Lý thú với Văn học địa phương

GD&TĐ - Tài liệu Ngữ văn địa phương mang tên “Đất và người Sài Gòn – phương Nam” của Trường THCS – THPT Đức Trí, TPHCM là một trong những cuốn cẩm nang quý báu đối với thầy và trò nhà trường khi tìm hiểu kho tàng văn học địa phương vùng đất Sài Gòn – Nam bộ.

Tiết học Văn theo phương pháp đổi mới của Trường THCS – THPT Đức Trí
Tiết học Văn theo phương pháp đổi mới của Trường THCS – THPT Đức Trí

Vùng đất mới – tạo cảm hứng giảng dạy

Thầy Huỳnh Phi Chường - GV dạy Văn Trường THCS- THPT Đức Trí cho biết: “Đất và người Sài Gòn - Phương Nam” là tập tài liệu Ngữ văn có nội dung GD địa phương được biên soạn theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT nhằm thực hiện tiếp chuyên đề “Lớn lên cùng sách” phục vụ cho chương trình dạy học 2 buổi/ngày bắt đầu từ năm học 2017-2018.

 Theo định hướng của Bộ GD-ĐT, dạy học nội dung GD địa phương đang dần được khẳng định vị thế khi một số môn KHXH đã gắn liền với văn chương, lịch sử, địa lý tại nơi người học sinh sống và cư trú. Theo dòng chảy của tri thức, GD địa phương đang tìm về cội nguồn phát tích những tinh hoa quý báu mà một vùng đất đã lưu giữ từ mấy trăm năm về trước.

Bám sát mục đích giảng dạy bộ môn, phần Đọc hiểu văn bản được nhấn mạnh theo các chủ đề mang bản sắc vùng đất phương Nam với tuổi đời còn non trẻ như: Thiên nhiên hoang vu, khắc nghiệt, Tình người giữa miền sông nước, Miền đất giàu sản vật. Người đi mở đất, Hát ru Nam bộ… Bên cạnh những câu ca quen thuộc:

“Rừng thiêng, nước độc, thú bầy/ Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội đầy như bánh canh” là những câu ca dao đậm nét địa phương mới lạ như: “Chiều chiều ông Lữ đi câu/ Sấu lôi ông Lữ cắm đầu xuống sông”.

Đó cũng là nét riêng trong chủ đề “Miền đất giàu sản vật” mà chỉ có ở vùng đất miền Tây sông nước: “Bến Tre giàu mía Mỏ Cày/ Giàu nghêu Thạnh Phú, giàu xoài Cái Mơn”. Sự hấp dẫn của các bài ca dao, tục ngữ, dân ca được tuyển chọn vào chương trình hầu hết đều mang tính bản địa rõ nét.

Đối với vùng đất Sài Gòn, hình ảnh người đi mở đất luôn là “điểm sáng” trong ngòi bút sáng tác của các nhà văn để ca ngợi công lao của cha ông ta trong những ngày đầu “hành phương Nam”.

Đó là hình ảnh cuộc sống của người dân nghèo thành thị ở một con hẻm nhỏ giữa TP phồn hoa đô hội qua văn bản “Rưng rung cảm xúc về lại với hẻm phố” của tác giả Nguyễn Quang Hòa.

Bên cạnh là cuộc sống về đêm không nghỉ trên mọi con phố qua văn bản “Sài Gòn nối ngày vào đêm” (Mai Anh), “Sài Gòn những tiếng rao” (Minh Đức), là những mặt trái khuất lấp của TP từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông qua đoạn trích “Sài Gòn mùa nước ngập” (Đặng Trung Thành), v.v…

Có được điểm nhấn này, những bài học về GD địa phương vùng đất Nam bộ càng thêm rõ nét để lại được nhiều ấn tượng trong trí nhớ người học.

Khám phá để yêu thương xứ sở mình

Không chỉ có các tác phẩm văn học phôn-clo (folklore), một số sáng tác của các tác giả hiện đại cũng được đưa vào chương trình để có góc nhìn mới về cội nguồn văn chương Nam bộ thời hồng hoang.

Các bài thơ Tiếng ốc u từ biển (Ngô Xuân Tiếu), Ngày xưa (Thanh Thảo), Tháng chín khai trường (Quách Tỉnh – Xuân Trường) như một chùm hoa lạ trong vườn hoa đa sắc của dòng văn học địa phương.

