(GD&TĐ) - Thời tiết nắng nóng bất thường ngay từ tháng 5 đã khiến cho số bệnh nhi nhập viện tăng vọt. Một nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị bệnh trong thời tiết khắc nghiệt này là do sử dụng điều hòa không đúng cách.
Khổ vì điều hòa
Đó là tình trạng của gia đình chị Diệu Linh (nhà N05 – Trung Hòa – Nhân Chính – Hà Nội). Chị Linh có hai con: một trai 7 tuổi và một gái 2 tuổi. Cả hai bé đều có cơ địa dị ứng nên cứ thay đổi thời tiết, nhất là khi trời lạnh là hắt hơi, sổ mũi, rồi viêm đường hô hấp. Biết tình trạng của con như vậy nên chị rất hạn chế dùng điều hòa, vì cứ dùng điều hòa là những biểu hiện dị ứng của các con chị Linh lại tái diễn. Thế nhưng, trong đợt nắng nóng ngay từ đầu hè năm nay, nếu không dùng điều hòa thì cả nhà chị sẽ như một cái lò bát quái. Vì thế, vợ chồng chị Linh “cực chẳng đã” phải dùng điều hòa. Nhưng dù chỉ để điều hòa ở chế độ 28 – 29 độ C, hai con của chị vẫn bị hắt hơi, sổ mũi, sau mấy hôm thì dịch từ mũi bắt đầu xuống họng, khiến con gái chị ăn vào thường bị nôn trớ...
Con trai anh Thành, học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm – Hà Nội) thì bị lên cơn hen cấp vì đang ở ngoài trời nắng đột ngột vào phòng có điều hòa. Mấy hôm trước, bé thi học kỳ 2 xong được nhà trường cho về sớm vào buổi trưa. Lúc đón con về vào giữa trưa trời nắng chang chang, nên về đến nhà, anh Thành bật ngay điều hòa lên để hạ hỏa cơn nóng của cả hai bố con. Dù chỉ bật 27 độ C, nhưng ngay tối hôm đó, con anh Thành có biểu hiện của cơn hen cấp (ho nhiều, khó thở, khò khè, nhiều đờm...).
Cần giữ ấm vùng cổ, ngực cho trẻ khi nằm trong phòng điều hòa |
Điều hòa - Ổ vi trùng
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, điều hòa là ổ chứa các loại vi khuẩn, virus, nấm mốc, các tác nhân gây dị ứng nếu nó không được làm sạch. Đáng chú ý, nguy cơ viêm phổi tăng gấp 2,5 lần nếu ở một thời gian dài trong phòng điều hòa khi cơ thể không khỏe mạnh.
Mặt khác, nhiệt độ lạnh và khô có thể gây khô da, viêm da, mất nước, nhất là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, gây nên các bệnh viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên.
Giáo sư Nguyễn Năng An – Chủ tịch Hội Hen, dị ứng, miễn dịch lâm sàng Việt Nam – cũng cảnh báo, ở trong phòng điều hòa với nhiệt độ thấp có thể làm khởi phát cơn hen, hoặc cơn cấp của hội chứng phổi tắc nghẽn mạn tính.
Sử dụng điều hòa đúng cách
Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai – nếu không sử dụng điều hòa đúng cách khi thời tiết nắng nóng thì rất dễ mang bệnh, nhất là trẻ nhỏ. Ở những gia đình có trẻ, cần lưu ý các nguyên tắc sử dụng điều hòa: Không được để nhiệt độ trong phòng điều hòa quá chênh lệch với nhiệt độ ngoài trời (chỉ nên duy trì ở mức 27 – 28 độ C). Nên tắt điều hòa 15 – 20 phút trước khi cho trẻ ra khỏi phòng. Trẻ đang ở ngoài trời vào nhà cũng không nên cho vào phòng điều hòa ngay. Với thời tiết nắng nóng như hiện nay, không nên cho trẻ ra ngoài trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Khi bật điều hòa, nên sử dụng máy phun hơi nước hoặc quạt tạo ẩm, tránh để không khí quá khô...
Bên cạnh đó, khi trẻ ngủ trong phòng điều hòa, nên giữ kín vùng cổ, ngực, bàn chân của trẻ, tránh để gió từ điều hòa thốc thẳng vào người trẻ.
Với trẻ nhỏ, người già, người có sức khỏe không tốt, nhất là mắc các bệnh mạn tính đường hô hấp, nên hạn chế sử dụng điều hòa. Nếu dùng, chỉ duy trì ở nhiệt độ 27 – 28 độ C và không ở thời gian dài trong phòng có điều hòa. Khi sử dụng điều hòa, cơ thể cần bổ sung đầy đủ nước, tăng cường các loại hoa quả tươi, rau xanh để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
Hạnh Chi