Mạch nguồn chảy mãi cho học trò xứ Nghệ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bên cạnh nguồn quỹ hỗ trợ học sinh khó khăn từ các dòng họ, nhà hảo tâm, các cấp hội khuyến học của Nghệ An cũng phát huy hiệu quả vai trò của mình.

Chương trình khai bút đầu xuân và trao quà cho học sinh có thành tích học tập tốt được triển khai hàng năm tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.
Chương trình khai bút đầu xuân và trao quà cho học sinh có thành tích học tập tốt được triển khai hàng năm tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, trong mỗi gia đình, dòng họ, làng quê tại Nghệ An vẫn duy trì, tiếp nối nền tảng hiếu học, chăm lo cho việc học tập của con cháu.

Phong trào khuyến học, khuyến tài từ đó cũng phát triển với nhiều cách làm ý nghĩa nhằm tiếp sức, nâng đỡ thế hệ sau vươn lên phát triển bản thân và quay trở lại đóng góp cho gia đình, quê hương, đất nước.

Khuyến học từ dòng họ

Qua tổng hợp của Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An, từ năm 2014 đến nay, quỹ khuyến học các cấp đã huy động được hàng trăm tỷ đồng và đã trao tặng hàng nghìn suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập. Riêng giai đoạn 2016 – 2021, tổng nguồn quỹ khuyến học được huy động là trên 369,8 tỷ đồng và đã trao tặng trên 200 tỷ đồng cho hơn 1 triệu học sinh, sinh viên. Từ cuối năm 2021 đến nay, các cấp Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An đã huy động được trên 50 tỷ đồng.

Huyện Quỳnh Lưu nổi tiếng là đất học, đất khoa bảng của tỉnh Nghệ An cũng như cả nước. Tiếp nối truyền thống, phong trào khuyến học, khuyến tài tại đất Quỳnh được phát huy ngay từ chính mỗi gia đình, dòng họ. Hiện, Quỳnh Lưu có trên 1.500 dòng họ hiếu học và mỗi dòng họ đều có cách làm riêng để khơi dậy tinh thần phấn đấu học tập thành tài của thế hệ trẻ.

Ban Khuyến học dòng họ Ngô Phúc, xã Quỳnh Bá (huyện Quỳnh Lưu) nhiều năm qua duy trì việc học kèm, dạy kèm trong con cháu. Các cháu nếu học yếu hoặc cần bổ sung kiến thức môn học nào, trong họ sẽ phân công những người giỏi về lĩnh vực đó để phụ đạo. Việc phụ đạo được thực hiện cho đến khi con cháu có tiến bộ rõ rệt, đạt mục tiêu đề ra và sẽ nhận được phần thưởng ghi nhận của dòng họ.

Điểm đặc biệt của việc dạy kèm, học kèm này là linh hoạt, chủ động và tạo mối gắn kết tình cảm, trách nhiệm giữa các thế hệ trong dòng họ. Ngoài kèm cặp trong học tập, thì dòng họ Ngô Phúc còn định hướng, tư vấn cho con, cháu học THPT lựa chọn phù hợp trong tương lai.

Có thể tiếp tục theo con đường đại học với lĩnh vực phù hợp, hoặc đi học nghề theo năng lực, sở thích. Bên cạnh đó, gia đình nào khó khăn cũng được dòng họ trích quỹ khuyến học để hỗ trợ con cháu trong quá trình học tập.

Luôn quan tâm, đề cao việc học cho thế hệ con cháu, dòng họ Lê Văn (xã Quỳnh Hậu) hay dòng họ Hồ Hữu (xã Quỳnh Văn)… đã động viên người lớn tích cực tham gia học tập theo phương châm “cần gì học nấy”.

Việc học tập không chỉ dừng lại ở các cháu đang trong độ tuổi đến trường, mà bất cứ lứa tuổi nào, trong công việc, hoạt động xã hội cần bổ sung kiến thức thì sẽ được tạo điều kiện. Đó là học qua thư viện văn hóa xã, sinh hoạt tại trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, hoặc giao lưu qua mạng Internet…

Các dòng họ cũng đã tổ chức khen cho con cháu có thành tích trong học tập như đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, học sinh giỏi quốc gia, đậu đại học, học lên thạc sĩ, tiến sĩ… vào dịp tế tổ đầu xuân hoặc vào đầu tháng 9 dương lịch, nhân dịp các trường nhập học và bước vào năm học mới…

Việc tổ chức khen thưởng tại các nhà thờ với đầy đủ nghi lễ trang trọng như dâng hương tưởng niệm tổ tiên, báo cáo truyền thống học vấn của dòng họ. Con cháu được nhận học bổng từ dòng họ, đồng thời nghe đại diện họ tộc nhắn nhủ, động viên tiếp tục rèn luyện, học tập tốt để góp phần làm rạng danh gia đình, dòng họ và viết tiếp truyền thống hiếu học của quê hương.

