Maria Sklodowska sinh ngày 7/11/1867 tại thủ đô Warsaw, Ba Lan, là con gái út trong một gia đình có 5 người con và có bố mẹ đều là giáo viên.
Khi còn nhỏ, Marie được đánh giá là một bé gái tò mò, sáng dạ và xuất sắc ở trường học. Bi kịch xảy đến với gia đình Marie khi mẹ cô qua đời vì bệnh lao phổi. Năm ấy, Marie mới 11 tuổi.
Marie luôn giữ vị trí đứng đầu ở trường trong những năm tháng đi học. Mặc dù vậy, những thành tích học tập có được không thể giúp Marie được nhận vào học ở Đại học Warsaw, ngôi trường chỉ dành cho nam sinh. Marie tiếp tục sự nghiệp học hành ở một "trường đại học chui" có các lớp bí mật dưới lòng đất.
Marie và chị gái Bronya từng mơ ước du học để có tấm bằng chính thức nhưng họ không có khả năng chi trả học phí. Marie quyết định đi làm để hỗ trợ Bronya theo học y khoa.
Trong gần 5 năm, Marie làm gia sư và giáo viên dạy trẻ để kiếm tiền trang trải chi phí. Thời gian rảnh, cô tiếp tục nghiên cứu, đọc sách về vật lý, hóa học và toán học.
Chân dung Marie Curie, người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel. Ảnh: Wikicommons. |
Năm 1891, Marie hiện thực hóa giấc mơ đến Paris, nơi cô theo học tại Đại học Sorbonne. Sau những ngày tháng lao vào nghiên cứu không ngừng nghỉ, cùng với chế độ ăn uống thiếu thốn chỉ có bánh mì phết bơ và trà, Marie thường xuyên gặp các vấn đề về sức khỏe.
Hai năm sau, Marie nhận bằng thạc sĩ vật lý và tiếp tục hoàn thành chương trình hóa học. Trong khoảng thời gian này, Marie được tham gia một nghiên cứu về các loại thép và đặc tính từ của chúng.
Cô được người quen giới thiệu với nhà vật lý học người Pháp Pierre Curie khi đang tìm kiếm một địa điểm thích hợp để thực hiện thí nghiệm.
Khoa học trở thành cây cầu nối bén duyên cho hai nhà nghiên cứu. Không lâu sau đó, Marie chấp thuận lời cầu hôn của Pierre và bắt đầu được gọi bằng tên Marie Curie. Con gái đầu lòng của Marie và Pierre chào đời vào năm 1897.
Khám phá và tôn vinh
Không chỉ cống hiến và tận tâm cho nghiên cứu khoa học, Marie hay Pierre đều hết lòng vì người còn lại. Thời gian đầu, họ làm việc theo các dự án riêng.
Marie tham gia nghiên cứu cùng Henri Becquerel, một nhà vật lý học người Pháp, và bắt đầu tự tiến hành các thí nghiệm riêng về tia urani.
Bà phát hiện ra rằng, các tia sẽ không thay đổi bất kể điều kiện hay hình dạng của urani, và các tia này xuất phát từ cấu trúc nguyên tử của nguyên tố.
Phát hiện mang tính đột phá ấy đã mở đường cho lĩnh vực vật lý nguyên tử, trong đó, Marie trở thành người đưa ra khái niệm phóng xạ để mô tả hiện tượng này.
Những năm sau, Pierre tạm gác công việc sang một bên và cùng hỗ trợ Marie trong các nghiên cứu về phóng xạ. Phân tích khoáng vật pitchblende, họ phát hiện một nguyên tố phóng xạ mới và đặt tên là polonium, theo tên quê hương Ba Lan của Marie, vào năm 1898.
Nguyên tố còn lại được gọi là radium. Năm 1902, Marie cùng chồng công bố kết quả lọc radium tinh khiết, đánh dấu sự tồn tại của nguyên tố quý này.
Marie Curie đi vào lịch sử khoa học thế giới vào năm 1903 khi trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel lĩnh vực vật lý. Cùng với chồng và nhà nghiên cứu Henri Becquerel, bà được vinh danh vì những cống hiến cho nghiên cứu phóng xạ.
Với số tiền thưởng từ thưởng Nobel, Marie cùng Pierre tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Họ có cô con gái thứ hai một năm sau đó.
Năm 1906, Pierre qua đời vì bị một chiếc xe ngựa kéo đè lên khi đang đi trên phố. Vượt qua nỗi đau mất mát, Marie bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại trường Sorbonne và trở thành nữ giáo sư đầu tiên của trường đại học này.
8 năm sau, vinh dự tiếp tục đến với nhà nghiên cứu khi bà nhận được giải Nobel thứ hai, trở thành nhà khoa học đầu tiên nhận hai giải thưởng cao quý.
Giải Nobel hóa học ghi nhận những khám phá của Marie trong việc tìm ra hai nguyên tố hóa học radium và polonium. Trong bài diễn văn, Marie xúc động chia sẻ vinh dự này với người chồng quá cố.
Trong khoảng thời gian này, bà cùng một số nhà khoa học nổi tiếng khác, trong đó có Albert Einstein và Max Planck, tham dự Hội nghị Solvay về Vật lý đầu tiên. Họ cùng nhau thảo luận về những khám phá mang tính đột phá trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu.
Marie Curie cùng chồng Pierre Curie trong phòng nghiên cứu. Ảnh: Wikipedia. |
Những năm tháng cuối đời
Tên tuổi của Marie bị ảnh hưởng kể từ sau năm 1911 khi những tin đồn về mối quan hệ của bà cùng với học trò cũ của chồng là Paul Langevin được công chúng chú ý. Thậm chí, bà còn được cho là nguyên nhân khiến gia đình Paul Langevin tan vỡ.
Năm 1914, Thế chiến II bùng nổ. Marie dành thời gian, tâm sức và nghiên cứu để hỗ trợ lĩnh vực y tế, đồng thời vận động sử dụng dụng máy chụp X-quang di dộng để điều trị cho người bị thương. Trong hai năm 1921 và 1929, bà đến Mỹ để gây quỹ cho nghiên cứu radium và thành lập một viện nghiên cứu radium ở Warsaw.
Những năm tháng miệt mài làm việc và nghiên cứu với các chất phóng xạ có ảnh hưởng đến sức khỏe của Marie. Năm 1934, bà đến Viện điều dưỡng Sancellemoz ở Passy, Pháp để nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe. Bà qua đời ngày 4/7/1934, với chẩn đoán do thiếu máu không tái tạo, có thể ảnh hưởng từ việc tiếp xúc trong thời gian dài với bức xạ.
Năm 1995, tro xương của bà cùng chồng được đưa vào điện Panthéon ở Paris, nơi an nghỉ của của các vĩ nhân lịch sử và những người đã làm rạng danh cho nước Pháp. Marie trở thành người phụ nữ đầu tiên và duy nhất được an nghỉ tại đây.
Ngoài những cống hiến cho nghiên cứu khoa học, Marie còn là người thổi bùng đam mê khoa học các thế hệ sau. Tiếp nối sự nghiệp của cha mẹ, con gái của bà là Irène Joliot-Curie từng nhận giải Nobel về hóa học vào năm 1935.
Ngày nay, nhiều viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục, trung tâm y tế trên thế giới được đặt theo tên của Marie Curie.