Chuỗi cao tốc nội tỉnh dài nhất Việt Nam
Dự lễ khánh thành có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo bộ, ngành trung ương, địa phương…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khánh thành. |
UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được khởi công tháng 4/2019, có tổng chiều dài 80,23km, tổng vốn đầu tư của dự án trên 14.000 tỷ đồng.
Dự án bao gồm hai dự án độc lập, trong đó: tuyến Vân Đồn - Tiên Yên dài 16km có tổng mức đầu tư 3.658 tỷ đồng bằng vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư; tuyến Tiên Yên - Móng Cái dài 64km có tổng vốn đầu tư 9.113 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ xây dựng các công trình phụ trợ là 490 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư là 8.623 tỷ đồng, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group) làm chủ đầu tư.
Trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tất cả 35 cây cầu lớn nhỏ. |
Công trình hoàn thành đã kết nối đồng bộ với cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 600km. Từ đó, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước chiếm gần 16,83% tổng chiều dài cao tốc hiện có của cả nước (176 km/1.046 km). Đây cũng là tuyến cao tốc duy nhất ở Việt Nam kết nối 3 sân bay (Nội Bài - Cát Bi - Vân Đồn), 3 khu kinh tế với 1 cửa khẩu Quốc tế.
Với việc rút ngắn thời gian di chuyển từ Móng Cái đến Hạ Long xuống một nửa, chỉ còn 1 giờ 30 phút (đi theo quốc lộ 18 mất khoảng 3 giờ); từ Móng Cái đến Hà Nội còn 3 giờ (hiện tại mất 5,5 giờ).
Cao tốc có hệ thống giao thông thông minh ITS được trang bị hiện đại ghi hình liên tục 24/24 giờ trong mọi điều kiện thời tiết. Hệ thống chiếu sáng được đầu tư mới kết nối với hệ thống chiếu sáng trên tuyến cao tốc hiện tại, tạo nên tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam, kéo dài từ cửa khẩu Móng Cái về tới cầu Bạch Đằng (Hải Phòng) là trục giao thông xương sống của tỉnh Quảng Ninh.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ kết nối và thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế trọng điểm trong tỉnh gồm: Thành phố Hạ Long, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Về mặt giao thương quốc tế, việc kết nối các quốc gia ASEAN và các địa phương trong cả nước với Trung Quốc thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái sẽ tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư, để phát huy thế mạnh kinh tế vùng biên, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, đẩy mạnh giao thương quốc tế qua cửa khẩu Móng Cái - nơi thông thương với thị trường hơn 1 tỷ dân...
Cao tốc cũng sẽ góp phần thu hút khách du lịch quốc tế, mở ra những cơ hội phát triển lớn góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Về cảnh quan - kiến trúc, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái là một trong những tuyến đường sở hữu nhiều cây cầu vượt biển, vượt sông suối nhất cả nước với 35 cây cầu trên tuyến chính, tương đương tổng chiều dài hơn 7,9km (chiếm 10% tổng chiều dài toàn tuyến).
Lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành trung ương, địa phương cắt băng khánh thành. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng, Phạm Minh Chính khẳng định, việc hoàn thành tuyến đường cao tốc cuối cùng để kết nối vùng có những ý nghĩa quan trọng, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng giao thông nhất là xây dựng hệ thống đường cao tốc; góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về giao thông; tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó có tỉnh Quảng Ninh…
Thủ tướng chỉ rõ, Trung ương, Chính phủ, các Bộ ngành tin tưởng và giao cho địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc xây dựng đường cao tốc và thiết kế công cụ để kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực. Địa phương phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, lợi ích của vùng, của đất nước; đồng thời cũng phải tranh thủ được sự giúp đỡ của Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương…
“Đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển hạ tầng giao thông là rất cần thiết trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế. Với tuyến cao tốc của Quảng Ninh, các doanh nghiệp đã đóng góp 64,5% tổng vốn đầu tư, Quảng Ninh chỉ có 35,5%. Các nhà đầu tư phải tuân thủ pháp luật, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, kiên trì, kiên quyết thực hiện nhất là khi gặp khó khăn, phức tạp liên quan đến giải phóng mặt bằng, cơ chế chính sách”, Thủ tướng nói.
Mảnh ghép cuối cùng
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nói, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động là niềm tự hào của tỉnh Quảng Ninh trong công tác đầu tư phát triển hạ tầng, khi đây là địa phương duy nhất cả nước sở hữu tuyến cao tốc dài nhất, hiện đại nhất. Đây cũng là mảnh ghép cuối cùng khẳng định khát vọng về trục giao thông xuyên suốt toàn tỉnh bằng cao tốc, cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng về 3 đột phá chiến lược, hợp tác công - tư (PPP) hiệu quả, sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Minh chứng cho tinh thần vượt khó, ý chí vượt lên, tự lực, tự cường, tư duy đổi mới, khát vọng phát triển của Quảng Ninh nói chung, của các nhà đầu tư nói riêng.
Trong quá trình xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và nhà đầu tư đã gặp không ít khó khăn từ bối cảnh dịch bệnh Covid-19, biến động giá cả vật tư, vật liệu cho tới điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tuy vậy, với tinh thần quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các nhà đầu tư, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, công trình đã vượt khó về đích với nhiều dấu mốc ấn tượng.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. |
Theo ông Văn, 6 giá trị khác biệt của cao tốc Vân Đồn - Móng Cái gồm: Con đường của “Niềm tin” và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân bằng sự đồng thuận, ủng hộ, hiến đất, hoàn thành giải phóng mặt bằng nhanh nhất.
Con đường của “Khát vọng” đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh: được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Con đường mang tầm nhìn “Chiến lược” mở ra cửa ngõ giao thương của Việt Nam, Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN với Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh giữa vùng núi, biên giới Đông - Tây Bắc với vùng Duyên hải và Đồng bằng sông Hồng…
Con đường của “Kết nối” đồng bộ, hợp tác hóa lãnh thổ, liên thông giữa các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng kinh tế, tam giác, tứ giác phát triển; nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống giao thông vận tải cảng biển, cảng hàng không và các tuyến cao tốc phía Bắc.
Con đường của “Trách nhiệm” với sự nỗ lực vượt bậc của chủ đầu tư; cường độ làm việc không ngừng nghỉ của hàng nghìn kỹ sư, kỹ thuật viên, cán bộ, công nhân viên và máy móc thiết bị để hoàn thành trên 80 km đường cao tốc, với 35 cây cầu trong vòng 500 ngày đêm trong điều kiện đại dịch Covid-19 bùng phát, địa hình phức tạp và thời tiết khắc nghiệt.
Con đường “Thân thiện” chào đón bạn bè trong, ngoài nước tới các vùng Di sản.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. |
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức được thông tuyến, đi vào hoạt động từ ngày 1/9. |