Đề có tính phân hóa, một số câu hỏi phải vận dụng thực tế
Theo Thạc sỹ Phan Trọng Hải, Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ, Bến Tre, đề tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2024 môn Toán có cấu trúc tương tự đề thi tốt nghiệp THPT các năm gần đây.
Trong đó, đa số các câu hỏi đều thuộc phần kiến thức lớp 12, chỉ có khoảng 3 câu thuộc phần kiến thức lớp 11.
Có khoảng 11 câu hỏi mang tính phân loại thí sinh. Với 11 câu này, một số dạng đã xuất hiện trong đề thi các năm trước; thí sinh phải biết suy luận, tính toán mới có thể giải đúng.
Ngoài ra, đề tham khảo có một số câu hỏi thực tế đòi hỏi học sinh phải biết phân tích, tổng hợp và suy luận cao mới có thể giải được.
Tóm lại mức độ của đề tham khảo phù hợp với nội dung, Chương trình 2006 và có sự phân hóa từng đối tượng học sinh.
Cũng nhận định đề tham khảo môn Toán, Thạc sỹ Nguyễn Thị Hoài Thu – Tổ phó chuyên môn Toán, Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) cho biết: Đề vẫn bao gồm 50 câu hỏi, thời gian làm bài 90 phút và tuân thủ cấu trúc nội dung như Bộ GD& ĐT đã công bố.
Trong đó, 10% câu hỏi (5 câu) thuộc chương trình lớp 11: Hoán vị - tổ hợp - chỉnh hợp, xác suất, cấp số nhân - cấp số cộng, hình học không gian (góc và khoảng cách), và 90% (45 câu hỏi) thuộc chương trình lớp 12.
Số lượng câu thuộc chương trình học kỳ I lớp 12 chiếm tỷ lệ nhiều hơn, gồm 24 câu hỏi (ứng dụng đạo hàm: 10 câu, hàm số mũ và logarit: 8 câu, khối đa diện: 3 câu, khối tròn xoay: 3 câu).
Mức độ khó 37 câu đầu cơ bản vẫn như mọi năm, những câu sau tăng mức độ phân hoá rõ ràng. Đặc biệt, điểm khác biệt so với đề minh hoạ mọi năm cũng như đề thi thật những năm gần đây là đề có 2 câu vận dụng thực tế.
Điều này sẽ khiến cho học sinh khó đạt điểm tối đa vì đa phần kỹ năng vận dụng Toán vào thực tế của học sinh chưa cao. Sự phân hóa này của đề thi phù hợp với mục tiêu của kỳ thi là ngoài xét tốt nghiệp THPT còn làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
Thầy Lưu Huy Thưởng. |
Cần rất thành thạo kiến thức, kỹ năng làm bài mới đạt điểm cao
Theo thầy Lưu Huy Thưởng, giáo viên Toán, Hệ thống Giáo dục Hocmai, đề tham khảo môn Toán năm 2024 bám sát cấu trúc và dạng thức của đề thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây.
Theo đó, các câu hỏi trong đề thi chủ yếu thuộc chương trình lớp 12 (khoảng 90%) và khoảng 10% thuộc chương trình lớp 11.
Câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 đều là các dạng quen thuộc mà học sinh đã được làm quen và tiếp cận thuộc các chủ đề dãy số, tổ hợp, xác suất, góc và khoảng cách trong không gian.
Các câu hỏi thuộc chương trình lớp 12 trải đều 7 chủ đề của chương trình: Hàm số, Mũ và lôgarit, Nguyên hàm, tích phân, Số phức, Khối đa diện, Khối tròn xoay, Hình học giải tích trong không gian.
Độ khó của đề tương đương với đề tốt nghiệp năm 2023. Cụ thể, 38 câu đầu tiên là các câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết – thông hiểu. Học sinh chỉ cần nắm vững nền tảng kiến thức là có thể dễ dàng giải quyết.
5 câu hỏi cuối mang tính phân loại và nằm ở phần kiến thức lớp 12 thuộc các chủ đề Mũ và lôgarit, Số phức, Ứng dụng tích phân, Hàm số, tích hợp Khối tròn xoay và hình học giải tích trong không gian.
Các câu hỏi vận dụng – vận dụng cao hầu hết là các dạng bài quen thuộc đã từng xuất hiện trong các đề thi chính thức hoặc đề thi của các trường, các Sở GD&ĐT (như giá trị lớn nhất, nhỏ nhất của hàm lôgarit, cực trị của hàm số, min – max môđun số phức…).
Nhưng để có thể hoàn thành trọn vẹn bài thi trong thời gian cho phép đòi hỏi học sinh cần rất thành thạo các kiến thức và kĩ năng làm bài (tính toán, biến đổi, sử dụng máy tính để tính toán,...).
Học sinh cần lưu ý, các câu hỏi thuộc phần vận dụng cao giữa đề tham khảo và đề thi thật có thể thay đổi về dạng toán và độ khó.
Vì vậy, với những học sinh đặt mục tiêu 9+ đề tốt nghiệp, ngoài việc luyện tập chăm chỉ với các dạng bài trong đề tham khảo thì cũng cần mở rộng phạm vi với các dạng toán vận dụng cao khác, không có trong đề tham khảo.
“Tóm lại, đề thi tham khảo Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024 vẫn mang cấu trúc ổn định. Về hình thức, đề gồm 50 câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn; mỗi câu hỏi có 4 đáp án, học sinh chọn 1 đáp án đúng; thời gian làm bài 90 phút.
Ổn định phạm vi kiến thức: Các kiến thức trong đề chủ yếu là chương trình lớp 12 (khoảng 90%), kiến thức lớp 11 (khoảng 10%).
Ổn định về cấu trúc: Phần lớn đề thi ở mức Nhận biết - Thông hiểu (khoảng 75%), 10% vận dụng cao, phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp và một phần xét tuyển vào các trường đại học”, thầy Lưu Huy Thưởng nhận định.