- Cô ơi, có bưu kiện 0 đồng, cô có ở nhà không con chạy qua?
Tiếng cậu shipper vang lên trong điện thoại. Chưa kịp trả lời đầu dây bên kia đã tắt máy, rồi thoắt cái đã nghe tiếng còi xe máy tin tin trước cổng.
- Bưu kiện 0 đồng của cô đây.
- Ai gửi thế cậu? Tôi nhớ có đặt mua gì đâu ta?
- Dạ thấy ghi người gửi Lan Anh.
Vừa đỡ lấy gói hàng, cậu shipper đã phóng đi chẳng kịp hỏi thêm gì. Chẳng trách cậu ta được, cái nghề shipper ăn theo số lượng đơn giao một ngày, phải tranh thủ giao cho nhanh thì giờ đâu mà chuyện trò với khách hàng.
Lan Anh là ai nhỉ? Có thể là học trò cũ. Bao nhiêu lớp học trò đã ra trường làm sao bà nhớ hết được. Thi thoảng vào ngày 20/11 vài đứa có ghé qua thăm hỏi cô giáo cũ. Tặng quà kiểu gửi chuyển phát nhanh thế này thì mới gặp lần đầu. “Thôi, cứ mở quà ra xem thử đã”, bà chặc lưỡi.
Bên trong là một giỏ xách xinh xinh. Không có bảng giá. Nhưng cứ nhìn lớp da thì cũng dễ dàng đoán được giá của nó không hề rẻ. Có một mảnh giấy học trò kèm theo bên trong giỏ:
“Cô Mai thân mến!
Cô còn nhớ em không ạ? Cô ơi, nhờ cô giúp đỡ mà ba em đã bình phục, nhờ những lời động viên của cô, em đã quyết tâm ôn thi và đỗ vào đại học. Lên thành phố, em tìm việc làm thêm tự trang trải cuộc sống.
Em vừa ra trường và được mời ở lại làm giảng viên do tốt nghiệp đạt xuất sắc cô ạ. Lãnh tháng lương đầu tiên, việc đầu tiên mà em làm là chạy đi mua cho cô một món quà. Em không biết món quà bé nhỏ này có vừa ý cô không, nhưng em mong cô sẽ thích nó.
Cô học trò nghèo năm xưa của cô.
Lan Anh”.
Bà Mai buông lá thư. Thì ra là cô bé năm đó. Trước mắt bà đoạn phim ký ức năm nào tua rõ mồn một…
* * *
Ảnh minh họa: ITN |
Đó là một buổi chiều đầu Hạ, trời oi nồng kéo dài cả tuần mà vẫn chưa rớt nổi hạt mưa khiến không khí như có ai đốt, nóng hầm hập. Ngồi trong nhà nhìn ra một màu nắng chói lóa chỉ biết le lưỡi lắc đầu.
Cô giáo Mai đang đánh vật với cái máy tính soạn giáo án thì chuông điện thoại reo:
- Alo, cô Mai phải không?
- Dạ vâng.
- Lớp mình có con bé Lan Anh hoàn cảnh đáng thương lắm. Ba vừa bị tai nạn giao thông phải đi cấp cứu ở thành phố. Điều kiện kinh tế đã khó khăn nay lại còn gặp nạn vầy thì chắc con bé bỏ thi tốt nghiệp mất. Cô xem viết bài giúp con bé được thì giúp với, tội nghiệp năm nào nó cũng là học sinh giỏi.
Nghe thế cô Mai liền hỏi rõ đường đến nhà Lan Anh. Cứ theo chỉ dẫn của bạn đồng nghiệp thì khá khó tìm, khu vực đó dân cư thưa thớt, đất đai bỏ hoang nhiều. Ở cái miệt quê này quanh năm nắng và gió. Đất đai khô cằn. Muốn trồng cây gì cũng chẳng trồng được vì không có nước.
