Tại lễ thượng cờ cho hai tàu pháo-tên lửa HQ 377 và HQ 378, chính thức biên chế vào đội hình chiến đấu của Lữ đoàn tàu pháo tên lửa 167, Vùng 2 Hải quân, đại tá Lương Việt Hùng, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, tự hào cho biết: Tàu lớp Molniya - HQ 377 và HQ 378 có thể hoạt động trong sóng gió cấp 7-8, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển, trên bờ, chi viện hỏa lực, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Vùng 2 Hải quân, Quân chủng Hải quân, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Sát thủ diệt hạm
Chúng tôi theo chân trung tá Nguyễn Đức Thoan, thuyền trưởng tàu HQ 377 lên tàu để dự một buổi huấn luyện của bộ đội. Buổi huấn luyện tại bến gồm nhiều hạng mục như điều khiển tàu, điều khiển vũ khí, thao tác bắn pháo đối không, đối hải, thao tác bắn các loại vũ khí có trong biên chế trên tàu và đương nhiên có màn thực hành huấn luyện thao tác bắn tên lửa.
Tàu chiến thường tổ chức diễn tập trên bến và trên biển để bộ đội cọ xát thường xuyên với tình huống, tăng khả năng sử dụng, vận hành trang thiết bị, vũ khí. HQ 377 là một trong hai tàu pháo tên lửa được đóng tại Việt Nam.
Theo các sĩ quan hải quân, vũ khí trên tàu thuộc loại hiện đại ngay cả so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, ngoài các loại pháo chống tàu, chống máy bay có khả năng bắn từ hàng trăm tới vài ngàn viên một phút là những giàn tên lửa có tầm bắn hàng trăm cây số, tiêu diệt chính xác mục tiêu, được điều khiển hoàn toàn tự động.
Để điều khiển hệ thống vũ khí tối tân, trên tàu trang bị những thiết bị điện tử hiện đại. Với góc nhìn của người ngoài cuộc, chỉ thấy chi chít bảng điện, sơ đồ, bàn phím, các nút vặn, bấm... Tình huống giả định là có sự kiện khẩn cấp.
Sau loạt còi báo động, bộ đội trên tàu rầm rập chạy về vị trí chiến đấu. Buồng chỉ huy trước mũi tàu, ban chỉ huy tàu: thuyền trưởng, chính trị viên, nhân viên hàng hải... đã trong tư thế sẵn sàng. Theo lệnh của thuyền trưởng, từng người ở các bộ phận trên tàu báo cáo công tác chuẩn bị của mình.
Không khí rất khẩn trương, cảm tưởng như có mối đe dọa trên thực địa. Hai tàu HQ 377 và HQ 378 luyện binh trên biển.
Thuyền trưởng hô hàng loạt lệnh ngắn nhưng rõ ràng, sau đó bộ đội trên tàu đồng thanh lặp lại: Toàn tàu báo động chiến đấu đối hải. Các vị trí bắt tiêu. Bắn. Mục tiêu đã bị tiêu diệt. Ngừng bắn, thôi bắn... Toàn tàu báo động chiến đấu đối không. Các vị trí bắt tiêu. Loạt ngắn, bắn! Loạt dài, bắn! Mục tiêu đã bị tiêu diệt...
Sau buổi tập, trung tá Thoan chia sẻ, HQ 377 là tàu lớp Molniya hiện đại nên để bộ đội làm chủ phương tiện, khí tài mới trên tàu cần phải được rèn luyện nhiều lần cho tới khi thành thục.
Trước khi nhận tàu, hầu hết cán bộ đều được cử đi học. Không chỉ học qua sách vở, cán bộ chiến sĩ tàu pháo tên lửa không ít dịp học trên thực địa trong các đợt bắn đạn thật trên biển, ngoài khơi xa cách bờ hàng trăm hải lý.
Tàu pháo mới nhận của Hải quân phô diễn tên lửa Hai tàu pháo - tên lửa mới của Hải quân VN được trang bị hệ thống tên lửa Kh-35 Uran-E với 16 quả đạn được, tầm bắn lên đến 130 km và có khả năng đánh chìm chiến hạm cỡ 5.000 tấn.
Những chuyến ra khơi luyện binh thường xuyên giúp bộ đội sớm làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại. |
Bắn trúng ngay loạt đạn đầu
Mới nhất là lần bắn đạn thật trên biển để nghiệm thu tàu. Hôm đó trời trong, biển lặng, sóng cấp ba cấp bốn, thời tiết rất thuận lợi nên cán bộ, chiến sĩ trên tàu ai cũng hào hứng. Anh em kể trước khi đi rất hồi hộp.
