Panorama Mã Pì Lèng khởi công 4/4/2017, khánh thành 30/4/2019. Tổng mặt bằng hơn 500m2, xây dựng 80% thì bị dừng. Đầu tháng 10/2019 sau khi báo chí lên tiếng, chính quyền huyện Mèo Vạc mới lập đoàn kiểm tra liên ngành.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang, qua đo đạc thực tế, công trình có diện tích xây dựng 226 m2, diện tích sàn gần 500 m2 và gần 80 m2 sàn ngắm cảnh khung thép.
Theo báo cáo của Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Giang, công trình 7 tầng trên đỉnh Mã Pì Lèng không có giấy chứng nhận đầu tư, không có giấy chuyển đổi mục đích đất trồng cây sang đất thổ cư, không có giấy phép xây dựng. Điều đáng nói là, công trình này được xây dựng và đi vào hoạt động khi chưa có sự thẩm định của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch theo Luật Di sản văn hoá.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh ngày 8/10/2019, Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất phương án xử lý đối với công trình sai phạm này là phá dỡ 6 tầng, cải tạo phần còn lại làm điểm dừng chân ngắm cảnh. Phương án này được Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đồng ý.
Sau khi phát hiện công trình sai phạm, Cục Di sản Văn hóa từng nhiều lần gửi văn bản nhắc nhở, đề nghị UBND tỉnh Hà Giang xử lý. Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng mặc dù được xây dựng ngoài khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng nhưng lại nằm trong công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn – di sản được UNESCO ghi danh (công viên cao nguyên đá Đồng Văn) với 03 quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
"Xét về tổng thể thẩm mĩ, hình thức công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của du khách tham quan; ảnh hưởng đến môi trường khi công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đây là sai phạm cần xử lý nghiêm để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng dân cư ở địa phương và trên cả nước", văn bản của Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch nêu rõ.
Tuy nhiên, sau nhiều tháng chậm trễ giải quyết và công trình Panorama vẫn mở cửa đón khách gây bức xúc trong dư luận, ngày 28/2/2020, Cục Di sản văn hóa gửi công văn thúc giục Hà Giang sớm giải quyết.
Ngày 12/3, UBND tỉnh Hà Giang mở hội nghị xin ý kiến của các chuyên gia và đưa ra quyết định cải tạo công trình thành điểm dừng chân nhưng hầu như giữ nguyên kết cấu của công trình nhiều tầng này, chỉ đập bỏ một tầng nổi trên mặt đất.
Tại cuộc họp này, UBND tỉnh Hà Giang để chủ đầu tư công trình là bà Vũ Ngọc Ánh trình bày đề xuất cải tạo thành điểm dừng chân ngắm cảnh không lưu trú qua đêm. Về kiến trúc, công trình được cải tạo cảnh quan phù hợp với môi trường xung quanh và đồng điệu với kiến trúc truyền thống của người Mông.
Về kết cấu công trình, bà Ánh nêu ý kiến: Phần công trình trên cốt mặt đường nên giữ lại toàn bộ kết cấu, chỉ thay đổi vật liệu hoàn thiện cho phù hợp như tiêu chí của Bộ VHTT&DL đã nêu.
Lý do giữ lại vì phần nổi này chính là đối trọng neo giữ toàn bộ công trình, vì toàn bộ công trình nằm trên một triền dốc đứng, nếu ta đập bỏ chính là làm nhẹ phần đối trọng của toàn bộ công trình, có thể gây trượt, nguy hiểm cho toàn bộ công trình.
Phần cuối phía dưới của công trình cũng vậy, nếu đập bỏ sẽ làm mất đối trọng phần chân công trình khi chịu lực bên trên dồn xuống. Phần này như chốt chặn để công trình được ổn định và giữ cân bằng vị trí. Toàn bộ kết cấu trên được liên kết chặt chẽ, tạo sự ổn định cho công trình.
Chủ đầu tư cho biết, đã được các kỹ sư và chuyên gia kết cấu thiết kế và hướng dẫn chi tiết đảm bảo an toàn và bền vững của công trình”.
Ngoài ra, về tôn tạo và bổ sung cảnh quan xung quanh công trình, bà Ánh cho biết, sẽ trồng cây và hoa, đảm bảo cảnh quan công trình hài hòa với thiên nhiên xung quanh.
Cụ thể, khối nhà hàng ăn uống và giải khát 2 tầng sẽ được thiết kế tường ốp vật liệu giả gỗ mô phỏng nhà truyền thống người dân tộc Mông, làm thêm ngói âm dương theo truyền thống nhà của người dân tộc Mông.
Với khối nhà nghỉ ngơi 1 tầng với diện tích khoảng 207m2, tường và lan can sân trời được ốp vật liệu gỗ mô phỏng nhà truyền thống của người Mông. Các trụ cột sắt đỡ sân trời được bọc lại bằng vật liệu cây trúc.
Bên dưới những lan can sân trời trồng cây rủ lá mô phỏng như thác nước chảy trên những vách đá. Bậc thang được ốp đá tự nhiên đan xen những khóm hoa…
Tháng 8/2020, tỉnh Hà Giang chỉ đạo cải tạo công trình. Theo đó, Panorama Mã Pì Lèng chỉ bị phá dỡ một phần mái nhô ra phía sông Nho Quế, các góc che khuất tầm nhìn người đi đường. Về cơ bản quy mô công trình không thay đổi. Từ một công trình sai phạm, chủ đầu tư nay được phép quyền quản lý công trình này để khai thác phục vụ thành điểm dừng chân ngắm cảnh.
Bình luận