Đừng nói dối

GD&TĐ - Trên thế giới không có điều dối trá nào che giấu được mãi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tôi đã học ở đó khá lâu. Lúc đó còn là trường trung học và sau mỗi buổi học các giáo viên đã ghi nhận xét vào cuốn sổ liên lạc theo yêu cầu và ghi cả điểm số vào đó - bao gồm từ điểm 1 cho đến điểm 5(*). Mà tôi thì còn rất nhỏ, khi vào học ở lớp dự bị của trường trung học tôi mới chỉ 7 tuổi còn chưa biết điều gì ở trường. Và ba tháng đầu tiên tôi thực sự như bước đi trong sương mù vậy.

Thế rồi có một lần thầy giáo đã cho chúng tôi học thuộc lòng câu thơ: “Vầng trăng vui soi khắp xóm làng/Tuyết trắng lấp lánh ánh xanh…”. Tôi không học thuộc bài thơ này.

Tôi không nghe thấy thầy giáo nói gì cả. Tôi không nghe thấy bởi đám con trai ngồi đằng sau, lúc thì chúng đập quyển sách vào gáy tôi, lúc thì bôi mực vào tai tôi, lúc thì giật tóc tôi, và khi tôi giật mình bật dậy thì chúng đã đặt cái bút chì hoặc thứ gì đó ở đằng sau.

Vì lý do đó mà ngồi trong lớp tôi thấy sợ hãi và thậm chí váng đầu, cả buổi tôi chỉ để ý nghe xem mấy thằng con trai ngồi phía sau sẽ còn nghĩ ra trò gì nữa để trêu chọc tôi.

Vào một ngày khác, thật đen đủi, thầy giáo đã gọi tôi và yêu cầu đọc bài thơ trên. Mà tôi thì không chỉ không biết bài đó, thậm chí còn không ngờ rằng trên thế gian lại có những vần thơ như thế. Nhưng vì nhút nhát nên tôi không dám nói với thầy giáo rằng tôi không biết những câu thơ này.

Và tôi cứ đứng chôn chân bên bàn của mình, không thốt lên được lời nào. Thế là mấy thằng bé bắt đầu lén nhắc cho tôi những câu thơ và nhờ thế mà tôi bắt đầu lảm nhảm những gì mà chúng đã đọc thầm cho tôi. Mà thời gian đó tôi lại đang bị sổ mũi mãn tính và một bên tai của tôi không thể nghe rõ, vì thế nên rất khó để biết chúng đã nhắc thầm cho tôi những gì.

Ngay từ những dòng đầu tiên tôi đã nói được những câu gì đó. Song đến khi đọc đến câu: “Chiếc thập tự dưới bóng mây cháy như ngọn nến” thì tôi lại nói: “Tiếng nứt dưới đôi ủng như ngọn nến đang bị đau”. Lúc đó, có những tiếng cười vang lên trong đám học trò. Và thầy giáo cũng cười. Thầy nói:

- Thôi nào, em mang sổ liên lạc của mình lên đây! Thầy sẽ ghi điểm 1 vào đó cho em.

Thế là tôi bắt đầu khóc, bởi vì đó là điểm 1 đầu tiên của tôi và tôi còn chưa biết vì sao lại thế.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Sau buổi học, cô em gái Lelia của tôi rẽ qua chỗ tôi để cùng đi về nhà. Trên đường, tôi đã lấy từ ba lô ra cuốn sổ liên lạc, chìa ra trang có ghi điểm 1 và nói với Lelia:

- Lelia, nhìn xem là cái gì thế này? Đó là thầy giáo đã chấm điểm cho anh vì bài thơ “Vầng trăng vui chiếu khắp làng” đấy.

Lelia liếc nhìn và mỉm cười. Nó nói:

- Minka, điều đó tệ thật đấy! Đúng là thầy giáo đã cho anh điểm 1 vì môn Tiếng Nga. Điều này tệ đến mức em nghi ngờ về việc cha sẽ tặng chiếc máy ảnh vào ngày sinh nhật của anh, sẽ được diễn ra trong hai tuần nữa.

Tôi nói:

- Vậy phải làm thế nào?

Lelia nói:

- Một đứa bạn ở lớp em đã dán gộp hai trang trong cuốn sổ liên lạc của nó, chỗ có điểm 1 ấy. Cha của nó đã cố nhưng không thể gỡ ra và thế là đã không thể nhìn thấy những gì ở trang đó nữa.

Tôi nói:

- Lelia, điều đó không tốt đâu - cái việc lừa dối cha mẹ mình ấy.

Lelia cười và đi về nhà. Còn tôi với tâm trạng buồn bã rẽ vào khu vườn thành phố, ngồi xuống chiếc ghế băng ở đó và mở cuốn nhật ký ra, nhìn vào điểm 1 với vẻ hoảng sợ. Tôi ngồi ở đó hồi lâu, sau đó đi về nhà.

Nhưng khi đến gần ngôi nhà, tôi chợt nhớ ra rằng mình đã để cuốn sổ liên lạc trên chiếc ghế trong khu vườn. Tôi chạy trở lại, nhưng trong khu vườn, trên ghế không còn cuốn sổ đó. Lúc đầu tôi thấy sợ hãi, sau đó lại mừng vì bây giờ đã không còn cuốn sổ liên lạc với điểm 1 đáng sợ đó với tôi nữa.

Tôi trở về nhà và nói với cha tôi rằng đã làm mất cuốn sổ liên lạc của mình. Còn Lelia thì cười và nháy mắt với tôi khi nghe những lời nói ấy.