Có chăng chỉ trồng được một vụ duy nhất vào mùa mưa. Mà giờ nông dân chẳng mặn mà trồng lúa nữa vì công chăm sóc, tiền phân, tiền thuốc thì cao mà giá lúa bán chẳng bao nhiêu đồng bạc. Chưa kể sâu bệnh.
Năm nào sâu bệnh nhiều thì tới lúa để ăn cũng chẳng có nữa là bán. Làm vụ nào lỗ vụ đấy. Riết người ta chán bỏ hoang, kiếm cơm bằng cách đi làm thuê làm mướn ăn công ngày. Làm ngày nào có lương ngày đó, vậy chắc ăn cho rồi, khỏi lo giá cả lên xuống, khỏi lo giá phân, giá thuốc tăng.
Làm công nhật thì bấp bênh theo kiểu khác. Có tháng thì có việc làm đều đều, có tháng chẳng ma nào thuê. Vậy là cứ đắp đổi ngày làm bù ngày nghỉ, thành ra đâu cũng vào đấy, chỉ lo đủ cái ăn cái mặc, ốm đau phải chạy vạy đi mượn khắp nơi.
Nhà Lan Anh cũng vậy. Hai vợ chồng phụ hồ nuôi bốn đứa con ăn học. Lan Anh là con lớn. Hằng ngày đi học một buổi còn một buổi phải quán xuyến việc nhà, chăm em, rồi chăm vườn rau nho nhỏ của gia đình. Tới vụ thu hoạch, sáng em phải dậy sớm từ ba bốn giờ cắt rau đi bỏ mối rồi mới đến trường. Nhà nghèo là vậy mà lúc nào em cũng xếp trong bảng tốp đầu của lớp.
Cô Mai vượt qua quãng đường dài quanh co, có những đoạn đường bờ chỉ đủ bánh xe máy, vừa chạy vừa lo rớt xuống ruộng, tìm tới nhà cô học trò nghèo. Lan Anh đang nhổ cỏ ngoài ruộng rau. Cô em út còn đang nghịch đất trước sân, thấy có khách mới chạy xuống ruộng kêu chị về.
“Đang đợt ôn thi nước rút mà con bé cứ lăn xả làm việc thế này thì…”, cô Mai khẽ rên thầm trong bụng. Thương con bé quá. Chuyện trò vài ba câu, hỏi thăm tình hình của ba giờ ra sao, nghe nhắc tới ba nước mắt Lan Anh xối xả tuôn. Nức nở một hồi lâu, em mới trả lời được:
- Bác sĩ giục mổ hấp não mà giờ không có đủ chi phí để đóng tạm ứng. Má con phải chầu chực chăm ba, chỉ có thể gọi điện vay mượn bà con nhưng mà…
Lan Anh chẳng thể nói trọn vẹn được hết câu, cơn nấc nghẹn đã trào lên cuống họng, chỉ những tiếng nấc thổn thức bật ra. Cô Mai vỗ vai em động viên:
- Thôi giờ thế này, cô sẽ gấp rút viết bài về hoàn cảnh của gia đình em, hy vọng sau khi bài đăng báo sẽ có nhiều mạnh thường quân giúp đỡ. Cha em sẽ có đủ tiền đóng viện phí. Cô không có nhiều, chỉ có chút ít đây em cầm tạm mua đồ ăn cho các em nhé. Mọi người sẽ không bỏ rơi gia đình em đâu.
Hãy hứa với cô dù có khó khăn thế nào cũng cố gắng ôn để thi tốt nghiệp thật tốt, đỗ vào đại học. Chỉ có con đường học mới giúp em tìm được công việc có thu nhập ổn định để chia sẻ gánh nặng với cha mẹ. Đừng vì khó khăn trước mắt mà từ bỏ việc học, em nhé.
Cô bé học trò thổn thức nói lời cảm ơn. Nhìn khuôn mặt hóp lại vì lo lắng của cô gái trẻ lòng cô Mai chùng xuống. Lương tâm của một nhà giáo, một nhà báo thôi thúc cô phải nhanh nhanh viết bài kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Không thể để em ấy đối mặt với đường cùng được.
