Cố ý hạ điểm để đánh trượt nữ sinh ở Nhật Bản: Ba trường ĐH y bị kiện

GD&TĐ - Một phụ nữ Nhật Bản giấu tên vừa đệ đơn kiện lên Tòa án Tokyo về việc 3 trường ĐH y nước này đã đánh trượt cô trong kỳ thi tuyển sinh năm ngoái, chỉ vì giới tính và tuổi tác. Nói về vụ việc, luật sư của nữ ứng viên cho rằng, đây chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”.

Trường Đại học Y khoa Nhật Bản chưa đưa ra bình luận trước vụ kiện
Trường Đại học Y khoa Nhật Bản chưa đưa ra bình luận trước vụ kiện

Kiện vì phụ nữ bị “tước quyền” học tập

Năm ngoái, nhiều nguồn tin đã cáo buộc các trường ĐH y thường xuyên thay đổi điểm kiểm tra đầu vào của các ứng viên nhằm đánh trượt họ. Một số người cho biết, nguyên nhân là do các trường này muốn duy trì số lượng sinh viên nữ thấp, hoặc thậm chí trường có sự phân biệt đối xử với những thí sinh từng thi trượt trước đó, hay những ứng viên không có bảng điểm tốt ở trường trung học.

Mới đây, một nữ nhân viên y tế đã chính thức đệ đơn kiện, sau khi bị cả ba trường ĐH ở Tokyo là ĐH Y khoa Tokyo, ĐH Showa và ĐH Juntendo đánh trượt trong kỳ thi tuyển sinh đầu vào. Sau khi vụ bê bối nổ ra, chính phủ Nhật Bản đã vào cuộc điều tra. Không lâu sau đó, cả ba trường ĐH này đều thừa nhận rằng, họ thực sự đã thay đổi điểm số của nữ thí sinh một cách không công bằng bởi giới tính và tuổi tác của cô.

Theo số liệu thống kê trong năm 2018, tỷ lệ phụ nữ được nhận vào các trường y Nhật Bản sau vòng thi thứ nhất là 14,5%, ít hơn so với 18,9% thí sinh nam. Tại hai vòng cuối của kỳ thi, trong khi có tới 8,8% ứng viên nam được nhận vào trường, nữ thí sinh đỗ chỉ khiêm tốn ở con số 2,9%. 

Chia sẻ với truyền thông vào tuần trước, người phụ nữ cho biết, lãnh đạo các trường này sau đó đã thông báo rằng, thực chất, điểm đầu vào của cô đủ điều kiện để theo học tại cả 3 cơ sở GD này. “Tôi cảm thấy vô cùng tuyệt vọng và tức giận”, nữ ứng viên bức xúc khi biết được sự thật. “Tôi là một phụ nữ và cũng không còn ở độ tuổi 18 hay 19, tôi cũng không có bất cứ họ hàng nào là bác sĩ, giảng viên ở trường”, theo cô lý giải về sự thất bại trong học tập.

Một năm sau vụ việc gây chấn động trong GD Nhật Bản, người phụ nữ bày tỏ mong muốn sẽ nhận được khoản bồi thường trị giá 36 triệu yên (330.000 USD) từ cả ba trường nói trên. Cô hy vọng, vụ kiện này sẽ là nguồn động lực dành cho các thí sinh gặp phải hoàn cảnh tương tự; đồng thời, cũng là đòn giáng mạnh vào các cơ sở GDĐH không có sự công bằng với thí sinh. Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, người phụ nữ cho biết, cô đang là sinh viên y khoa sau khi vượt qua kỳ thi tại một trường ĐH khác.

Theo ông Hiroyuki Kawai - luật sư của nạn nhân, trường hợp này thực ra chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Ông Kawai nhận định, thân chủ của ông là “đại diện cho nhiều nạn nhân vô hình khác”, những người có thể đã phải chuyển sang làm các ngành nghề khác hoặc đang học ở những trường y nào đó.

