Mạo hiểm khởi nghiệp với… nghề nông

GD&TĐ - Ứng dụng công nghệ vào quy trình chăn nuôi heo rừng theo hướng bản địa, Đoàn Phan Dinh (27 tuổi, quê Đồng Tháp) đã dần hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp từ thời sinh viên của mình. Sản phẩm thịt heo rừng Organi của Dinh đủ sức cạnh tranh trên thị trường, đồng thời xác lập được giá trị theo hướng bền vững cho sản xuất nông nghiệp.

Đoàn Phan Dinh bên một chú heo rừng
Đoàn Phan Dinh bên một chú heo rừng

Làm giàu từ 2 con heo rừng

Sớm nhận thức được phát triển nông nghiệp nên bắt kịp xu hướng hiện đại, ngay từ khi còn là sinh viên, Dinh không ngần ngại dùng số tiền học phí mua con giống, sau đó làm thêm nhiều nghề để có thể vừa nuôi đam mê khởi nghiệp và học tập.

Với mục tiêu rõ ràng, Dinh đã chọn học ngành kĩ sư chăn nuôi thú y. Có thể nói thoát khỏi quyết định đó đối với Dinh là một sự mạo hiểm. Bởi lẽ, thời điểm khởi nghiệp không “thuận lợi” cho lắm khi phải vừa học, vừa làm thêm và khởi nghiệp; mặt khác, nuôi heo rừng ở miền Tây thời điểm đó chưa thật sự nổi bật. Nhưng Dinh vẫn quyết định thử sức. Dinh tìm thông tin về con giống ở các địa phương khác trên mạng và tự đi mua về. Tiếp đó, Dinh ứng dụng vốn kiến thức mình có được vào chăn nuôi theo hướng hiện đại chất lượng cao.

Sau 1 năm thử nghiệm, Dinh bắt đầu tăng đàn (gấp 150 lần số heo ban đầu). Quản lí trang trại heo số lượng lớn, anh tận dụng những thức ăn xanh có sẵn tại địa phương nên heo rừng sinh trưởng khá tốt. Dinh bắt đầu mở quán nhậu chuyên các món về heo rừng, đây xem như là lời giải của bài toán tìm đầu ra của quy trình thử nghiệm.

“Trong quá trình học tại trường đại học, tôi đã tham gia chương trình chia sẻ tinh thần khởi nghiệp của cựu sinh viên, thành quả người đi trước đã tạo động lực cho sinh viên thế hệ tiếp nối. Muốn khởi nghiệp, tôi đã thử thách mình qua nhiều công việc trang trải cuộc sống, và đam mê đã đưa tôi kiên định với con đường mình chọn: Giữ vững ý tưởng kinh doanh heo rừng sạch nuôi theo hướng bản địa, cung cấp thịt heo phục vụ cho vùng ĐBSCL và trên toàn quốc”, Dinh chia sẻ.

Với bước đầu tương đối thuận lợi, Dinh thành lập Công ty TNHH TM&DV Heo rừng từ năm 2015. Cũng từ cột mốc này, Dinh đã ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăn nuôi, chính thức đưa con đường khởi nghiệp rẽ sang hướng đi mới, sẵn sàng cung ứng thịt heo rừng cho ĐBSCL và các vùng lân cận.

Mạnh dạn với mô hình chăn nuôi 4.0

Phan Dinh nhìn nhận: “Thực phẩm sạch đang là vấn đề người tiêu dùng lựa chọn. Kinh doanh bằng cái tâm chân chính giúp mình nhận thức được phải đem lại giá trị tốt hơn và tốt hơn nữa cho mọi người”. Từ suy nghĩ đó, Dinh định hướng công ty mình phát triển theo phương châm “nuôi có lời - ăn có lợi”. Đồng thời, thịt heo thành phẩm phải đảm bảo được đúng tiêu chuẩn “nạc sát da và lông ba chân” của giống heo rừng.

Hiện đại hóa trong chăn nuôi không phải cụm từ xa lạ với nông dân miền Tây, nhưng ứng dụng để nuôi heo rừng thì khá mới mẻ. Khác hẳn với cách nuôi heo rừng truyền thống, Dinh ứng dụng nhiều công nghệ vào quản lí trang trại. Đặc biệt phải kể đến quy trình nuôi khép kín, sản xuất theo hướng Organic - không dùng hóa chất để chăn nuôi. Công ty hiện có trên 90 ô chuồng nuôi nhốt tại địa chỉ xã An Khánh (huyện Châu Thành, Đồng Tháp). Mô hình chuồng nuôi gồm: chuồng có đệm lót sinh học bán hoang dã, chuồng xi măng (thực hiện dự án). Lợi dụng đệm lót là để hạn chế mùi hôi chất thải, phù hợp với đặc tính con heo rừng.

Ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi là một bước đi quan trọng. Trong quá trình này, Dinh sử dụng men vi sinh của Nhật Bản để trộn vào thức ăn và nguồn nước uống, nói không với hóa chất. Rau xanh sẵn có tại địa phương (bã bia, bã đậu nành, rau củ quả, lục bình…) là thức ăn chủ yếu để thịt heo rừng giữ được những đặc trưng vốn có. Theo đó, con heo hấp thu chất dinh dưỡng sinh trưởng tốt cũng như kháng bệnh tốt.

Dinh còn kết hợp thảo dược vào quy trình phòng bệnh cho heo bằng cách tận dụng vườn nhà để trồng những cây thuốc nam nhằm trị các loại bệnh thông thường cho heo. Nếu con heo bị bệnh nặng thì sẽ sắc những thang thuốc theo tỉ lệ, hoặc sẽ sử dụng chế phẩm sinh học. Tất cả đều hướng đến mục tiêu đem thịt heo rừng trở thành thịt heo rừng thảo dược, vừa đáp ứng nhu cầu tối thiểu vừa bảo vệ sức khỏe mọi người.

Thật thiếu sót nếu không kể đến ứng dụng công nghệ số hóa vào trang trại của Dinh. Những con “mắt thần” giúp anh kiểm soát tình trạng các heo nuôi 24/24, từ đó phát hiện kịp thời những dấu hiệu bất thường để xử lí nhanh. Hơn nữa, đây cũng là một hình thức thuận tiện cho công tác quản lí. Dù chi phí đầu tư rất lớn, nhưng muốn hạn chế rủi ro thì phải chấp nhận phiêu lưu. Con heo rừng của Dinh rất “sang”, được bảo vệ tối đa trong điều kiện 4.0, lại có trang web riêng ra mắt với cộng đồng. Vì như Dinh nhận định: Muốn làm giàu từ heo thì phải chủ động chạy theo kịp sự chuyển mình của công nghệ mới.

Vườn thuốc Nam dùng để trị bệnh cho heo

Vườn thuốc Nam dùng để trị bệnh cho heo

Đồng hành cùng nông dân

Đưa doanh nghiệp vào vận hành, ngoài mục tiêu kinh doanh thì mục tiêu tạo hướng đi bền vững từ sản xuất nông nghiệp được Dinh hết mực chú trọng, nhất là tìm con đường vượt khó làm giàu cho nông dân từ heo rừng. Công ty của Dinh sẽ cung cấp từ con giống đến công nghệ sinh học, chăm sóc kĩ thuật và hơn hết là bao tiêu đầu ra, nông dân chỉ cần đầu tư chuồng trại tuân theo mô hình có sẵn. Nghe có vẻ dễ, thực sự thì nuôi heo rừng theo công nghệ cao khá vất vả và thói quen chăn nuôi truyền thống của người dân cũng khó thay đổi trong một sớm một chiều.

“Khi chung tay hợp tác, chúng tôi có hợp đồng hỗ trợ bao tiêu đầu ra cho mỗi hộ nuôi. Quyền lợi thành viên được hỗ trợ kĩ thuật miễn phí tại nhà, trong 3 năm đầu miễn phí hoàn toàn. Chúng tôi thường đi thực tế đến hộ nuôi, bắt buộc hộ tham gia phải trang bị đầy đủ công nghệ. Tôi xem đây là nền tảng rất quan trọng, tạo sự khác biệt để phát triển”, Dinh nhận định.

Trên con đường chung này, công ty của Dinh rất đề cao tính chặt chẽ, tức là người nuôi không được tự ý áp dụng điều gì ngoài hướng dẫn của công ty. Vòng kết nối tạo điều kiện người tham gia chia sẻ quyền lợi, nâng cao hiệu quả sản xuất, chung tay vì sản phẩm nông nghiệp sạch theo hướng bền vững. Làm được điều đó, mạng lưới của công ty đã phủ sóng được các tỉnh thành phía Nam, hiện nay đã có khoảng 100 hộ nuôi hợp tác với Dinh và số lượng ngày một tăng. Đây còn là cầu nối đưa người nông dân gần hơn với thị trường thực phẩm vì sức khỏe hiện nay, định hướng được nhu cầu thực phẩm sạch giúp nông dân gỡ khó, thoát khỏi lối mòn sản xuất cũ.

Chia sẻ về lợi nhuận, Dinh cho biết mỗi năm doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Công ty tập trung thế mạnh vào các sản phẩm như: thịt heo tươi, thịt hun khói, thịt gác bếp… 100% sản phẩm đều được tiêu thụ. Sắp tới Phan Dinh triển khai ý tưởng thành lập chuỗi cửa hàng cung ứng trực tiếp thịt heo tận tay người tiêu dùng, bên cạnh đó sẽ bán kèm những loại rau (cũng là vị thuốc) bổ cho sức khỏe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