Đoàn nhà văn Việt Nam có 8 hội viên, gồm nhà thơ Nguyễn Thị Mai – Trưởng Đoàn, nhà văn Thành Đức Trinh Bảo – Phó Đoàn và các nhà thơ: Đỗ Thị Tấc, Trần Kim Anh, Hoàng Việt Hằng, Đỗ Bạch Mai, Bùi Kim Anh, Trịnh Công Lộc, trong đó 5 nhà thơ đã từng là giáo viên dạy văn cấp 3 một thời.
Về phía nhà trường có gần 30 cô giáo dạy văn bậc THCS và THPT cùng gần 30 học sinh trường THPT chuyên văn của tỉnh.
Cùng dự buổi giao lưu có các đồng chí: Đặng Thanh Sơn – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đinh Trung Tuấn – Nhà giáo ưu tú, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu.
Buổi giao lưu diễn ra trong bầu không khí vui vẻ hào hứng của giáo viên, học sinh và sự nhiệt tình hồ hởi của các nhà văn bởi ít khi được tham dự một cuộc giao lưu sinh động thế này.
Các cô giáo đã đưa ra nhiều câu hỏi thiết thực, đồng thời cũng là những vấn đề đang vướng mắc trong việc dạy văn hiện nay. Đó là: Tại sao học sinh ngại học môn văn? Làm thế nào để học sinh cảm thụ được tác phẩm văn học qua giờ dạy văn? Khi dạy văn bản Nghị luận, làm thế nào để gây hứng thú cho học sinh? Những biện pháp nào để học sinh vùng miền có thể cảm thụ tốt các văn bản văn học trung đại? Làm sao để học sinh biết phân tích những giá trị nghệ thuật của biện pháp tu từ trong tác phẩm văn học đối với học sinh vùng miền? Giải pháp để dạy hay, hấp dẫn đối với tiết dạy tập làm thơ trong chương trình ngữ văn? Văn học có cần đi cùng thời đại hay không? Muốn truyền đạt cái hay của tác phẩm đến học sinh cần lưu ý phương pháp nào? Khi giảng dạy chương trình văn học địa phương, giáo viên rất khó về tài liệu và phương pháp, cần kinh nghiệm gì?...
Cùng đó, các cô giáo còn đưa ra những câu hỏi có tính vĩ mô, như: Làm thế nào để học sinh miền núi làm bài thi văn có kết quả tốt như học sinh miền xuôi? Khi dạy tác phẩm văn học, giáo viên có quyền dạy vượt ra ngoài quy định của sách hướng dẫn giảng dạy không?
Tại buổi giao lưu, các em học sinh có những câu hỏi rất cần thiết đối với người học văn như: Làm thế nào để em có cảm xúc học văn và tiếp cận tác phẩm văn học? Khi giảng văn các cô thường hay quên giảng về nghệ thuật tác phẩm, làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Làm sao để cảm nhận một tác phẩm văn học hay?
Đặc biệt có em rất thật lòng hỏi các nhà thơ: Em muốn trở thành nhà thơ mà khó quá vì em đã viết nhiều mà chẳng thành thơ, mong các nhà thơ nói giúp em phải làm gì để trở thành nhà thơ?...
Nhà thơ Đỗ Thị Tấc và nhà thơ Nguyễn Thị Mai trong buổi giao lưu |
Cứ như thế, các câu hỏi được gửi lên bàn chủ tọa tới tấp và các nhà văn cũng “xung trận” rầm rộ với những câu trả lời rất chân tình.
Ví như nhà thơ Nguyễn Thị Mai chia sẻ kinh nghiệm để dạy giờ “Tập làm thơ” cho hay và hấp dẫn: Trước tiên giáo viên phải có cảm thụ tốt về thơ, bên cạnh đó phải nắm chắc đặc trưng thơ và hiểu biết các thể loại thơ. Để chuẩn bị cho giờ văn này, giáo viên cần phát hiện ra một số em có năng khiếu đã làm những bài thơ để mời các em đọc rồi phân tích cho cả lớp cùng nghe những bài thơ đó xem câu thơ nào đúng là thơ? Có lẽ tốt hơn cả là giáo viên mời một nhà thơ nổi tiếng đến giảng cho các em về thơ thay mình.
Với câu hỏi Làm thế nào để trở thành nhà thơ? Nhà thơ Đỗ Thị Tấc đã trả lời rất chân thành và hóm hỉnh: “Cứ viết đi, viết đi… Viết tất cả những gì trái tim mình thổn thức với ngọn núi, rừng cây, con suối bản mình, với bố mẹ mình…sau đó gửi cho Tạp chí Văn nghệ Lai Châu, chúng tôi sẽ có trách nhiệm biên tập, sửa chữa và góp ý cho em. Nếu em có ước mơ và năng khiếu, Hội Văn nghệ Tỉnh sẽ mời dự các trại sáng tác cho thiếu nhi để em được bồi dưỡng kiến thức làm thơ”.
Muốn các em tự tin hơn, nhà thơ Đỗ Thị Tấc còn gửi tặng các em hàng chục cuốn Tạp chí Văn nghệ Lai Châu giúp các em đọc trang Văn học nhà trường và số địa chỉ hòm thư để các em gửi thơ về Tạp chí.
Mọi ý kiến cuối cùng đều nhằm mục đích trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để dạy văn hay và học văn tốt? Giáo viên hỏi, nhà văn trả lời. Học sinh hỏi, cô giáo trả lời. Nhà thơ Đỗ Thị Tấc với cương vị chủ tọa nhưng cũng rất “MC” trong buổi giao lưu đã năng động khơi gợi các câu hỏi và bình luận dí dỏm các câu trả lời.
Với lời dẫn hóm hỉnh, tác phong thoải mái thân thiện, tấm lòng nhiệt tình, nhà thơ Đỗ Thị Tấc đã kéo gần khoảng cách giữa cô và trò, giữa học sinh và nhà văn, giữa chủ và khách … khiến buổi giao lưu rất hòa nhập, làm cho ai nấy mạnh dạn chia sẻ những suy nghĩ thật lòng của mình trong việc giảng dạy và học văn.
Những vấn đề nhà thơ Đỗ Thị Tấc đặt ra đã được đồng chí Đinh Trung Tuấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu ủng hộ ngay. Đồng chí nhắc nhở các em học sinh nên đầu tư cho việc học văn đồng đều với các môn học khác, không nên chạy theo các môn học xu thời. Các thầy các cô dạy văn ngoài việc dạy tác phẩm trong nhà trường còn cần mở mang, trau dồi kiến thức văn học bằng cách đọc thêm, đưa thêm các tác phẩm đương thời vào giảng dạy.
Nhà trường và Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh cần có nhiệm vụ phát hiện và tìm kiếm tài năng văn học trẻ. Khuyến khích học sinh có năng khiếu văn chương đồng thời đào tạo bồi dưỡng các em như bồi dưỡng những học sinh giỏi của nhà trường.
Phó Giám đốc Sở Đinh Trung Tuấn đồng ý với ý kiến đề xuất của Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đỗ Thị Tấc là hàng năm sẽ phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức sáng tác cho các em có năng khiếu văn học.