Đến với bài thơ hay:

'Chỉ mong con gọi: Mẹ ơi! Mẹ à…'

GD&TĐ - Xưng hô trong tâm thức người Việt vốn là một vấn đề quan trọng của văn hóa giao tiếp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phạm Luyến

Xin đừng gọi mẹ là bà

Xin đừng

Gọi “mẹ” bằng “bà”

Mẹ tuy đã cũ vẫn là mẹ thôi

Xin đừng

Quen miệng con ơi…!

Nghe lòng nghèn nghẹn những lời ru xưa

Cánh cò

Sã mỏi chiều mưa

Thương con nâng giấc sớm trưa quặn lòng

Tình đời

Sắc sắc, không không

Biết tình con vẫn thắm nồng… mẹ vui

Già neo

Đâu thiết ngọt bùi

Chỉ mong con gọi: Mẹ ơi, Mẹ à

Lá thu

Lay lắt xế tà

Chạnh lòng nghe tiếng gọi “Bà”… xa xôi

Xin đừng

Hoán vị, đổi ngôi

Vô tâm gọi thế… con ơi mẹ buồn.

Vậy nên, xưng hô như thế nào để thỏa mãn mục đích giao tiếp là một vấn đề mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thấu hiểu đạo lý ấy, trước cách xưng hô chưa “chuẩn” của con (gọi mẹ là bà), tác giả Phạm Luyến đã có bài thơ “Xin đừng gọi mẹ là bà” là lời nhắn gửi nhẹ nhàng, thấu tình, đạt lý trước sự “vô tâm” của những đứa con.

Đây có lẽ không chỉ là hiện tượng cá biệt, mà nó khá phổ biến trong các gia đình hiện nay. Con cái đến tuổi trưởng thành, được cha mẹ dựng vợ gả chồng, rồi khi chúng có con, bố mẹ cũng “lên chức” ông bà, tự nhiên, con gọi luôn bố mẹ là ông bà (thay cho cháu) mà quên mất cách gọi vô cùng gần gũi và thân thương: Bố - Mẹ.

Bố, mẹ, ông, bà, cô, dì, chú, bác… là những đại từ xưng hô thân tộc, nên khi giao tiếp phải xác định thái độ giao tiếp để chọn lối xưng hô cho thích hợp, tạo được sự lễ phép, khiêm tốn, kính trọng, lịch sự, thân mật… Theo đó, cách xưng hô của người con trong bài thơ “Xin đừng gọi mẹ là bà” có sự lệch chuẩn, khiến người mẹ buồn và chạnh lòng. Điều này tưởng như nhỏ nhưng không hề nhỏ, vì nó thể hiện văn hóa ứng xử trong gia đình. Xét về lý, gọi như thế cũng không hẳn sai, vì có thể gọi thay cho cháu. Nhưng xét về tình thì chưa ổn. Gọi “mẹ ơi, mẹ à”, nghe vô cùng tình cảm, thân thương, gần gũi. Nếu thay bằng “bà ơi, bà à”, nghe xa cách và dửng dưng lắm. Bởi thế, câu thơ đầu tiên (và cả bài thơ), hóa thân vào vai người mẹ, nhà thơ đã đặt vấn đề một cách nhẹ nhàng, thẳng thắn, nên dễ đi vào lòng người “Xin đừng gọi mẹ là bà”. Vì sao lại có cách đặt vấn đề ấy? Những câu thơ sau đã góp phần lý giải…

Trước hết, theo cái lý của người mẹ, thì “Mẹ tuy đã cũ vẫn là mẹ thôi”. Ở đây, tác giả dùng từ “cũ” chỉ người mẹ thật chính xác, thể hiện sự “biết mình” của mẹ. Mẹ cũng đã hiểu rằng, con chỉ vô tình “quen miệng” thôi, nhưng chỉ thế cũng làm mẹ phải “nghẹn lòng”. Mẹ không quản khó khăn, vất vả, giống như cánh cò “sã mỏi chiều mưa”, thương con đến quặn lòng, cả đời chăm lo cho con nên người, con lớn lên từ lời ru của mẹ. Còn gì vui hơn, khi chứng kiến từng ngày sự trưởng thành của con, nhất là khi “Biết tình con vẫn thắm nồng… ”. Mẹ vui và tự hào khi con của mẹ sống trọn tình, vẹn nghĩa với gia đình và xã hội. Về phần mình, nay mẹ đã ở tuổi xế bóng nên:

“Già neo

Đâu thiết ngọt bùi

Chỉ mong con gọi: Mẹ ơi, Mẹ à”.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Câu thơ là lời trải lòng, hay chính là tâm nguyện của người mẹ, không có gì to tát cao siêu, mà xuất phát từ tình yêu thương và trách nhiệm của mẹ. Nó vừa như một lời khẩn cầu tha thiết, vừa là lời khuyên chân thành, hợp lý với con. Bởi lẽ, tuổi già, hưởng thụ về vật chất không còn quan trọng, mà quan trọng hơn, chính là nhu cầu về tinh thần, thế nên, xưng hô sao cho phải, cho đúng, có lẽ là mong muốn đầu tiên của mẹ.

Trong bài thơ, tác giả dùng nhiều từ để đặc tả hình ảnh mẹ (cũ, cánh cò sã mỏi, già neo, lá thu lay lắt…), tất cả nhằm tái hiện hình ảnh một người mẹ già nua, lam lũ vất vả, có chút gì đó tội nghiệp, nhưng rất hiểu biết, giàu lòng tự trọng, thương con và hết lòng vì con “Thương con nâng giấc sớm trưa quặn lòng”. Thế nhưng, mẹ không đòi hỏi, mà chỉ có một thỉnh cầu nho nhỏ:

“Chỉ mong con gọi: Mẹ ơi, Mẹ à”

....

“Xin đừng

Hoán vị, đổi ngôi”…

Vô tâm gọi thế… con ơi mẹ buồn.

Lời thỉnh cầu của mẹ chính là mong muốn chung của những người được “lên chức bà”. Vậy nên, chỉ mong con không “vô tâm” để vị trí của mẹ mãi mãi được tôn trọng trong gia đình. Bởi thông qua cách xưng hô, ta hiểu được quan hệ huyết thống hay phi huyết thống, hiểu được sắc thái biểu cảm giữa các bên đối thoại.

Cứ nhẹ nhàng, tình cảm, hóa thân vào người mẹ trong bài thơ “Xin đừng gọi mẹ là bà”, nhà thơ Phạm Luyến đã gửi đến người đọc một thông điệp giàu ý nghĩa trong cách xưng hô trong gia đình. Như thế, mỗi người phải chọn cách xưng hô phù hợp, sao cho thể hiện được tình cảm, thái độ tôn trọng với đối tượng giao tiếp, nhất là đối với các bậc cao niên trong gia đình, họ hàng thân tộc. Đó là nét đẹp văn hóa không phải ai cũng ý thức được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