thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất trị giá 1,5 tỷ đồng.

Hy vọng rằng, các sản phẩm được làm ra từ chính tâm huyết và trí tuệ này sẽ giúp các bác sĩ nơi tuyến đầu kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân, góp phần sớm đưa Việt Nam vượt qua đại dịch. Giá thành sản xuất máy trợ BKVM-HF1 chỉ bằng một nửa so với máy nhập khẩu, chủ động được công nghệ cũng như quy mô sản xuất phục vụ nhu cầu phòng chống dịch Covid-19.

Trước đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có nhiều nghiên cứu ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 như Kit thử nhanh virus, cáng cách ly áp lực âm, buồng áp lực dương, mũ thở khí tươi, buồng khử khuẩn toàn thân di động, máy thở...

Dự kiến vào giai đoạn 2 của dự án, các đơn vị sẽ xây dựng phương án triển khai sản xuất với số lượng lớn và đồng bộ với các hệ thống khác trong bệnh viện để nâng cao hiệu quả cứu chữa bệnh nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.