Sắc màu của vườn hoa đó càng phong phú hơn khi có những tác phẩm văn xuôi đứng bên những bài văn vần dễ đọc, dễ nhớ trong phần Đọc mở rộng. Tính nhân văn, lòng nhân ái như một nét đẹp hàng ngày trong bài viết “Đẹp lắm tình người” của tác giả Thái Hoàng.

Bài “Mưa cho gần nhau hơn” của tác giả Minh Đức lại có nét duyên dễ thương nói về những cơn mưa qua mau ở Sài Gòn. Mỗi góc phố, quán ăn của Sài Gòn dù buổi sáng hay về đêm đều có những diện mạo riêng không lẫn vào đâu được qua bài “Sài Gòn thương và nhớ” (Nguyễn Ngọc Hà).

Phần Đọc mở rộng, tài liệu được chia ra 3 chủ đề chính: Cội nguồn, Đất và người Sài Gòn, Đất và người phương Nam. Nếu phần Cội nguồn dành riêng cho 2 văn bản: “Một bảo tàng sinh thái biển cho Cần Giờ” và “Vua chúa Việt bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa như thế nào?” thì chủ đề Đất và người Sài Gòn được trích dẫn nhiều văn bản mang sắc màu địa phương và mang tính lịch sử như: “Lịch sử hình thành vùng đất Sài Gòn”, “Sài Gòn lý thú địa danh”, “Những làng nghề giữa phố TPHCM”.

Đúng như thầy Huỳnh Phi Chường trao đổi: “Các văn bản được tuyển chọn là những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ về ngôn ngữ, văn hóa, có tính GD, phù hợp chương trình SGK ngữ văn hiện hành với mục đích giúp HS tiếp nhận các nội dung văn học địa phương”.

Qua đó các em sẽ rút ra được kết luận: Con người Sài Gòn – phương Nam có cùng cội nguồn xa xưa từ thuở Hùng Vương dựng nước với nền văn minh sông Hồng cùng mang dòng máu quật cường trên lãnh thổ thiêng liêng không chấp nhận cuộc xâm lăng của bất cứ kẻ thù nào.

Con người Sài Gòn – phương Nam mang đậm tính cách người mở cõi: chịu thương chịu khó, sống nghĩa tình, thủy chung, yêu thương, cưu mang đùm bọc lẫn nhau, sống phóng khoáng cởi mở, bộc trực nghĩa khí vị nghĩa quên thân, linh hoạt thích ứng nhanh trước xu thế hội nhập.

Trải qua hơn 300 năm gian truân mở cõi, vùng đất Sài Gòn – phương Nam đang là vựa nông sản, thủy sản và là vùng trọng điểm kinh tế của cả nước.

Bên cạnh đó từng áng văn chương bản địa sẽ mang đến cho HS vẻ đẹp đa dạng của hình thức nghệ thuật lời ăn tiếng nói, giọng điệu người Sài Gòn – phương Nam, từ đó giúp các em mở rộng vốn từ rèn luyện cách diễn đạt trong sáng linh hoạt trên nền tảng phương âm, phương ngữ tiếng Việt Sài Gòn.

Đây còn là những bài học nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn để truyền lửa tạo thêm hứng thú cho các em đến với bộ môn Ngữ văn và đọc sách qua các văn bản viết về thiên nhiên, cuộc sống xã hội và con người gần gũi, thân quen hàng ngày.

Tuy nhiên theo đánh giá của một vài ý kiến về chuyên môn, có một số tác phẩm còn mang tính phổ quát chưa thể hiện rõ được vùng miền. Các bài ca dao và các bài văn này có thể dạy bất cứ ở trường nào trên những vùng đất khác.

Đây là đòi hỏi yêu cầu người dạy biết chọn lọc hoặc có sự lồng ghép, tích hợp khéo léo để có được những bài học văn chương mang đậm bản sắc vùng miền của đất Sài Gòn – phương Nam. Điều này đòi hỏi GV trong quá trình dạy không chỉ có bản lĩnh chuyên môn vững vàng mà cần có cái nhìn bao quát và rộng lớn để biết lựa chọn những văn bản thật xứng tầm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