Nơi đây đời sống của người dân còn gặp muôn vàn khó khăn. Tỷ lệ đói nghèo trên 45%. Việc lo cơm ăn, áo mặc, hàng ngày trong đó có việc lo cho con em mình học cái chữ là cả một cuộc đấu tranh không kém phần cam go, gian khổ.
Nhưng ở đó người dân đã thay đổi được nhận thức, đã biết cho con em học cái chữ hơn việc chọn mảnh nương tốt trồng thảo quả. Chính quyền, các tổ chức, đoàn thể xã hội đã cùng chung tay, sát cánh chăm lo cho sự nghiệp trồng người với cả tinh thần, trách nhiệm và tấm lòng nhiệt huyết, ươm mầm tương lai cho vùng cao này. Các em đã quyết tâm vượt khó, ham học, bám lớp, bám trường miệt mài rèn người, luyện chữ chăm chỉ cần mẫn như những chú ong thợ…
Học sinh Lào Cai |
Gian khổ vẫn bám lớp…
Từ Quốc lộ 279 rẽ vào, chúng tôi đến được khu trung tâm xã Nậm Chày phải mất hơn một tiếng đồng hồ trên con đường quanh co loằng ngoằng cứ dốc ngược lên trời xanh. Một bên là vách núi cao dựng đứng một bên là vực sâu hun hút. Người cứng bóng vía đến mấy đến đây lần đầu cũng phải nín thở, thót tim đành phó thác tính mạng gửi cả vào tay lái bác tài.
Đây cũng là con đường duy nhất đến được xã bằng ô tô. Còn từ đó xuống các bản là những vệt đường mòn chỉ có những chiếc Win “Tầu”, “MinkhuKhờ” với những tay lái lụa người bản địa điều khiển, mới có thể chinh phục các con đường vào bản.
Mấy năm gần đây, từ nguồn vốn chương trình 134, 135… của Chính Phủ đầu tư xây dựng, cơ sở hạ tầng ở đây được nâng cấp khá khang trang gồm: trụ sở ủy ban xã, trạm y tế, đây cũng là nơi tập trung của cả ba trường : Mầm non, tiểu học và trường trung học cơ sở hai tầng bề thế, một khu nhà nội trú cho cả thầy, cô và các em học sinh đã tạo lên diên mạo của một trung tâm hành chính cấp xã.
Tuy nhiên hành trình kiếm tìm con chữ của các em học sinh nơi đây còn lắm nhọc nhằn, gian khó. Có đến mới thấu được cái vất vả, khó khăn, thiếu thốn của các em, sự cực nhọc của các thầy cô giáo cắm bản.
Hàng ngày ngoài thời gian lên lớp ra các em phải lên núi lấy củi, vào rừng hái rau, lấy măng về làm thức ăn. Những ngày nghỉ các em còn ra suối bắt cá để cải thiện chất tươi. Hầu hết gia đình chỉ cung cấp gạo và muối. Hai thứ chính này nhiều khi cũng khó khăn vì nhiều gia đình những ngày giáp hạt cũng lâm vào cảnh gác niêu chờ gạo cứu tế. Các thầy cô còn phải bớt cả khẩu phần ra để giúp hỗ trợ các em.
Tôi lại nhớ đận trước đến thăm. Tới giờ nghỉ cơm trưa chúng tôi tạt qua khu nội trú thấy các em đứa đứng, đứa ngồi, hỏi các em đã ăn cơm chưa? Không thấy trả lời, ngó vào bếp thấy lạnh tanh, tôi lên hỏi các cô thì ra các em hết gạo. Vậy là cô xách xô đổ những hạt gạo cuối cùng trong tuần của mình đi nấu cho các em. Nghĩ mà thất xa xót cho cả thầy lẫn trò.
Những dịp nhận được tiền trợ cấp của nhà nước đối với đối tượng con em nghèo, được các cô mua giúp cá khô về cải thiện gọi là ăn tươi. Ở đây cái ranh giới nghèo đói và cận nghèo đói nó mong manh lắm, khó phân biệt, nhấp nhỉnh hơn nhau “nửa chỏm tóc”.
Mấy năm về trước chưa có trường bán trú, nỗi gian truân kiếm tìm con chữ còn vất vả gấp nhiều lần bây giờ. Các thầy cô cùng các em vào rừng chặt nứa vầu dựng lán tạm để ở. Nhưng mưa rừng, gió lốc lay lật như muốn thử sức với các em. Vào giờ nấu ăn là các em lại nụi hụi đi lo nấu nướng, Bốn năm em chung vào một nhóm. Thực ra bữa ăn của các em rất đơn giản. Một nồi nấu cơm, một xong nấu canh rau rừng với muối. Bếp nấu là mất hòn đá kê chụm lai.
Em Giàng A Lểnh học sinh lớp 6 tâm sự : Nhiều khi chúng em hết gạo không dám báo thầy cô, chúng em phải nấu cháo ăn thôi. Chúng em còn vào rừng đào củ sắn, củ mài về ăn thêm... Những lời tâm sự chân thành đến mộc mạc
Sự học khó khăn gian lan là vậy nhưng nhờ sự vận động và quyết liệt của chính quyền địa phương. Tôi nhớ mãi câu nói của ông Vàng A Thống Chủ tịch ủy ban xã, trong buổi họp với các già làng trưởng bản: Đói bụng thì kiếm củ mài, củ sắn, đói bụng dân ta không bỏ chữ, bỏ chữ là đói cả đời..!