Nghĩ là làm, tối đó cô Mai bắt tay vào viết bài ngay và gọi điện chia sẻ với biên tập viên tòa soạn có thể ưu tiên đăng bài ngay số ngày mai. Chậm một ngày là một ngày dằng dặc đợi chờ trong vô vọng của gia đình họ.
Sau bài báo về tấm gương hiếu học, mười hai năm liền là học sinh giỏi và hoàn cảnh khó khăn hiện tại của Lan Anh, nhiều nhà hảo tâm đã gọi điện cho cô Mai xin được giúp đỡ gia đình em.
Thật may mắn, nhờ sự chung tay giúp sức của cộng đồng, gia đình em đã đủ tiền để đóng viện phí, cha em được điều trị kịp thời nên hồi phục 50% sức khỏe ban đầu. Sau này qua đồng nghiệp, cô Mai được biết Lan Anh đã thi đỗ vào một trường đại học lớn ở thành phố. Thật là một kết thúc có hậu cho gia đình họ.
* * *
Vậy là, giờ cô học trò nghèo đã thực hiện được ước mơ rồi, lại còn nhớ để tri ân người đã giúp đỡ mình. Còn gì hạnh phúc hơn thế nữa. Giờ đây, cô giáo Mai ngày xưa đã là một bà giáo già về hưu. Công việc hiện tại là cộng tác cho các báo mảng giáo dục.
Bà vẫn còn nhớ như in cơ duyên đưa mình đến với nghề báo một cách tình cờ. Năm đó Mai ba mươi lăm, tỉnh mở một lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng viết tin cho giáo viên. Mỗi trường cử một giáo viên đi học lớp tập huấn. Hiệu trưởng gọi Mai lên và bảo:
- Thầy thấy em có khả năng đấy, đi học đi.
- Dạ thôi, em có biết gì báo với chí đâu.
- Em cứ mạnh dạn đi học đi, biết đâu sau này giúp ích được cho trường, cho học sinh thì sao.
Thấy thầy hiệu trưởng nhiệt tình khuyến khích, cô Mai mạnh dạn đăng ký đi học. Sau hai tuần tập huấn, cô đã phần nào nắm được kiến thức cơ bản và bắt tay vào viết tin. Ban đầu tập viết những tin ngắn, rồi mạnh dạn gửi cho anh biên tập viên báo tỉnh, nhờ góp ý, chỉnh sửa.
Nhìn những dòng bôi đỏ chi chít trên cái tin chỉ hơn trăm chữ, Mai cũng buồn lắm. Nhưng rồi không nản chí, lại viết, lại gửi và hồi hộp chờ email hồi âm từ người đàn anh trong nghề.
Cứ thế, dần dần Mai đã viết được những tin tức ngắn về phong trào dạy, học trong trường, trong huyện. Sau đó, Mai bắt đầu tìm hiểu những thể loại khác của tin. Bắt đầu viết thử tấm gương người tốt việc tốt. Rồi thì viết chuyên mục
Bạn đọc về những tấm gương học trò vượt khó học giỏi qua đó kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Mỗi lần nghe gọi điện báo tin ở xã A, thôn B có trường hợp em C gia cảnh nghèo khó mà học rất giỏi là Mai không quản đường xa lặn lội tới tận nơi trò chuyện tìm hiểu viết bài kêu gọi sự giúp đỡ.
Nhờ những bài viết của Mai, nhiều mạnh thường quân đã tìm đến cô tin tưởng trao tiền nhờ chuyển giúp đến các em có gia cảnh khó khăn. Cô bé Lan Anh cũng là một trong những học sinh được Mai giúp đỡ như vậy.