Dẫu sao cũng là những người lính đầu tiên điều khiển con tàu nước nhà tự đóng, rồi tự mình thao tác, khai hỏa trúng mục tiêu để khẳng định chất lượng của trang thiết bị, vũ khí và khả năng làm chủ khí tài của bộ đội hải quân. Nhiệm vụ của bộ đội là bắn thử tất cả các loại vũ khí trên tàu. Nhưng ấn tượng nhất là màn bắn tên lửa.
Sau khi đã xong công tác chuẩn bị, kiểm tra mức độ an toàn của tên lửa, thuyền trưởng báo cáo chỉ huy cao nhất.
Nhận được lệnh điểm hỏa, ai cũng hồi hộp. Thuyền trưởng bắt đầu hô, đếm ngược từ 10 đến 1. Cả tàu cùng hô theo. Sau tiếng hô cuối của thuyền trưởng, cả tàu chỉ nghe thấy một tiếng “ùng” trầm và đục vang lên, bên mạn phải tàu một vầng lửa nháng lên dữ dội kèm theo cột khói đen, quả tên lửa xé gió lao vút đi cùng một vệt khói dài kẻ dọc bầu trời.
Trong khoảnh khắc, trung tâm chỉ huy báo về tên lửa đã trúng mục tiêu. Cả hai tàu HQ 377 và HQ 378 đều phóng tên lửa thành công. Trung úy Nguyễn Tấn Tài, trưởng ngành 2 tàu HQ 377 nhớ lại: Khi những quả đạn trúng mục tiêu ngay từ loạt đầu tiên, không chỉ riêng tôi, ai cũng vỡ òa trong niềm vui, xen lẫn tự hào, vì chúng tôi đã bước đầu đã làm chủ vũ khí hiện đại.
Việc tác xạ chính xác mục tiêu không chỉ chứng tỏ khả năng vận hành trang bị, vũ khí, mà còn chứng tỏ chất lượng, khả năng, tính ưu việt của tàu pháo tên lửa đầu tiên mà Việt Nam tự đóng…
Trong lần bắn thử nghiệm lần này, tàu HQ 377 và HQ 378 cũng tiến hành bắn pháo đối không, đối hải với nhiều bài bắn khác nhau, như bắn phát một, bắn liên thanh, bắn vuông góc, thẳng góc… Các hạng mục bắn đều đạt yêu cầu.
Thủy thủ tàu HQ 378 lên đường luyện binh |
Tận mắt thấy những người lính thao tác điều khiển máy móc, thiết bị, vũ khí tại các phòng máy có thể cảm nhận được quá trình khổ luyện của họ.
Đặc điểm chung của các tàu chiến là gọn, nhỏ để tăng khả năng cơ động trong tác chiến trên biển. HQ 377 và HQ 378 là loại tàu chiến cao tốc, được mệnh danh là “sát thủ diệt hạm trên biển” nên không gian trống trên tàu càng ít.
Trong khí trời oi nồng của cái nắng chang chang mùa hè phương Nam, các cán bộ, nhân viên tàu HQ 377 và HQ 378 vẫn miệt mài luyện tập.
Tại vị trí luyện tập thực hành khai thác máy, những người lính hải quân vận động nhanh, nhịp nhàng, phối hợp ăn khớp với khẩu lệnh đanh, gọn, dứt khoát của chỉ huy. Tàu hầu như được điều khiển bằng điện tử, người lính chỉ phải thao tác trên bảng điện, màn hình, bật công tắc, bấm nút... nhưng ai nấy cũng đầm đìa mồ hôi.
Huấn luyện trên biển thường là những chuyến đi dài ngày, tuy vất vả nhưng nếu chuẩn bị kỹ thì đó là những chuyến đi gặt hái được nhiều điều.
Trung tá Phạm Tiến Dũng, Thuyền trưởng tàu HQ 378 cho biết, trong huấn luyện đi biển dài ngày cần sự phối hợp giữa các bộ phận, từ công tác chính trị, kỹ thuật đến hậu cần.
Tư tưởng của bộ đội phải vững, máy móc phải vận hành ổn định, an toàn và phải đảm bảo đời sống của bộ đội trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
“Mỗi cán bộ, nhân viên và chiến sĩ tàu không chỉ cần giỏi về chuyên môn mà còn bền về sức khỏe. Không giỏi, không bền thì khó vượt được sóng, thắng được gió trên biển” - Trung tá Dũng chia sẻ.
ĐIỂM DANH VŨ KHÍ SIÊU HIỆN ĐẠI CỦA QUÂN ĐỘI VIỆT NAM