'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.
Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

Nhờ thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ, hệ sinh thái tự nhiên, tính đa dạng sinh học nơi đây được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Bẫy ảnh phát hiện động vật quý hiếm

Khu BTTN Bắc Hướng Hóa được thành lập theo Quyết định 479/QĐ-UBND ngày 14/3/2007 của UBND tỉnh Quảng Trị. Rừng tự nhiên chiếm khoảng 21.400 ha, phân bố ở địa bàn 5 xã thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Khu BTTN Bắc Hướng Hóa được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao, giữ vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, điều tiết nguồn nước và bảo vệ môi trường. Nhận thấy rừng có nhiều loài động vật quý hiếm sinh sống, từ năm 2021, Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đã triển khai việc đặt bẫy ảnh để điều tra về chủng loại số loài và sự phân bố của chúng nhằm bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo chân nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, chúng tôi được “mục sở thị” quá trình đặt bẫy ảnh. Anh Trần Đăng, cán bộ kỹ thuật Khu BTTN Bắc Hướng Hóa giới thiệu, việc đặt máy bẫy ảnh được tiến hành với hai mục đích.

Nếu điều tra tổng thể thì sẽ đặt máy bẫy ảnh theo dạng lưới ô vuông, vị trí các máy bẫy ảnh cách nhau khoảng 200 - 250m. Còn đặt bẫy ảnh nhằm mục đích xác định loài cụ thể, thì đặt máy bẫy ảnh theo tuyến, có thể chọn vị trí gần khe suối.

Trước khi đi vào rừng, đoàn đặt máy bẫy ảnh xác định sẽ đặt máy để điều tra tổng thể, khu vực điều tra tổng thể đã được đánh dấu ở trên máy định vị cầm tay. Khi xác định được vị trí đặt máy bẫy ảnh, các cán bộ sẽ dọn sạch một khu vực có diện tích khoảng 15m2.

“Loại máy này có cảm biến nhạy, chỉ cần có chuyển động nhỏ sẽ ghi lại, nên để tiết kiệm pin và sử dụng hiệu quả, cần dọn sạch các cây cỏ, tránh ảnh chụp không có dữ liệu”, anh Trần Đăng giải thích.

Máy bẫy ảnh được cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN buộc chặt vào một thân cây có đường kính nhỏ, nhưng chắc chắn và ít rung lắc. Loại máy này có lớp vỏ được ngụy trang, nên các loài động vật khó phát hiện ra.

Theo anh Đăng, khi đặt máy bẫy ảnh, sẽ tránh hướng Mặt trời mọc và lặn để các bức ảnh được chụp không bị ngược sáng. Máy bẫy ảnh có thời lượng pin cao, kéo dài đến khoảng 3 tháng. Đặt máy xong trong thời gian từ 2 đến 3 tháng, cán bộ ở khu bảo tồn sẽ không có mặt ở khu vực này, tránh tình trạng các loài động vật phát hiện, sẽ tránh xa.

“Khu bảo tồn rộng, đơn vị tôi hiện có 40 chiếc máy bẫy ảnh, nên mỗi chuyến đi đặt máy bẫy ảnh dài nhất là khoảng 10 ngày. Mỗi chuyến đi có từ 5 - 7 người, nhóm chuẩn bị đầy đủ các loại vật dụng để có thể sinh hoạt, ăn uống trong rừng. Sau khi đặt xong máy bẫy ảnh, từng người sẽ ghi lại tọa độ chính xác nơi đặt máy để thuận lợi cho quá trình kiểm tra”, anh Trần Đăng cho hay.

Thời gian qua, thông qua việc đặt bẫy ảnh, Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đã ghi nhận rất nhiều loài động vật quý hiếm, như tê tê, sơn dương, voọc Hà Tĩnh... Đặc biệt, loài gà lôi trắng cũng được một máy bẫy ảnh ghi lại. Loại động vật này sinh sống trong khu bảo tồn, nhưng lâu nay chưa được phát hiện. Nhờ bẫy ảnh phát hiện, gà lôi trắng mới được bổ sung vào danh sách các loại động vật ở nơi này.

Ngoài ra, loài khướu họng hung cũng mới được phát hiện nhờ máy bẫy ảnh và tiếp tục được bổ sung vào danh mục các loài động vật sinh sống ở Khu BTTN Bắc Hướng Hóa.

Bẫy ảnh được gắn cố định trên thân cây.

Bẫy ảnh được gắn cố định trên thân cây.

