Nhưng đó chỉ là võ đoán. Quạt giấy, quạt nan, quạt nghệ thuật cho các phường múa do nghệ nhân ở Chàng Sơn làm ra vẫn rất “ăn khách”. Thị trường trong nước và thế giới không chỉ nhớ đến Chàng Sơn, mà còn coi nơi đây như cái nôi của “hơi mát nghệ thuật”.
Hội đồng tiên quạt
Nói là "hơi mát nghệ thuật", bởi lẽ ngoài giá trị thẩm mỹ, quạt giấy Chàng Sơn còn luôn mang trong mình những ý nghĩa của sự nhân văn và tình yêu với nghề truyền thống.
Cụ Dương Văn Mơ là nghệ nhân cao tuổi và cũng là người nổi tiếng trong giới sản xuất quạt giấy truyền thống ở nước ta.
Từ khi sinh ra cho đến suốt cuộc đời, được đắm mình trong nghề cổ cha ông, cụ Mơ lấy làm tự hào lắm.
Thế nên, từng câu chuyện của làng, của nghề cụ Mơ đều rành rẽ như đã học thuộc. Mà có lẽ cũng đúng thật, vì từ khi sinh ra vật dụng đầu tiên mà người Chàng Sơn nhìn thấy ngoài cái dùi, cái đục trong nghề mộc truyền thống. Thì cái quạt giấy là vật dụng thứ hai mà người Chàng Sơn thông thuộc.
Cụ Mơ bảo rằng, chiếc quạt giấy ở Chàng Sơn đã được gắn với rất nhiều huyền tích xửa xưa. Ví như câu chuyện "hội đồng tiên quạt", vì lương duyên nên cùng nhau kết quạt mà giải tâm phiền.
Cho đến nay, người Chàng Sơn vẫn truyền miệng câu thơ: Tiên đồng hội quạt, hội đồng tiên/Lương duyên kết quạt, giải tâm phiền/ Phiền tâm quạt, tay đưa gió/Gió đưa tay quạt, hội đồng tiên.
Chỉ mấy câu thơ đối nôm ấy thôi, mà người ta hẳn thấy ngoài sự khéo tay hay làm, thì cũng tỏ tường những hay chữ văn thơ lẫn thâm thúy của người Chàng Sơn. Cho nên nhiều nhà nghiên cứu văn hóa nói rằng, nhắc đến Thạch Thất không thể quên mảnh đất Chàng Sơn; hay nói đến Chàng Sơn là nói về tinh hoa của vùng Thạch Thất.
Cụ Mơ bảo rằng, nghề làm quạt giấy ở đây đã có lâu lắm rồi. Nhưng đến thế kỷ 19 thì quạt Chàng Sơn mới nổi tiếng. Sự nổi tiếng bắt nguồn từ khi các quan binh và các nhà văn hóa Pháp đem quạt về thủ đô Paris để triển lãm, quảng bá cho một sản phẩm đẹp, tinh túy cõi thuộc địa Đông Dương.
Thời phong kiến, người làm quạt giỏi ở Chàng Sơn được phong làm Bá Hộ, một phẩm hàm cấp cho hào lý hoặc người giàu có thời phong kiến. Đó hẳn cũng là một vinh dự cho phường làm nghề thủ công.
Khôi phục nghề cổ
Cách nhà cụ Mơ không xa là nhà của nghệ nhân Nguyễn Kiên. Là một trong những người gắn bó máu thịt với nghề, ông Kiên nói rằng, trước đây khi Nhà nước còn bao cấp, xã Chàng Sơn là một tổ hợp sản xuất quạt giấy phân phát đi khắp nơi trong nước.
Đến khi chuyển sang cơ chế thị trường, rất nhiều bà con xã viên trong HTX quạt giấy phải bỏ nghề. Lúc này, Nhà nước không bảo trợ nữa mà người dân phải tự tìm đầu ra. Do không có thị trường tiêu thụ, chỉ còn ít người bám trụ với nghề.
Thế hệ những nghệ nhân như cụ Mơ đã có công rất lớn trong việc bảo tồn và khôi phục nghề làm quạt truyền thống. Cùng trong thời điểm nghề làm quạt ở Chàng Sơn trước nguy cơ thất truyền, phong trào khôi phục lễ hội truyền thống ở địa bàn các xã quanh Chàng Sơn ngày càng lan rộng.
Biết đến quạt Chàng Sơn, những người làng Bùng (làng của Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan – PV) đã mời người Chàng Sơn, đặc biệt là cụ Mơ sang phục dựng lại chiếc quạt thờ đã bị mối mọt để dân làng cúng tế trong những ngày lễ hội.
"Chính công việc phục chế quạt thờ là dấu mốc quan trọng cho việc tái sản xuất và phục dựng lại nghề. Từ đó, bên cạnh việc phục chế quạt, chúng tôi còn nhận làm quạt thủ công mỹ nghệ theo đơn đặt hàng cho các đoàn văn công nghệ thuật và các lễ hội", cụ Mơ cho biết.
