(GD&TĐ)- Ngày 6/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 03 điểm cầu tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh về đào tạo nhân lực theo nhu cầu ngành TN-MT.
Gần 800 đại biểu đại diện cho các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán các nước, các cơ quan có liên quan của Trung ương, các Bộ, ngành, lãnh đạo chính quyền, Sở TN-MT, Nội vụ, GD-ĐT 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp... Bộ trưởng TN-MT Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã dự và đồng chủ trì hội nghị.
|
Hội nghị trực tuyến về đào tạo nhân lực theo nhu cầu ngành TN-MT. Ảnh, gdtd.vn |
Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có thư gửi hội nghị. Trong đó chỉ rõ những hạn chế về nhân lực của ngành, đồng thời chỉ đạo Hội nghị dành thời gian nghiên cứu Đề án Quy hoạch phát triển nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011 - 2020 do Bộ đã chuẩn bị trình Chính phủ và đề nghị Bộ trưởng thành lập Ban chỉ đạo để triển khai quy hoạch này với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khi Quy hoạch được thông qua.
Hội nghị sẽ tập trung thảo luận và làm rõ những vấn đề theo 3 quan điểm cơ bản: phát triển đào tạo nhân lực ngành TNMT phải bảo đảm gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, là khâu đột phá phát triển ngành TNMT; phát triển đào tạo nhân lực ngành TNMT là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và toàn xã hội, có tính chiến lược lâu dài, đồng thời là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu của kinh tế hóa ngành TNMT; phát triển, đào tạo nhân lực ngành TNMT phải bảo đảm gắn liền với việc bố trí, sử dụng, nhằm phát huy đầy đủ năng lực, phẩm chất của CBCC-VC.
Hiện nay, đội ngũ CBCNVC, NLĐ trong toàn ngành có khoảng 45.600 người; chưa kể đến lực lượng lao động ngoài ngành có liên quan đang làm việc trong các khu vực của nền kinh tế quốc dân.
Bộ TN-MT hiện có 4 Viện nghiên cứu, 03 Viện khoa học quản lý trực thuộc 03 Tổng cục trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, biển và hải đảo. Tổng số cán bộ khoa học của các tổ chức nghiên cứu, phát triển thuộc Bộ tính đến cuối năm 2010 có 1.318 người trong đó có 92 tiến sĩ, 200 thạc sĩ. Ngoài ra còn có 3 cơ sở đào tạo nhân lực trình độ từ ĐH,CĐ-TCCN với lưu lượng hiện tại khoảng 7.500 sinh viên hệ cao đẳng, 4.000 học sinh hệ trung cấp.
|
Sinh viên trường CĐ TN-MT Hà Nội hoạt động thực nghiệm. |
Bên cạnh đó hệ thống 78 trường ĐH,CĐ-TCCN trong nước cũng có các ngành đào tạo cán bộ TN-MT. Một số trường đại học lớn có truyền thống lâu đời được trang bị các phòng thí nghiệm, thực hành lớn về các lĩnh vực của ngành.
Tuy nhiên, năng lực đào tạo của các Trường, các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội và cho ngành. Còn có sự mất cân đối giữa các lĩnh vực như lĩnh vực đất đai, môi trường đào tạo nhiều hơn nhu cầu, trong khi đó các lĩnh vực còn thiếu hụt hoặc chưa có chuyên ngành đào tạo như: khí tượng, thủy văn, đo đạc và bản đồ, quản lý biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, định giá và kinh tế hóa trong quản lý tài nguyên….
Nhu cầu nguồn nhân lực ngành TN-MT trong thời gian tới là rất lớn: cần bổ sung 4,5-vạn CBCC trong giai đoạn 2011- 2015, cần khoảng 3 vạn NLĐ. Đấy là chưa kể đến nhu cầu về nhân lực của từng lĩnh vực cụ thể đang thiếu hụt nghiêm trọng, có lĩnh vực cần đến 20.000 CBCC-VC, NLĐ như lĩnh vực biển và hải đảo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ "Đề án phát triển đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020".
Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là đầu tư cho các cơ sở đào tạo thuộc Bộ TN-MT và các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó tập trung mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và mở mới các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Lĩnh vực biển và hải đảo.
Phấn đấu trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015: đào tạo150-200 tiến sỹ, ưu tiên đối với các lĩnh vực đất đai, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, kinh tế ngành tài nguyên và môi trường; 800-1.000 thạc sỹ, 6.000-8.000 cán bộ có trình độ đại học chuyên ngành về TN-MT.
Đào tạo, bồi dưỡng hàng năm từ 5.000-7.000 lượt CBCC-VC trong đó có từ 2.000- 3.500 lượt CBCC-VC được tiếp cận các kiến thức và công nghệ tiên tiến của thế giới; 6.000-10.000 lượt CBCC-VC cấp tỉnh; từ 10.000-15.000 CBCC-VC cấp xã và cấp huyện; trong đó từ 1.000-1.500 lượt CBCC-VC địa phương được tiếp cận các kiến thức và công nghệ tiên tiến của thế giới;
Giai đoạn từ năm 2016- 2020, đào tạo 300-350 tiến sỹ các chuyên ngành về tài nguyên và môi trường; 2.000-2.500 thạc sỹ trong các chuyên ngành về quản lý, kinh tế ngành và về tài nguyên và môi trường....
Về phía Bộ GD-ĐT, đã phối hợp với các bên liên quan để xây dựng và ban hành được 07 chương trình khung nhóm ngành TN-MT trình độ trung cấp chuyên nghiệp, bao gồm: Biên chế bản đồ; Kỹ thuật môi trường; Lưu trữ thông tin tư liệu địa chính; Quản lý đất đai; Quản lý nhà đất; Quản lý môi trường; Trắc địa- Địa hình- Địa chính.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cùng với Bộ TNMT và các bên liên quan hoàn thiện các chương trình khung trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học các ngành về TNMT để phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội.
Trong thời gian tới tiếp tục rà soát về công tác giáo trình, hiện đại hóa giáo trình dạy ở các trình độ dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, sau đại học. Triển khai việc xây dựng chương trình, giáo trình, bồi dưỡng giảng viên, xây dựng tiêu chuẩn thiết bị dạy học cho một số ngành học trong ngành TNMT để đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp...
Hiện nay, Bộ TNMT hiện có gần 1.200 công chức đang công tác tại các đơn vị quản lý nhà nước và gần 11.000 viên chức, người lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức, viên chức làm công tác TNMTở các ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước khác có khoảng 10.000 người. Đến nay, toàn quốc đã có 223 khu công nghiệp, có 12 tập đoàn kinh tế nhà nước và hàng chục Tổng công ty nhà nước, trong đó đa số đều có nhân sự chuyên trách về TNMT, ước tính có khoảng 20.000 người. Đội ngũ công chức, viên chức ngành TNMT tại địa phương có 33.600 người: ở cấp tỉnh có khoảng 12.600 người, cấp huyện có khoảng 9.000 người và ở cấp xã có trên 12.000 người; trong đó, có khoảng 20.200 công chức: cấp tỉnhcó khoảng gần 4.000 người, cấp huyện khoảng 5.200 người và cấp xã trên 11.000 người. Về cơ cấu nhân lực giữa các ngành chuyên môn đang có sự mất cân đối: nhân lực quản lý đất đai chiếm 52,2% trên tổng số nhân lực, trong khi nguồn nhân lực tài nguyên nước và khí tượng thủy văn chiếm 1%, địa chất khoáng sản chiếm 1,8% nguồn nhân lực, nguồn nhân lực được đào tạo ở các chuyên ngành khác chiếm tới 30,8%. Thực tế có đến 10% cán bộ địa chính cấp xã có trình độ đại học, trong khi đó có tới 19,35% cán bộ địa chính cấp xã chưa qua đào tạo, rất ít cán bộ địa chính xã được đào tạo về môi trường. Tỷ lệ thay đổi cán bộ địa chính xã phường trong cả nước lên tới 20-25% trên một năm. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các địa phương (cấp huyện, cấp xã) còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện đầy đủ các chức năng được giao. |
An Sương