Gỡ bẫy cứu động vật hoang dã

Tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, nhiều khu vực có độ đa dạng sinh học cao và các khu rừng nguyên sinh ít tác động nên trở thành môi trường thích hợp cho nhiều loại động vật hoang dã sinh sống. Chính vì vậy, đây lại là nơi nguy hiểm của động vật quý vì bị người dân đặt bẫy săn bắt.

Thời gian qua, nhiều loại bẫy thú trái phép được lén đặt trong Khu BTTN đã đe dọa sự sinh tồn của các loại động vật hoang dã. Để ngăn chặn những kẻ hám lợi, lực lượng bảo vệ rừng phải thường xuyên tổ chức tuần tra dài ngày ở những khu vực có độ đa dạng sinh học cao, rừng nguyên sinh để tìm, phá bẫy thú.

Cuối năm 2023, Tổ tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy động vật hoang dã được thành lập, do Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa hợp đồng với người của địa phương thực hiện. Tổ có 5 thành viên, với nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tuần tra, tháo gỡ bẫy tại các khu vực và giải cứu các loại động vật mắc bẫy, ngăn chặn nạn săn bắt trái phép động vật rừng.

Trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng, nhiều lần tổ tuần tra đã phát hiện nhiều loại bẫy thú. Theo anh Trần Đăng, có hai loại bẫy chủ yếu được tổ tuần tra phát hiện trong khu vực thuộc Khu BTTN gồm bẫy thòng lọng, được làm bằng cáp, dây phanh xe và loại bẫy cạp chân được làm bằng thép. Gần đây, lực lượng bảo vệ rừng cũng phát hiện loại bẫy bàn đạp giật dây rút lò xo.

Anh Hồ Văn Thuần, ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng (Hướng Hóa), tổ trưởng tổ bảo vệ rừng đã hướng dẫn các thành viên cách tháo gỡ chiếc bẫy thòng. Bẫy làm bằng dây cáp, dùng để bắt các loại thú nhỏ như lợn rừng, sơn dương; hoặc loại bẫy vương cũng thiết kế tương tự để dùng bẫy chồn, lợn nhỏ. Khi các con thú đi qua, đầu hoặc chân chúng sẽ mắc vào bẫy.

Tổ tuần tra bảo vệ rừng phát hiện và tháo gỡ bẫy thú trái phép.

Tổ tuần tra bảo vệ rừng phát hiện và tháo gỡ bẫy thú trái phép.

Khu BTTN Bắc Hướng Hóa là khu rừng đa dạng, tồn tại nhiều loại gỗ rừng, thú quý hiếm. Ảnh: Đ. Đức

Khu BTTN Bắc Hướng Hóa là khu rừng đa dạng, tồn tại nhiều loại gỗ rừng, thú quý hiếm. Ảnh: Đ. Đức

Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa cho biết, trong quá trình đặt máy bẫy ảnh, ngoài việc điều tra việc phân bố, sinh sống của các loại động vật quý hiếm để lên kế hoạch bảo vệ, máy bẫy ảnh còn phát hiện người dân vào rừng vì nhiều mục đích.

Theo ông Hoan, việc quản lý và bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn lâu nay gặp không ít khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân trong công tác giữ rừng và bảo tồn động vật hoang dã còn chưa đầy đủ.

Do vậy, tình trạng đánh bắt động vật hoang dã vẫn còn. Cũng nhờ máy bẫy ảnh, Ban Quản lý đã trực tiếp làm việc với nhiều người dân có hành động vi phạm lâm luật, răn đe, xử lý, xử phạt nghiêm khắc việc vào rừng đặt bẫy thú.

Để bảo vệ động vật hoang dã, ngoài việc tuần tra, tháo dỡ bẫy thú, khu bảo tồn còn tăng cường tuyên truyền vận động người dân thông qua các hội nghị, hội thảo, họp thôn, tuyên truyền lưu động.

“Chúng tôi nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm mục đích bảo vệ nguyên vẹn động vật hoang dã tại Khu BTTN Bắc Hướng Hóa, bảo tồn sự đa dạng của tự nhiên. Chiếc bẫy ảnh lâu nay đã trở thành “mắt thần”, góp phần đắc lực bảo vệ rừng”, ông Hoan khẳng định.

Qua công tác tuần tra, Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đã thu giữ hàng nghìn chiếc bẫy thú rừng trái phép. Trong đó, từ tháng 10/2023 đến hết tháng 2/2024, Tổ tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy động vật hoang dã phát hiện khoảng 300 bẫy thú các loại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