Cô gái cho biết, khi gắn đá xong, hai hàm răng không thể cắn khớp lại được, chức năng nhai cũng bị ảnh hưởng bởi các viên kim cương cộm trong miệng. Bệnh nhân phải vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Cantral Park TP HCM tháo các viên đá ra.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Lan, khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Vinmec cho biết đây là lần đầu tiên bà gặp một bệnh nhân gắn quá nhiều đá lên răng, đặc biệt đều là đá quý. Trường hợp này, bác sĩ Lan cho rằng hai hàm bệnh nhân bị cộm gây lở môi, nguyên do ngoài việc đã gắn quá nhiều đá còn vì kỹ thuật viên ở cơ sở spa không có chuyên môn về nha khoa và đính không đúng vị trí.
Theo bác sĩ Thúy Lan, kỹ thuật gắn đá lên răng thường do bác sĩ nha khoa thực hiện và sử dụng dụng cụ chuyên khoa. Đính viên đá lên răng là xu hướng làm đẹp thịnh hành của giới trẻ hiện nay, song thường chỉ gắn ở răng khểnh để khi cười sẽ lấp lánh hoặc đính ở răng số 4.
Có nhiều cách để đính đá lên răng. Thông thường bác sĩ sử dụng viên đá nha khoa có đế chuyên biệt, tương đối phẳng và mỏng để đính, hạn chế xói mòn khi khoan vào men răng và không làm cộm môi. Viên đá kim cương thật thì không có đế, bác sĩ phải khoan một lỗ xuyên qua men răng để gắn vào. Đôi khi mũi khoan xâm phạm đến men răng gây ê buốt, đá có thể rơi theo thức ăn vào bụng. Thời gian gắn một viên đá vào rằng khoảng 15-20 phút, chi phí 600.000 đến 700.000 đồng.
"Các viên kim cương bệnh nhân gắn thuộc loại quý giá nên muốn đính phải khoan sâu vào trong răng để tránh không quá cộm và không bị rơi khi ăn uống", bác sĩ Thúy Lan cho biết.
Bác sĩ Thúy Lan khuyên, nếu thích gắn đá trên răng bạn nên tìm hiểu thật kỹ loại đá, vật liệu cũng như màu sắc. Nên đến cơ sở nha khoa uy tín để được nha sĩ tư vấn kỹ trước khi thực hiện. Không nên thực hiện ở những cơ sở spa không có giấy phép hành nghề, thiếu chuyên môn. Nếu muốn đính đá kim cương lên răng, bạn cần kiểm tra chất lượng viên đá, nguồn gốc xuất xứ, vì viên đá kém chất lượng khi tiếp xúc với nước bọt trong miệng dễ hình thành các chất gây hại đến cơ thể.