Ngày hôm sau, khi biết tôi đã làm mất cuốn sổ liên lạc, thầy giáo đưa cho tôi một cuốn sổ mới. Tôi mở cuốn sổ sổ liên lạc mới này với hy vọng lần này sẽ không có điều tệ hại nào nữa. Thế nhưng, ở phần tiếng Nga lại thấy có điểm 1, mà nó còn bự hơn cả trước nữa. Lúc đó, tôi cảm thấy khó chịu và giận dữ đến mức đã nhét cuốn sổ ấy ra đằng sau tủ sách của lớp chúng tôi.

Hai ngày sau, khi biết rằng tôi không còn cuốn sổ liên lạc đó nữa thầy giáo lại đưa ra cuốn sổ mới. Và rồi, ngoài điểm 1 về môn Tiếng Nga, ở đó thầy còn cho tôi thêm điểm 2 về hạnh kiểm nữa chứ. Và thầy nói, nhất thiết phải để cha tôi xem cuốn sổ liên lạc của tôi.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Khi tôi gặp Lelia sau buổi học, nó nói với tôi:

- Đó sẽ không phải là dối trá, nếu chúng ta tạm thời dán các trang đó lại. Và một tuần sau ngày sinh nhật, khi anh đã nhận được chiếc máy ảnh thì chúng ta gỡ keo ra rồi đưa cho cha xem có gì ở đó.

Tôi thì rất muốn nhận được chiếc máy ảnh. Thế là, tôi và Lelia đã dán góc các trang của cuốn sổ liên lạc tai hại đó lại.

Buổi tối cha tôi nói:

- Nào, con đưa cuốn sổ liên lạc của mình ra đây! Thật thú vị nếu được biết con đã có điểm số nào?

Cha tôi bắt đầu xem cuốn sổ, song ở đó không thấy có gì tệ cả, bởi vì trang đó đã bị dán lại. Và khi cha đang xem cuốn sổ của tôi thì bỗng có ai đó gọi ngoài cầu thang. Một người phụ nữ nào đó bước vào và nói:

- Hôm trước, khi đi dạo trong khu vườn thành phố và ở đó tôi thấy có một cuốn sổ liên lạc ở trên chiếc ghế băng. Theo họ tên và địa chỉ tôi đem nó đến nhà ta để anh xem có phải con trai mình đã đánh mất cuốn sổ này không.

Cha tôi xem cuốn sổ liên lạc, khi nhìn thấy có điểm 1 ở đó liền hiểu ra tất cả. Cha không hét lên với tôi. Ông chỉ nhẹ nhàng nói:

- Những người nói dối và lừa dối thật buồn cười và hài hước, bởi vì sớm hay muộn gì thì những lời nói dối của họ sẽ luôn bị phát hiện ra. Và trên thế giới không có điều dối trá nào che giấu được mãi.

Mặt đỏ lựng như gấc, tôi đứng trước mặt cha và cảm thấy hổ thẹn vì những lời nói nhẹ nhàng của cha mình. Tôi nói:

- Thế này ạ: Còn một cuốn sổ liên lạc nữa của con, là cuốn sổ thứ ba có ghi điểm 1 và con đã nhét nó ở đằng sau tủ sách trong trường.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Thay vì giận dữ hơn đối với tôi, cha đã mỉm cười và rạng rỡ. Cha quàng tay ôm rồi hôn tôi. Cha nói:

- Điều con đã thú nhận làm cha rất vui. Con đã thừa nhận câu chuyện mà có thể sẽ chưa được biết đến trong một thời gian dài. Và điều đó khiến cha hy vọng rằng con sẽ không nói dối nữa. Vì điều này thì cha sẽ tặng cho con một chiếc máy ảnh.

Khi nghe những lời này, Lelia nghĩ rằng cha đã bị rối trí và giờ đây cha sẽ tặng quà cho cả hai, không phải vì điểm 5, mà vì điểm 1.

Thế là lúc đó Lelia bước lại gần cha và nói:

- Cha ơi, hôm nay con cũng bị điểm 2 môn Vật lý vì con không học thuộc bài.

Nhưng sự kỳ vọng của Lelia là vô ích. Cha đã giận dữ với nó, đuổi nó ra khỏi phòng mình và bảo nó lập tức ngồi xuống đọc sách.

Và đến tối, khi chúng tôi đã đi ngủ, đột nhiên có tiếng chuông cửa reo. Đó là thầy giáo của tôi đến gặp cha tôi. Thầy nói với cha tôi:

- Hôm nay khi làm tổng vệ sinh lớp, chúng tôi đã tìm thấy cuốn sổ của con trai anh ở đằng sau tủ sách. Anh có thích việc người nói dối và lừa dối nhỏ bé này đã vứt bỏ cuốn sổ liên lạc của mình để anh không nhìn thấy không?

Cha tôi đã nói:

- Về cuốn sổ liên lạc này thì tôi đã được nghe chính con trai tôi nói rồi. Tự nó đã thú nhận với tôi về hành động này. Như vậy thì không có lý do gì để nghĩ rằng con trai tôi là một kẻ nói dối và lừa dối không thể sửa đổi được.

Thầy giáo đã nói với cha tôi:

- À, ra là thế. Anh đã biết về việc đó. Trong trường hợp này thì đây là một sự hiểu lầm. Xin lỗi. Chúc ngủ ngon.

Còn tôi, khi nằm trên giường của mình và nghe thấy những lời nói đó, tôi đã khóc nghẹn ngào. Tôi hứa với bản thân là sẽ luôn nói sự thật.

Và quả thực là từ đó tôi đã luôn hành động như thế. Chà, điều này đôi khi là rất khó khăn, nhưng vì thế mà tôi luôn thấy trong lòng vui vẻ và thanh thản.

Bích Nguyễn (Dịch từ tiếng Nga)

(*) Ở nước Nga chấm theo thang điểm 5.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