Cũng từ nhu cầu đó, quạt nghệ thuật thẩm mỹ của Chàng Sơn bắt đầu xuất hiện. Những chiếc quạt đẹp, tô điểm vẽ họa tiết được nghệ nhân Chàng Sơn sáng tạo cực kỳ tinh tế. Nhiều người đã từ bỏ nghề thấy vậy liền trở lại và cùng nhau phát triển nghề truyền thống song song với nghề mộc.
Đến Chàng Sơn, nhiều du khách tỏ ý rất khát thèm không khí làm việc tại đây. Là làng quê, nhưng không khí còn nhộn nhịp hơn phố xá. Gia đình nào cũng có nghề, không thanh niên nào phải thất nghiệp. Người làm mộc, người vót tre, kẻ vẽ giấy… nên đời sống của họ không chỉ ở mức khá mà trở nên giàu có.
Quạt ta sang Tây
Nghệ nhân Nguyễn Giang đã bám trụ nghề làm quạt, ngay cả khi nhiều gia đình bỏ hẳn nghề này chuyển sang làm mộc.
"Nghề làm quạt giấy tuy không quá vất vả nhưng đòi hỏi cầu kì, tỉ mỉ và sản phẩm phải đẹp. Người thợ phải bỏ công sức chọn lựa từng ống tre, từng sợi mây, từng thếp giấy tạo nên chiếc quạt ưng ý", anh Giang chia sẻ.
Xem các nghệ nhân Chàng Sơn thực hành nghề mới thấy tài tình làm sao. Từng nan quạt được xòe ra cố định trên mặt bàn. Người thợ dùng keo sữa phết lên khéo léo, tỉ mỉ làm cho mặt giấy phẳng phiu không một nếp gấp.
Anh Giang bảo rằng, có nhiều loại quạt được người Chàng Sơn làm ra như quạt giấy, quạt ghép, quạt the, quạt thư pháp, quạt lụa... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là quạt the. Nguyên liệu cơ bản một chiếc quạt giấy hay quạt the đều gồm tre, giấy, vải và hồ nếp.
Tre phải dẻo, già, có độ tuổi vài năm trở lên, không mối mọt thì nan quạt mới bền, đẹp. Tre cắt thành ống, cạo tinh xanh, lấy dao tách cật ra, gắn sơn ta vào giữa hai thanh tre. Sau đó, các thanh tre được bó chặt lại vài tháng, đến khi khô sơn mới vót thành nan quạt.
Sợi mây phải óng, mượt, dài để khi đan không phải nối nhiều đoạn lại với nhau. Ngày trước, Chàng Sơn chủ yếu dùng giấy dó của làng Bưởi hay làng Đông Hồ ở Bắc Ninh và nhựa quả cậy để làm quạt. Nhưng ngày nay, cả hai nguyên liệu này đều hiếm, giá cao nên các nghệ nhân cũng phải đắn đo giữ được nghề và phát triển được kinh tế.
"Quạt giấy dó rất khó tiêu thụ vì nhu cầu không lớn mà giá thành lại quá cao. Dù rất tiếc nuối, nhưng chúng tôi đành nhắm mắt chấp nhận sự vắng mặt của loại quạt này. Chỉ khi có khách hàng đặt riêng, chúng tôi mới làm. Thực sự khi làm ra quạt giấy dó thì nghệ nhân nào cũng mát lòng vì được trở về đúng nguồn cội của nghề", anh Giang cho hay.
Khoảng chục năm về trước, nghệ nhân làm quạt Chàng Sơn cũng một phen lao đao trong thời buổi mà người ta quen gọi là cơ chế thị trường. Khách tự dưng không ngó ngàng đến quạt giấy, may vài năm trở lại đây Chàng Sơn đã tìm được chỗ đứng bởi xu hướng du lịch làng nghề ngày một phát triển.
Nhiều đoàn khách nước ngoài đến với Chàng Sơn cứ ngắm nghía mãi những chiếc quạt nhỏ nhắn đẹp xinh. Bởi vậy, ngoài những chiếc quạt vẽ họa tiết và chữ Quốc ngữ, người Chàng Sơn đã thêm cả những chiếc quạt có chữ nước ngoài như Anh, Trung, Hàn, Nhật để các du khách tùy ý chọn lựa.
Quạt giấy truyền thống của Chàng Sơn vẫn đang xuất khẩu sang Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Khách nước ngoài rất kỹ tính, cho nên hầu hết họ đều đến tận Chàng Sơn để xem xét và đặt hàng với số lượng lớn. Điều đó làm chúng tôi phấn khởi, vì sản phẩm của làng được coi trọng -Nghệ nhân Dương Văn Mơ.