Nguyễn Triệu Cơ là một trong những dòng họ lớn, có công khai mở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Đến nay, nhiều thế hệ của dòng họ đã phát triển, làm ăn, sinh sống ở nhiều tỉnh, thành trong và ngoài nước.

Nhưng dịp xuân tế hàng năm, đại diện các trung chi, tiểu chi đều tề tựu về tế họ đại tôn. Con cháu có thành tích trong học tập, nghiên cứu, công tác cũng sẽ được biểu dương trong dịp này. Ngoài phần tiền thưởng, còn có giấy khen của dòng họ.

Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An tặng quà cho học sinh khó khăn huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An tặng quà cho học sinh khó khăn huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Ông Nguyễn Sơn Hà (đại diện tiểu chi của dòng họ) cho hay: “Giá trị tiền thưởng tuy không cao, nhưng việc nhận giấy khen, được dòng họ ghi nhận, báo cáo với tiên tổ là niềm vinh dự thiêng liêng của con cháu. Tạo động lực để các cháu tiếp tục cố gắng. Đó cũng là cách giáo dục của dòng họ, để các thế hệ sau tiếp nối truyền thống của ông cha đời trước”.

Bà Lê Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quỳnh Lưu - khẳng định, công tác khuyến học tại các dòng họ trên địa bàn huyện hoạt động hiệu quả và duy trì thành truyền thống tốt đẹp nhiều năm qua.

Làm được điều này trước hết do tinh thần đề cao, trọng sự học trong mỗi gia đình, dù hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn hay khá giả. Ban khuyến học các dòng họ đều có hướng phát triển phong trào học tập từ mỗi gia đình.

Công tác huy động nguồn quỹ của các dòng họ cũng rất tốt để từ đó lấy kinh phí cho khuyến học, khuyến tài. Đơn cử như dòng họ Hồ đại tôn ở Quỳnh Lưu có nguồn quỹ lên đến 1 tỷ đồng, còn quỹ của các tiểu chi cũng từ 250 - 300 triệu đồng.

Các dòng họ không chỉ huy động quỹ từ trong làng xã, mà có cả doanh nghiệp, nhà hảo tâm, con em làm ăn xa quê... Những người ủng hộ dòng họ và cả địa phương ghi vào sổ vàng truyền thống, có thư phúc đáp kịp thời.

Hiệu quả từ quỹ ươm mầm tài năng

Trao “Phần thưởng Ngô Trí Hòa” cho đại diện gia đình có con cháu học tập tốt của dòng họ Ngô Lý Trai huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Trao “Phần thưởng Ngô Trí Hòa” cho đại diện gia đình có con cháu học tập tốt của dòng họ Ngô Lý Trai huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Dòng họ Ngô Lý Trai (huyện Diễn Châu) nổi danh khắp cả nước về truyền thống khoa bảng, được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam khi có 5 đời liên tiếp đỗ tiến sĩ. Đây cũng là dòng họ có “phụ tử đồng khoa” hiếm hoi trong lịch sử khoa bảng, đó là cha con cụ Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa cùng đỗ đại khoa vào khoa thi Nhâm Thìn (năm 1592) đời vua Lê Thế Tông.

Khi đó, cụ Tri 53 tuổi, cụ Hòa 28 tuổi. Lúc vinh quy bái tổ, vua Lê Thần Tông đích thân tặng bức trướng hồng có thêu 10 chữ vàng: “Khoa danh thiên hạ hữu/ Phụ tử thế gian vô”, có nghĩa khoa danh trong thiên hạ thì ai cũng có thể, nhưng 2 cha con cùng đỗ 1 khoa thì chưa thấy bao giờ.

Qua nhiều đời, nhiều giai đoạn lịch sử, dòng họ ngày càng phát triển và có nhiều hậu duệ thành đạt, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Cụ Ngô Trí Hòa là người mở đầu cho truyền thống khoa bảng của dòng họ, và sự nỗ lực của cụ Ngô Trí Tri đỗ đại khoa năm 53 tuổi sau nhiều lần “lều chõng”, được thế hệ con cháu coi như tấm gương hiển hách về nỗ lực học tập suốt đời của cha ông.

Quỹ khuyến học và “phần thưởng Ngô Trí Hòa” cũng ra đời để khen thưởng cho các cháu đỗ đạt trong học tập hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác.

