'Ma trận' quảng cáo thực phẩm chức năng

GD&TĐ - Thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ sức khỏe, nhưng không ít doanh nghiệp và cá nhân đã thổi phồng công dụng, quảng cáo sai sự thật...

Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health có nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm là có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health có nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm là có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Quảng cáo bị “thổi phồng”

Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) đã tiếp nhận đồng thời hai bệnh nhân N.T.P.V. (43 tuổi) và T.Q.M. (17 tuổi) trong tình trạng nôn, đau đầu, khó thở, co quắp tay chân.

Theo gia đình, sau khi uống thực phẩm bổ sung vitamin A do gia đình tự mua, khoảng 30 phút sau cả hai xuất hiện đau đầu, nôn. Sau đó xuất hiện khó thở, chân tay co quắp, tiếp tục nôn và đau đầu nhiều. Tại bệnh viện, cả hai được chẩn đoán theo dõi ngộ độc vitamin A.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn từng tiếp nhận bé gái 5 tuổi (ở phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn) trong tình trạng mệt mỏi, ăn kém, đau khớp gối hai bên.

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán viêm gan cấp, viêm khớp do lạm dụng thực phẩm chức năng. Người nhà cho biết, vì muốn con phát triển chiều cao nên mẹ đã tìm mua thực phẩm chức năng tăng trưởng chiều cao cho trẻ sử dụng.

Không ít trường hợp “tiền mất, tật mang” do sử dụng thực phẩm chức năng sai cách. Trong bối cảnh này, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện nay trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tràn lan quảng cáo, đặc biệt là trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Shopee...

Tại đây, các TikToker, KOL (Key Opinion Leader), KOC (Key Opinion Consumer) và Influencer quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe với những lời giới thiệu hoa mỹ như “chữa bách bệnh”, “thay thế thuốc chữa bệnh”, “hiệu quả tức thì”. Những lời quảng cáo như “giúp khỏi bệnh hoàn toàn”, “tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày”, “bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên”… đều là dấu hiệu của quảng cáo thổi phồng.

Trách nhiệm của người nổi tiếng

Không ít thực phẩm chức năng bị “tuýt còi” do “nổ” quảng cáo, đơn cử như thực phẩm bảo vệ sức khỏe “Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health”. Cục An toàn thực phẩm cho biết, theo phản ánh, tại một số website, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe “Viên trinh nữ hoàng cung Crilin women Health” có nội dung gây hiểu nhầm là có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Thực tế, các quảng cáo thường đánh vào tâm lý muốn nhanh chóng khỏi bệnh mạn tính hay đơn giản là bổ sung chất tốt cho sức khỏe. “Một viên kẹo bằng một đĩa rau” hay “loại sữa có thể chữa bệnh đái đường, bệnh xương khớp”… là những lời quảng cáo “có cánh” khiến người tiêu dùng có thêm niềm tin lựa chọn sản phẩm.

Điển hình như một loại sữa hạt được chạy quảng cáo trên các nền tảng TikTok do nhiều nghệ sĩ quảng cáo: “Đau nhức xương khớp, thử nhiều phương pháp và tốn nhiều tiền nhưng không hết, mọi người nên sử dụng sữa hạt này sẽ đỡ hẳn tê bì chân tay, nhức mỏi xương khớp”…

Trong bối cảnh này, Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo “nóng” và đưa ra khuyến cáo. Song, mạng xã hội vẫn xuất hiện nhiều quảng cáo quá mức, gây nhiễu loạn thông tin. Theo quy định của Bộ Y tế, thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ, bổ sung dinh dưỡng, không có khả năng chữa bệnh.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng tâm lý mong muốn khỏi bệnh nhanh của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật, thậm chí sử dụng người nổi tiếng nhằm tạo dựng lòng tin.

Đáng lo ngại là không phải tất cả những quảng cáo này đều dựa trên cơ sở khoa học hoặc được kiểm chứng bởi cơ quan chức năng. Trong nhiều trường hợp, những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã vô tình hoặc cố ý “tô vẽ” công dụng của sản phẩm, khiến người tiêu dùng kỳ vọng quá mức. Trong khi thực tế, một sản phẩm đơn lẻ khó có thể mang lại kết quả thần kỳ như vậy.

Hệ lụy của việc quảng cáo quá đà không chỉ dừng lại ở sự thất vọng khi sản phẩm không đáp ứng mong đợi, mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Việc tự ý sử dụng thực phẩm chức năng mà không tham khảo ý kiến chuyên gia có thể dẫn đến tác dụng phụ hoặc gây nguy hiểm trong một số trường hợp.

Chưa kể, nhiều sản phẩm được quảng cáo rầm rộ còn tiềm ẩn nguy cơ là hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc. Điều này càng làm tăng rủi ro cho người tiêu dùng, khiến họ vừa mất tiền vừa có thể đối mặt với những hậu quả không lường trước.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, cho biết, trách nhiệm của KOLs và người nổi tiếng phải gắn liền với những sản phẩm thực phẩm chức năng họ nhận quảng cáo.

Về trách nhiệm đạo đức và pháp lý, KOL, KOC và nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn đến hành vi của người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm dễ tổn thương (người già, người bệnh, phụ nữ mang thai...). Họ phải kiểm chứng thông tin về sản phẩm trước khi quảng cáo, đảm bảo không phát ngôn gây hiểu lầm.

Nếu quảng cáo sai sự thật, vi phạm luật quảng cáo hoặc gây thiệt hại sức khỏe, KOLs phải chịu trách nhiệm dân sự/hình sự. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, việc xử lý vi phạm còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng “lách luật” phổ biến.

Bên cạnh đó, KOL cần có những hành động cụ thể ngoài việc xin lỗi. Về tài chính, phải có chính sách hoàn tiền hoặc hỗ trợ chi phí y tế cho người tiêu dùng bị ảnh hưởng sức khỏe. Tốt hơn nữa, nên tặng lại số tiền kiếm được từ quảng cáo sai lệch cho quỹ từ thiện hoặc dự án nâng cao nhận thức cộng đồng.

Về sự cầu thị, KOL nên thể hiện sự hợp tác với cơ quan chức năng, công khai thông tin về nhà sản xuất, thu hồi sản phẩm vi phạm. KOL có thể đưa ra những cam kết dài hạn như chỉ hợp tác với thương hiệu uy tín, chỉ quảng cáo khi nắm được nguồn gốc, thành phần… và bản thân phải sử dụng, thấy tốt thì mới quảng cáo.

Điều này đòi hỏi các chế tài mạnh hơn từ pháp luật, như phạt nặng, tước giấy phép hành nghề (phong sát), hoặc cấm quảng cáo sản phẩm sức khỏe trong khoảng thời gian nhất định.

Ngày 12/8/2021, Cục An toàn thực phẩm cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm Thiên Nhiên True Natural Việt Nam. Ngày 12/4/2023, Cục đã ban hành quyết định thu hồi giấy xác nhận nội dung quảng cáo trên theo đề nghị của Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm Thiên Nhiên True Natural Việt Nam. Cục An toàn thực phẩm cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý các đường link có nội dung vi phạm quảng cáo nêu trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