Mỗi lần giúp được một em là mỗi lần Mai thấy tâm mình nhẹ nhàng, thanh thản. Cô cảm nhận được niềm vui khi có thể giúp đỡ người khác. Niềm vui ấy không có gì có thể so sánh được. Nụ cười ấm áp, ánh mắt sáng bừng hy vọng của những người mẹ, người cha, của những học trò nhỏ. Đó là món quà ý nghĩa nhất mà Mai muốn nhận.
Với cô thế là đủ.
* * *
Ảnh minh họa: ITN |
Khi đã thành thục kỹ năng viết tin, Mai bắt tay vào viết về những tiêu cực trong giáo dục. Nếu viết về những tấm gương vượt khó học giỏi cô luôn được mọi người cổ vũ, luôn nhận được tình yêu mến thì ở đề tài thứ hai này lại gặp nhiều khó khăn hơn.
Ban đầu là những tin nhắn đe dọa, rồi tới những cuộc gọi lúc nửa đêm. Dù bực bội, có phần hoảng sợ nhưng Mai vẫn kiên quyết tiếp tục viết để nói lên tiếng nói của giáo viên. Nếu thấy chưa đúng mà cứ im lặng cắm đầu làm theo thì hèn nhát lắm.
Sau loạt bài báo về việc nhà trường giao chỉ tiêu đăng ký mua sách giáo khoa của học sinh đầu năm và những bất cập trong sách tập viết chữ lớp 1, Mai bị mời lên văn phòng làm việc. Thầy hiệu trưởng chỉ nhẹ nhàng bảo Mai:
- Thầy không trách em. Việc em làm là đúng. Chỉ là…
- Em xin lỗi thầy.
- Em không có lỗi. Có lẽ thầy sẽ bị chuyển công tác. Nhưng không sao, nếu em thấy em đang làm đúng thì cứ làm, đấu tranh bao giờ cũng khó khăn hơn là im lặng.
Một tháng sau thầy chuyển công tác thật. Mai cảm thấy day dứt mãi, tại cô mà thầy mới bị chuyển đi nơi khác. Dẫu vậy, cô vẫn quyết tâm sẽ tiếp tục viết, để nêu ra những bất cập trong việc quản lý giáo dục cho cấp trên biết mà sửa đổi. Mai nghĩ đơn giản làm gì cũng có những mặt còn khiếm khuyết chứ làm sao hoàn hảo hết được, sai thì sửa.
Nhưng hiệu trưởng mới về thì không thế. Thấy phiền cho hiệu trưởng quá, cuối năm đó Mai xin chuyển trường. Đi nơi nào Mai cũng trở thành nỗi lo của những hiệu trưởng. Họ coi cô như quả bom xui xẻo, chẳng biết sẽ nổ lúc nào.
Cô Mai biết điều đó. Cô đã quá quen với những cuộc gọi đe dọa, quá quen với việc lên phòng lãnh đạo uống nước trà nhưng cô không sợ. Những tin nhắn cảm ơn của các đồng nghiệp khác khi cô dám dũng cảm nói lên sự thật tiếp thêm cho cô sức mạnh.
Cứ áp chỉ tiêu xuống cho giáo viên một cách cứng nhắc thì hỏi làm sao thầy cô vui vẻ làm được. Ngay cả việc đi du lịch cuối năm cũng giao chỉ tiêu 100% thì thật quá đáng.
Thế là khi những bài báo được đăng, trên Messenger, trong Zalo, đầy những tin đe dọa. Mai không sợ. Vẫn sẽ viết viết đến khi nào không thể viết được nữa thì thôi. Bởi lương tâm một nhà giáo, nhà báo không cho phép cô im lặng trước những tiêu cực trong cuộc sống, nhất là trong giáo dục.
Hai năm trước, Mai xin nghỉ hưu sớm vì không muốn là gánh nặng cho hiệu trưởng. Những giáo viên khác vẫn âm thầm nhắn tin tâm sự, phản ánh thực trạng trong trường mình cho người phóng viên già. Và, mỗi ngày bà vẫn ngồi trước máy tính để viết tin, cần mẫn như chú ong chăm chỉ mong làm ra mật ngọt cho đời…