Trước thông tin về vụ kiện, Trường ĐH Juntendo đã không đưa ra bất cứ câu trả lời chính thức nào. Trong khi đó, Trường Showa và ĐH Y khoa Tokyo cho biết sẽ không đưa ra bình luận nào cho đến khi có đủ tài liệu liên quan đến vụ kiện.

Khi phụ nữ là nạn nhân

Vụ bê bối xảy ra vào năm ngoái đã khiến niềm tin của người dân vào nền GD Nhật Bản sụp đổ, sau khi Trường ĐH Y khoa Tokyo thừa nhận muốn điều chỉnh để giảm số lượng SV nữ, với lý do cho rằng, phụ nữ là những người sẽ sớm rời khỏi ngành hoặc chỉ dành ít thời gian làm việc sau khi có gia đình. Vụ việc đã gây phẫn nộ không chỉ ở Nhật Bản, mà còn khiến cộng đồng quốc tế thể hiện sự bất bình và lên án một cách gay gắt. Kết quả điều tra từ Bộ GD Nhật Bản cho thấy, có tới ít nhất 10 tổ chức GD liên quan tới vụ việc.

Ngoài việc đưa ra lý do giải thích, Trường ĐH Y khoa Tokyo cũng gửi lời xin lỗi tới người dân Nhật Bản nói chung và thí sinh bị đánh trượt nói riêng. “Chúng tôi đã phản bội lòng tin của công chúng. Chúng tôi chân thành xin lỗi vì điều này”, Giám đốc điều hành của ĐH Y khoa Tokyo, ông Tetsuo Yukioka cúi gập đầu trước cuộc họp báo. Theo ông Keisuke Miyazawa, Phó Chủ tịch của trường này, việc tự ý thay đổi điểm thi của ứng viên là điều “không bao giờ nên xảy ra”; đồng thời, cam kết kỳ thi tuyển sinh tới sẽ công bằng tuyệt đối, nhưng không cung cấp thêm bất cứ thông tin chi tiết nào.

Theo truyền thông Nhật Bản, Trường ĐH Y khoa Tokyo đã hạ thấp điểm số của ứng viên nữ trong nhiều năm, nhằm giữ tỷ lệ nữ sinh học tại trường chỉ ở mức 30% hoặc thấp hơn. Các báo cáo ban đầu cho rằng, trường ĐH này đã có những hành động như vậy kể từ năm 2011. Tuy nhiên, theo hãng tin Kyodo, một cuộc điều tra được thực hiện sau đó đã phát hiện, thực chất, điểm số của các thí sinh nữ bị thay đổi từ năm 2006.

Ngoài ra, các nhà điều tra cáo buộc ĐH Y khoa Tokyo thậm chí đã nâng điểm cho một thí sinh nam là con cái của quan chức trong Bộ GD Nhật Bản. Nhiều trường hợp nam sinh khác cũng được nhà trường nâng điểm để đủ điều kiện theo học. Việc làm này cũng đồng nghĩa với việc, điểm số của nhiều nữ ứng viên bị hạ thấp xuống. “Hành động thao túng điểm số đã cho thấy sự phân biệt đối xử với nữ giới”, một trong những luật sư được các trường ĐH thuê để điều tra phát biểu.

Phát biểu với Đài Truyền hình NHK vào năm 2018, nữ Bộ trưởng phụ trách các vấn đề của người tiêu dùng Nhật Bản, bà Seiko Noda nhấn mạnh: “Đây là hành động quấy rối khi các trường ĐH không cho phép phụ nữ theo học, chỉ vì họ cho rằng phải làm việc với nữ bác sĩ là điều khó khăn”.

Trước tình trạng ngày càng nhiều phụ nữ không được coi trọng ở nơi làm việc và phải từ bỏ việc làm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra chính sách mang tên

“Womenomics”, nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho phụ nữ, vừa có thể đi làm mà vẫn bảo đảm được thời gian chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, chính sách với mục tiêu khiến Nhật Bản trở thành nơi mà phụ nữ được tỏa sáng này vẫn chưa thực sự mang lại tác động lớn.

Theo Mail & Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.