“Mái nhà” của những mảnh đời thua thiệt

GD&TĐ - Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên là mái nhà của những em nhỏ thua thiệt. Ở đây, các em được nâng đỡ để vượt qua giới hạn bản thân, dần hòa nhập tốt hơn với đời sống.

Một giờ học tại lớp Can thiệp sớm cho trẻ tuổi mầm non.
Một giờ học tại lớp Can thiệp sớm cho trẻ tuổi mầm non.

Buồn vui chuyện dạy trẻ khuyết tật

Việc chăm sóc, dạy dỗ một trẻ nhỏ bình thường vốn đã không đơn giản. Quá trình giáo dục hòa nhập cho các em bị khuyết tật lại càng nhiều thử thách. Có lẽ chỉ những thầy cô giáo trực tiếp hằng ngày bên cạnh các em mới có thể hiểu hết khó khăn của công việc hết sức đặc thù này.

Khuôn viên rộng rãi của Trung tâm nhìn bề ngoài có vẻ khá yên ắng, nhưng đâu đó mỗi phòng học, thỉnh thoảng lại có những tiếng kêu hét. Những âm thanh phát ra bởi các bạn nhỏ bị chậm phát triển trí tuệ thực ra không có gì lạ lẫm, bất ngờ với các cô.

Những người có thể đứng lớp ở đây hầu như đều đã có kinh nghiệm và bản lĩnh qua nhiều năm gắn bó. Họ thấu hiểu từng phản ứng, từng biểu cảm, đặc điểm tính cách của mỗi học trò.

Nhiều khi đang giờ học, bất chợt có em chạy ra ngoài, thầy cô giáo lại phải đuổi theo kéo học trò quay vào lớp. Có bạn đang chơi bình thường bỗng la hét thất thanh rồi lủi tránh vì sợ hãi khi nhìn thấy người lạ, có em bỏ trốn khiến thầy cô hoảng hốt đi tìm.

Một số trẻ không biết tự vệ sinh cá nhân, nên các cô giáo phải vô cùng nhẫn nại, tỉ mỉ để có thể hỗ trợ.

Oái ăm và khó xử lí hơn là những trường hợp không kiểm soát được hành vi, luôn thích nghịch ngợm, tháo dỡ làm hỏng hóc nhiều vật dụng. Chuyện các cô giáo và nhân viên bảo vệ ở đây phải sửa chữa bàn ghế, giường tủ, quạt điện, đồ đạc... là khá thường xuyên.

Nguy hiểm nhất là các em có thói quen tự xâm hại bản thân, gào khóc cào cấu hoặc lao người vào bàn ghế hay tường nhà, cho nên các cô phải kèm cặp rất sát sao, kịp thời.

“Vấn đề quan trọng và khó nhất của chúng tôi là phải tìm hiểu được nguyên nhân dẫn đến cảm xúc, phản ứng, hành vi của các em trong từng trường hợp, nếu không sẽ không thể kiểm soát, điều chỉnh được.

Việc quan sát, trò chuyện, chia sẻ để nắm bắt được mong muốn hay nỗi lo sợ trong các em, hiểu đúng đặc điểm tâm tính nhằm giải tỏa, hỗ trợ, bảo vệ các em là yếu tố mang tính quyết định đến hiệu quả giáo dục hòa nhập”, bà Nguyễn Thị Kim Nhung, Giám đốc Trung tâm trao đổi.

Cũng khó khăn không kém là việc hỗ trợ các em bị khiếm thính, khiếm thị. Bản thân các em vốn đã gặp hạn chế trong năng lực, ngoài sự dạy dỗ của thầy cô thì còn rất cần sự đồng hành của phía người thân, gia đình.

Tuy nhiên, với phần nhiều phụ huynh, việc nắm bắt về chương trình chuyên biệt và phương pháp đặc thù (ngôn ngữ kí hiệu, chữ nổi Braille…) là rất khó, cho nên việc tương tác và hỗ trợ con là rất hạn chế.

“Những lúc gặp phải các từ ngữ trừu tượng phức tạp, sẽ rất khó để giúp các em tiếp nhận. Nhiều khi rất cần phụ huynh cùng kèm cặp dạy dỗ các em ở nhà nữa thì mới hiệu quả. Nếu không, sự tiến bộ của các em nhiều khi cũng không được như mong muốn”, cô Nguyễn Thị Hằng, một giáo viên đã gắn bó với Trung tâm 20 năm chia sẻ. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng và các em lớp 3D khiếm thính.
Cô giáo Nguyễn Thị Hằng và các em lớp 3D khiếm thính.

Từng bước hướng đến hòa nhập

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên hiện nuôi dạy khoảng 300 trẻ khiếm thính (câm điếc), khiếm thị, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, đa tật… Khoảng một nửa số này ở nội trú, cuối mỗi tuần được gia đình đến đón.

Còn lại, những em bán trú thì gia đình đón vào cuối ngày. Chăm nom cho các em sinh hoạt được coi là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, bởi việc học kiến thức thì có thể theo quá trình, nhưng việc tập rèn kĩ năng là rất cấp thiết.

Vì đặc thù của các em khuyết tật, Trung tâm ưu tiên chú trọng trước hết là dạy kĩ năng. Các em hầu hết đều rất nhạy cảm, hạn chế về năng lực hành vi, cho nên các cô giáo phải hết sức nỗ lực, nuôi dạy bằng tất cả tình thương, bằng một tinh thần trách nhiệm rất cao, nếu không sẽ rất dễ xảy ra các tình uống không mong muốn.

“Chúng tôi tập trung dạy cho các em những kĩ năng thực sự cần thiết. Từ việc vệ sinh, đi lại, nói năng giao tiếp, tự phục vụ, đến việc chi tiêu tiền nong, chống xâm hại. Tất cả phải từng li từng tí, rất kiên trì”, cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh.

Bên cạnh việc rèn tập kĩ năng, các em cũng có môi trường để phát triển bản thân một cách phù hợp, tùy theo khả năng. Hiện nay, Trung tâm có chương trình giáo dục can thiệp sớm cho trẻ độ tuổi mầm non, chương trình dạy văn hóa từ lớp 1 đến lớp 9. Đặc biệt, với các em từ độ tuổi 14 - 15, Trung tâm có các lớp hướng nghiệp dạy nghề.

Thực tế cho thấy hiệu quả nhất là các công việc như may công nghiệp, thêu ren thủ công, tin học văn phòng, khi khá nhiều em sau khi hết lớp 9 ra trường đã chủ động được công việc, phần nào lo được cuộc sống cho bản thân.

“Nhìn các em có một công việc, hơn ai hết chúng tôi hiểu được sự nỗ lực cao độ của những người vốn quá nhiều trở ngại, thiệt thòi.

Đặc biệt hơn nữa, có những cặp đôi là học trò của Trung tâm lại thành vợ thành chồng, có mái ấm riêng. Không có gì hạnh phúc với chúng tôi hơn thế nữa”, cô Nhung xúc động bày tỏ.

Trong kế hoạch tiếp theo, Trung tâm sẽ có những kết nối hỗ trợ các trường phổ thông trong việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, đồng thời có thêm các dịch vụ hỗ trợ, đáp ứng theo nhu cầu xã hội.

Đây sẽ là một hướng mở để tiếp cận được nhiều hơn những mảnh đời thiệt thòi, giúp các em dần vững vàng hơn, vượt qua giới hạn bản thân, từng bước hòa nhập đời sống xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