Lưu ý với giáo án điện tử

GD&TĐ - Giáo án điện tử tăng tính sinh động của giờ dạy, nhưng lạm dụng sẽ tác dụng ngược. Cần xây dựng, sử dụng giáo án điện tử như thế nào cho phù hợp?

Thầy Lê Văn Hùng trong giờ dạy sử dụng giáo án điện tử.
Thầy Lê Văn Hùng trong giờ dạy sử dụng giáo án điện tử.

Cần rõ lợi, hạn của giáo án điện tử

Thầy Lê Văn Hùng, giáo viên dạy Vật lí, Trường THPT Lam Kinh (Thọ xuân Thanh Hóa) cho rằng, giáo án điện tử mang lại nhiều lợi ích. Theo đó, với những slide, hình ảnh, âm thanh, những trò chơi vui bằng ô chữ, mô hình, thí nghiệm ảo... giáo án điện tử khiến bài học rất sinh động, cuốn hút học trò học tập sôi nổi. Tiết học trở nên nhẹ nhàng, không nhàm chán, học sinh dễ tiếp thu, học nhanh và hiểu bài.

Tiết giáo án điện tử dạy mẫu thường có giáo viên tới dự, góp ý, phân tích đánh giá rất nghiêm túc, rút kinh nghiệm cho các đồng nghiệp học hỏi.

Giáo viên có thể mang giáo án điện tử đi bất cứ đâu bằng cách lưu vào thẻ nhớ, USB, điện thoại, máy tính xách tay… thay vì ghi vào vở như trước đây. Giáo án điện tử cũng dễ dàng, thuận tiện lưu trữ trên thư viện elearning, trên zalo, facebook... và trao đổi kiến ​​thức chuyên môn với đồng nghiệp.

Tuy có nhiều lợi ích, nhưng theo thầy Lê Văn Hùng, hiện nay một số thầy cô vẫn “lạm dụng” giáo án điện tử, dẫn tới lợi bất cập hại.

Một là, giáo viên dạy bằng giáo án điện tử thường ngồi một chỗ, nhìn vào màn hình máy tính, gõ phím, ít bao quát và đối thoại với học sinh. Điều này vô tình làm mất đi không khí gần gũi, ấm áp thân tình giữa thầy và trò.

Hai là, học sinh quá chăm chú vào việc trình chiếu hình ảnh, slide lướt nhanh, không lưu lại nội dung vào vở kịp dẫn đến việc ôn lại bài gặp nhiều khó khăn.

Ba là, sử dụng giáo án điện tử làm giáo viên lệ thuộc vào bộ nhớ của máy tính, không chú ý đến rèn luyện “bộ nhớ” của chính mình. Dần dần theo thói quen nhờ máy tính “nói” hộ đã ảnh hưởng tới cách diễn đạt, ngôn ngữ bị thui chột, kiến thức bị mài mòn...

Bốn là, đối với các môn khoa học tự nhiên như Vật Lí, Hóa Học,... đòi hỏi phải thực hiện các thí nghiệm đặc thù, thông qua các thí nghiệm thực tế học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức, nhận thức các hiện tượng một cách trực quan, sinh động, tránh việc các em xa rời thực tế. Nếu sử dụng nhiều giáo án điện tử đối với các bộ môn này làm học sinh thấy kiến thức trừu tượng, khó tiếp thu.

Giáo viên sẽ khó thực hiện được bài dạy với giáo án điện tử nếu xảy ra các sự cố như mất điện, lỗi kỹ thuật…

“Với môn Vật lí, trong một tiết dạy, chỉ nên xem giáo án điện tử là một phương tiện sử dụng trong các trường hợp trình chiếu thí nghiệm ảo (thí nghiệm thật khó thực hiện), mô hình những hình ảnh (mang tính chất minh họa), đề bài tập (trong tiết bài tập)...”, thầy Lê Văn Hùng chia sẻ.

Cách xây dựng giáo án điện tử chất lượng

Theo thầy Lê Văn Hùng, hiện nay, không ít giáo viên gặp khó khăn trong soạn giáo án điện tử vì việc này tốn nhiều thời gian và đòi hỏi một số kĩ năng sử dụng máy tính như chọn màu chữ, kiểu chữ, hiệu ứng, màu nền, âm thanh, hình ảnh…

Chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng được giáo án điện tử có chất lượng, thầy Lê Văn Hùng cho rằng, trước hết cần thiết kế giáo án phù hợp với đối tượng học sinh. Việc bổ sung những hình ảnh, video là cần thiết để giúp bài giảng trở nên hấp dẫn khiến học sinh thích thú và chú ý với bài học.

Thầy cô cũng nên quan tâm sử dụng các câu hỏi tương tác phù hợp với nội dung bài học. Những câu hỏi này sẽ giúp học sinh chú ý và tạo hứng thú với bài giảng nhiều hơn. Giáo viên có thể cho điểm hoặc không cho điểm khi học sinh trả lời câu hỏi.

Để thiết kế giáo án đẹp mắt, các slide cần phải chú ý như kiến thức chuẩn, ngôn ngữ chuẩn, không nên quá dài dòng để học sinh dễ dàng hiểu được nội dung giáo viên muốn truyền tải. Việc chèn thêm âm thanh, video clip cũng là cách giúp giáo án điện tử hấp dẫn, sinh động, cuốn hút.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ việc.

Sập cầu khi đang thi công ở Hà Giang

GD&TĐ - Cây cầu mới khởi công xây dựng vài tháng với kinh phí đầu tư khoảng 3 tỷ đồng, bị sập khi đang thi công ở huyện Vị Xuyên, Hà Giang.