Kinh phí của phần thưởng dựa trên nguồn đóng góp của các hộ gia đình trong dòng họ. Ông Ngô Sỹ Học, đại diện hậu duệ dòng họ, cho hay: “Chúng tôi chỉ vận động mỗi hộ 5.000 đồng. Nhưng số lượng con cháu lớn, ai cũng có trách nhiệm, nên nguồn quỹ luôn duy trì tốt. Bên cạnh đó, nhiều con cháu thành đạt hàng năm cũng ủng hộ quyên góp để thúc đẩy phong trào hiếu học của dòng họ”.

Quỹ học bổng “Ươm mầm tài năng quê hương Phủ Quỳ” mới hoạt động gần 5 năm nhưng đã tiếp sức cho nhiều học sinh vượt khó đến trường của huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa (Nghệ An).

Thầy Trần Văn Lục - Chủ tịch Hội Khuyến học của thị xã Thái Hòa, người kết nối xây dựng quỹ học bổng này - nhớ lại: Khởi nguồn của quỹ là anh Lê Anh - cựu học sinh của Trường cấp 3 Nghĩa Đàn trước đây.

Ông Nguyễn Thanh Hiền – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An trao quà hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Thanh Hiền – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An trao quà hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Thanh Hiền - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nghệ An - cho hay, nhờ triển khai hiệu quả quỹ khuyến học đã tạo hiệu ứng tốt trong xã hội và nhận được sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ của nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân. Qua đó, nâng bước hàng chục nghìn học sinh, sinh viên, đóng góp tích cực, thiết thực cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, vun đắp thêm truyền thống hiếu học của người xứ Nghệ.

Đến nay, anh đã mở một công ty công nghệ, và luôn mong muốn thành lập quỹ học bổng để quay trở lại giúp đỡ những em học sinh của quê hương còn khó khăn, vất vả. Mỗi năm, anh đều gửi về từ 55 - 80 triệu đồng hỗ trợ các cháu tiểu học và THCS vượt khó khăn, chăm ngoan, học tốt.

Từ sự tiên phong này, mà nhiều người con xa quê khác, cũng như các nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn cũng chung tay đóng góp, để quỹ ngày càng phát triển. Mục tiêu ươm mầm thêm nhiều tài năng trên mảnh đất Phủ Quỳ xưa bao gồm thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn ngày nay.

Với mong muốn hỗ trợ con em quê hương bằng khuyến học, 3 năm nay, anh Nguyễn Văn Lĩnh (quê xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) đã trao tặng hơn 100 triệu đồng học bổng cho học sinh trên địa bàn xã.

Những trường hợp anh Linh hướng đến giúp đỡ là những em số phận éo le có nguy cơ phải nghỉ học do vất vả, khó khăn. Gần đây nhất là trường hợp em Nguyễn Thị Kiều Sang mới tốt nghiệp THPT 2022. Nhưng do nhà nghèo, nên Sang không dám nghĩ tới việc vào đại học, dù em thi đạt kết quả cao.

Biết hoàn cảnh này, anh Lĩnh đã hỗ trợ em Sang gần 13 triệu đồng để có chi phí ban đầu nhập học vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đồng thời, thầy cô, các nhà hảo tâm khác cũng giúp đỡ Sang ổn định cuộc sống mới ở thành phố, giới thiệu việc làm thêm cho em để trang trải sinh hoạt.

Ngoài ra, còn nhiều trường hợp khác như em Đinh Đức Anh có bố mẹ mắc bệnh hiểm nghèo, nhiễm chất độc màu da cam; em Nguyễn Văn Hoàng cha bị tai nạn nằm liệt giường nhiều năm có nguy cơ bỏ học được anh Lĩnh giúp đỡ tiền học, mua sách vở, quần áo…

Bên cạnh nguồn quỹ hỗ trợ học sinh khó khăn từ các dòng họ, nhà hảo tâm, thì các cấp hội khuyến học của Nghệ An cũng phát huy hiệu quả vai trò của mình. Trong đó, Hội Khuyến học huyện Nam Đàn đã kết nối các tổ chức chính trị xã hội xây dựng nhiều chương trình ý nghĩa cho học sinh, sinh viên.

Điển hình là chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Nam Đàn” do Đoàn Thanh niên trong 7 năm qua đã trao gần 500 triệu đồng cho 332 học sinh. Hội Khuyến học huyện Thanh Chương, Đô Lương… cùng với các đoàn thể xã hội tổ chức tốt mô hình “Tiếng trống học bài”, trao học bổng nâng bước học sinh, tân sinh viên khó khăn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.