Qua bàn tay khéo léo, nghệ nhân có thể làm cho da gốm có màu sắc khác nhau mà không cần bất cứ một loại phẩm màu nào, ngoài loại đất son ở vùng núi Kim Bảng.
5 thế kỷ chỉ làm một nghề
Ở Hà Nam, có lẽ làng Quyết Thành là nơi duy nhất làm gốm. Tuy nhiên, ở đây không ai gọi là gốm Quyết Thành mà gọi là gốm Quế. Quế chính là tên thị trấn nhỏ ven hai dòng sông lớn là Đáy và Nhuệ, còn Quyết Thành chỉ là một ngôi làng nhỏ bé thuộc thị trấn Quế.
Thế mới biết, để sản phẩm mang thương hiệu của cả thị trấn phải độc đáo đến mức nào. Cho nên, khi gốm Quyết Thành được gọi là gốm Quế, không chỉ người Quyết Thành tự hào, mà người khắp thị trấn Quế đều lấy làm hãnh diện cho một thứ hàng cổ truyền dài 5 thế kỷ.
Hơn 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu đều khẳng định nghề gốm của họ đã tồn tại trên 5 thế kỷ. Tuy nhiên, không ai biết tại sao làng Quyết Thành lại không có tổ nghề làm gốm, dù các cao niên đã nhiều lần lật giở gia phả lẫn cất công đi khắp nơi sưu tầm tư liệu minh chứng cho gốm làng mình.
Một số cao niên nói rằng, nghe các cụ đời trước kể lại, vào thời vua Lê Hiến Tông, nghề gốm có mặt ở Quyết Thành. Không biết ai là người đem nghề về làng, nhưng nhiều người phỏng đoán có thể do nhu cầu địa phương mà người dân mày mò chế tác ra các bình vại đựng nước, đựng rượu… rồi dần dần hình thành nghề làm gốm.
Ông Nguyễn Đức Phú - Chủ nhiệm HTX gốm Quyết Thành, cho biết: “Quế từng là nơi sản xuất gốm quy mô lớn nhất nước. Nhất là thời bao cấp, gốm Quế không chỉ để bán trong nước mà còn xuất khẩu sang nước ngoài. Gốm Quế chủ yếu dùng vào 3 việc: Đựng thóc, tích nước và ngâm ủ rượu”.
Theo ông Phú, thời bao cấp ở làng Quyết Thành chẳng ai không biết nghề. Từ đứa trẻ mới ê a con chữ đến cụ già móm mém thều thào không ra tiếng vẫn hì hụi làm gốm. Nhà nào cũng làm và nhà nào cũng đỏ lửa trong lò. Cánh buôn bè trên sông Đáy chỉ ước qua vùng Quế để ngửi được mùi thơm của gốm chín.
Đến những năm 2000, gốm Quế tưởng sẽ mai một vì nhu cầu tiêu thụ rất ít. Cả làng chỉ còn 4 lò gốm với khoảng 100 thợ. Từ năm 2015 đến nay, do thị trường phát triển, nhu cầu mua gốm Quế về ngâm ủ rượu tăng nên nhiều lò gốm được mở lại. Khắp hai bên đường làng, và cả trong các sân xưởng đầy ắp gốm. Có những ngày, xe tải về lấy hàng chật kín đường đi.
Mỏ sét trời cho
Một người thông minh, khéo tay học làm gốm Quế phải mất 7 năm liên tục mới thành thợ. Còn nếu thành nghệ nhân thì phải cả đời. Gốm Quế không thiên về hình thức bên ngoài mà yêu cầu phải bền nên việc khéo tay là chưa đủ, còn phải có một khoảng thời gian tự chiêm nghiệm. Nghệ nhân Lại Văn Tiến
Mặc dù, gốm Quế không nổi danh như Bát Tràng, Phù Lãng, Hương Canh… nhưng lại có những nét đặc biệt mà các làng gốm kia không có được. “Nét gốm” ấy chính là màu son da gốm sau khi ra lò.
Theo nghệ nhân Lại Văn Tiến, gốm Quế bền chắc như đá lại có màu sắc tự nhiên như son chính là nhờ sét quý hiếm ở địa phương. Các mỏ sét dưới lòng đất qua thời gian đã biến thành sét vàng, vừa dẻo vừa có những khoáng chất quý nên gốm sau nung cực bền chắc và không thấm nước.
Theo ông Tiến và các nghệ nhân làng Quyết Thành, để lấy được sét vàng rất vất vả. Vì là vùng trũng của đồng bằng sông Hồng nên các mỏ sét luôn trong cảnh ngập lụt và nén sâu dưới lòng đất nên để khai thác không phải là dễ. Hằng năm, vào tháng 11 âm lịch sau mùa gặt, thợ gốm phải lật lớp đất bùn để chọn sét vàng. Phần sét vàng tốt nhất chỉ ở độ sâu 3m, còn sâu hơn lại chưa đủ tuổi nên người có kinh nghiệm mới dám đảm nhận việc khai thác sét.
“Phần sét chưa đủ tuổi có màu nhạt, sau này sẽ đùn lên trên và có màu vàng đặc trưng. Người làng gốm sẽ đưa sét về phơi nắng phơi mưa, ngâm ủ đúng một năm rồi nhào nặn, lọc chất lấy bột. Quy trình làm gốm Quế theo phương cách thủ công nên các bể chứa lọc sét vẫn được tận dụng”, ông Tiến cho hay.
Nghệ nhân gốm Quế lọc sét theo quy trình chung là cho vào một cái bể nhỏ trên cao. Màu sét sẽ dần ngấm xuống bể dưới để lắng lấy bột. Bột ngâm dẻo như keo thì tháo nước ra để phơi nắng. Sau khoảng chục ngày lấy bột sét ấy nhào nặn tuỳ ý thành sản phẩm. Gốm sống phơi khô rồi cho vào lò đốt khoảng nửa tháng thì thành phẩm.
Son gốm Quế
Nhiều người thắc mắc tại sao các sản phẩm gốm Quế có màu sắc khác nhau trong khi không dùng chất tạo màu? Ông Tiến cho hay: Khi lọc sét cũng là lúc chọn màu son cho gốm. Tùy cách chọn màu mà nghệ nhân gạn lọc khơi trong, cùng với thời gian nung và nhiệt độ lò sẽ cho ra sản phẩm có màu như ý muốn. Và đặc biệt, ở vùng núi Kim Bảng có một loại đất đỏ như son, người thợ lấy về nghiền nhỏ pha với nước hoặc tán mịn trộn với sét.
Khi nung, loại đất đỏ ấy quyện với gốm tạo thành màu đỏ tươi như máu. Các nghệ nhân nơi đây cho biết, theo quan niệm của người phương Đông, trong gốm hội tụ đủ cả âm dương, ngũ hành, đất là thổ, trong thổ có kim, nước để nhào nặn là thủy, củi đốt là mộc và dùng lửa để nung chín là hỏa. Bởi vậy, màu đỏ như môi thiếu nữ chính là cốt cách riêng biệt của gốm Quế
“Vì quá quen với cách làm gốm nên chúng tôi chỉ ngửi mùi thơm là biết gốm đang có màu sắc gì. Cho nên để giải thích rõ ràng rất khó, nó tựa như người nung gạch, chỉ cần ngửi mùi là biết gạch chín non hay chín già”, nghệ nhân Lại Văn Tiến chia sẻ.