Ôi sao mà hay thế, chí lý thế, cái lý lối của người miền núi nghe mà thâm thuý như đánh đục vào cột. Cán bộ ở đâu cũng tâm huyết như thế thì dân ta được nhờ, sự học, trí tuệ Việt Nam còn bay cao, bay xa. Một điều đáng nói nữa ở vùng đất nghèo là sự nhiệt tình của các thầy cô, những giáo viên cắm bản. Các thầy cô là những ngọn đuốc thắp sáng nơi bản làng. Là những tuyên truyền viên tích cực trong việc gieo chữ trồng người nơi miền sơn cước này.
Chính lòng nhiệt tình, tính kiên trì, các thầy cô đã giúp các bậc phụ huynh thay đổi được nhận thức, giúp các em ham mê học tập, bám lớp, bám trường. Trường THCS Nậm Chầy có 238 học sinh gồm 8 lớp thì có đến 198 em là ở nội trú các em đến từ 8 thôn bản, nơi xa trường nhất như thôn PxiNgài cũng đến gần 30km.
Thầy Chu Quốc Tùng hiệu trưởng trường THCS cho biết : Các em ở bản xa mấy năm trước thường bỏ lớp, các thầy cô phải thường xuyên đi đến từng gia đình vận động, thuyết phục các em đến lớp. Tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt thấp. Từ ngày có trường bán trú dân nuôi các em đến lớp đều hơn tỷ lệ học sinh chuyên cần tăng lên, đi đôi với đó là chất lượng học tập cũng tăng cao rõ rệt.
Các em trong ngày vui tựu trường |
Mái nhà bán trú dân nuôi - điểm tựa ươm mầm ước mơ.
Xã Nậm Chầy cũng như các xã vùng cao khác trong Huyện Văn Bàn. những xã đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc tiểu số trình độ dân trí còn thấp. Hệ thống hạ tầng cơ sở còn thấp kém, giao thông đi lại khó khăn, địa hình chia cách mạnh, dân cư phân bố tản mát. Những rào cản đó ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp giá dục.
Trong những năm gần đây Đảng, Nhà nước đã đầu tư bằng các Chính sách sát thực, hiệu quả, dành cho giáo dục. Đặc biệt tứ khi có mô hình trường bán trú dân nuôi. Phong trào học tập ở huyện vùng cao này đã phát triển cả về lượng và chất. Em Vàng A Trư vô tư nói: từ ngày có nhà bán trú chúng em không phải đậy sớm lội suối đội mưa rét đi học nữa. Nhà bán trú cũng là nơi nuôi những giấc mơ đã thành hiện năm học vừa qua em Vàng A Lê đã chúng tuyển vào đại học giao thông vận tải. Đã trở thành một sự kiện mà ở xã vùng cao này chưa mơ thấy bao giờ.
Theo anh Trần văn Tẩy cán bộ tổng hợp phòng giáo dục cho biết năm học 2009-2010 tỷ lệ học sinh vào lớp 1 đạt 100% . Tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt 96,51%. Tổng số phòng bán trú dân nuôi trên toàn huyện 106 phòng trong đó 35% là nhà xây kiên cố còn lại là nhà tạm . Tổng số học sinh THCS có 6927 em thì có 853 em là học bán trú dân nuôi.
Theo bà Trần Thị Việt, Phó phòng giáo dục đào tạo Huyện Văn Bàn cho biết : Mô hình trường bán trú dân nuôi đem lại hiệu quả rất tốt… Nhu cầu về nhà ở cho học sinh đang rất cấp bách, năm học mới này cần phải có 75 phòng học nữa …Giải quyết chỗ ăn chỗ ở cho học sinh năm học mới đang gặp nhiều khó khăn. Ngay tại trường THCS Nậm Chầy là một trong những xã có tỷ lệ học sinh bán trú đông đến 240 em. Nếu cứ 2 em một gường thì cũng phải cần thêm 4 phòng để cho các em sinh hoạt nữa. Thông qua các tổ chức xã hội, các nhà tài trợ, bằng hình thức kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ. Các đơn vị đỡ đầu theo chương trình giúp đỡ xã 135 giai đoạn II của Chính Phủ. Nhiều đơn vị đã rất quan tâm tham gia hỗ trợ xây dựng nhà bán trú dân nuôi và hàng năm tham gia đóng góp vào quỹ khuyến học của xã. Từ đó đã tạo lên phong trào toàn dân chăm lo cho giáo dục vùng cao.
Mô hình nhà bán trú dân nuôi đã tạo điều kiên các em được bám lớp thường xuyên hơn. Tạo cho các em ý thức tự lập cao, mặc dù xa gia đình, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ nhưng các em đã rèn luyện tự tin trong cuộc sống. Mô hình này không những phát huy hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tác động to lớn đến việc làm thay đổi nhận thức của đồng bào các dân tộc về học tập của con em mình.
Hoàng hôn đang xuống nhuộm vàng trời chiều, ông mặt trời đã lẩn khuất sau đỉnh SinhTaChaPao. Những dòng sông mây đang bồng bềnh mờ ảo đưa núi rừng làng bản vào đêm. Ánh đèn điện đã lan tỏa trong khu nhà bán trú dân nuôi. Dưới mái nhà này các em đang miệt mài luyện chữ xây những ước mơ.
Ghi chép của Công Thế
Lào Cai tháng 9/2010