Đề tham khảo Ngữ văn có mức độ câu hỏi và cấu trúc quen thuộc

GD&TĐ - Đề tham khảo Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ nguyên cấu trúc, định dạng và mức độ câu hỏi như năm 2023.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT.

Cấu trúc, mức độ đề ổn định

Nhận định về đề tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cô Vương Thúy Hằng, Hệ thống Giáo dục Hocmai cho biết: Về cơ bản, đề thi giữ nguyên cấu trúc, định dạng và mức độ câu hỏi như năm 2023. Điều này sẽ là thuận lợi lớn cho học sinh đang theo học lớp 12.

Cụ thể, đề có cấu trúc 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn. Các câu hỏi đi kèm ngữ liệu không thay đổi về số lượng.

Phần đọc hiểu (3 điểm): Văn bản Những đám mây cuối trời của tác giả Đoàn Văn Mật là ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa, thuộc thể loại thơ trữ tình.

Bằng việc lấy hình ảnh trung tâm là những đám mây với sự “dạt”, “bay”, “ghì”… đi qua những cảm xúc khác nhau và rồi khiến ta kinh ngạc, tác giả đã thể hiện sự nhìn nhận, quan điểm sống của bản thân mình.

Đây là văn bản tương đối dễ đọc, ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, hình ảnh quen thuộc nên các thí sinh tương đối thuận lợi trong việc giải nghĩa nội dung.

Với 3 câu hỏi kiểm tra kiến thức văn học và khả năng đọc hiểu (xác định thể loại, nhận diện biện pháp tu từ, nêu nội dung của một đoạn thơ) được phân theo cấp độ nhận biết – thông hiểu – vận dụng, thí sinh có thể hoàn thành việc trả lời trong vòng 10 phút đầu tiên.

Ở câu hỏi số 4 yêu cầu trả lời ngắn gọn bài học về lẽ sống cho bản thân được rút ra sau khi đọc đoạn trích, thí sinh chỉ cần đảm bảo yêu cầu về diễn đạt nội dung (câu văn không mắc lỗi dùng từ, diễn đạt, ngữ pháp) và thể hiện được quan điểm của cá nhân; đây không phải nội dung hỏi khó và cũng là dạng bài rất quen thuộc.

Phần Làm văn (7 điểm): Giữ nguyên cấu trúc đề thi với 2 câu hỏi để đánh giá kiến thức, kĩ năng của thí sinh trong việc Viết đoạn văn nghị luận xã hội và Viết bài văn nghị luận văn học.

Ở câu hỏi 1 (2 điểm), thí sinh cần viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày ý nghĩa của thái độ sống tích cực trước những thử thách với yêu cầu: đảm bảo đúng nội dung (ý nghĩa thái độ sống tích cực, dẫn chứng phù hợp, mạch lạc về ý) và hình thức của một đoạn văn (các câu văn viết liền mạch, lùi đầu dòng đầu tiên).

Đối với học sinh lớp 12 yêu cầu này khá dễ dàng để hoàn thành nhưng với dung lượng ngắn, đề thi sẽ không có sự phân loại rõ ràng về chất lượng bài thi.

Câu hỏi 2 (5 điểm) sử dụng một đoạn trích từ tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của Hoàng Phủ Ngọc Tường với hai yêu cầu: phân tích đoạn trích và sau đó nhận xét về tình cảm của nhà văn với dòng sông Hương.

Một văn bản quen thuộc, nằm trong danh sách những tác phẩm trọng tâm của lớp 12, nội dung yêu cầu đã được học – ôn luyện rất kỹ ở chương trình trên lớp nên dù là ký và được nhận xét là khó thích, khó đọc nhưng để đa số các thí sinh vẫn sẽ hoàn thành ở mức độ khá.

Cô Vương Thúy Hằng.
Cô Vương Thúy Hằng.

Thuận lợi cho học sinh

Đưa nhận xét chung, cô Vương Thúy Hằng cho rằng: Từ phân tích đề tham khảo có thể thấy, cấu trúc, ngữ liệu và nội dung hỏi trong đề thi tương đối quen thuộc, không hề khó. Nếu có quá trình ôn luyện tốt, nắm vững các yêu cầu về việc đọc – hiểu văn bản văn học, kĩ năng viết bài văn nghị luận các thí sinh dễ dàng đạt được 7,5 – 8,25 điểm.

Đối với học sinh sinh năm 2006, đây có lẽ là sự thuận lợi vì các em sẽ không quá lo lắng cho kỳ thi tốt nghiệp mà có thể dành nhiều thời gian hơn cho những kỳ thi tuyển sinh, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đang được triển khai.

Đối với học sinh sinh năm 2007, nhiều bạn mong muốn có thể tham khảo đề thi này (kết hợp với đề minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 được công bố trước đây) để bắt đầu hình dung về quá trình ôn tập của mình thì hãy chú ý tới yêu cầu quan trọng khi làm bài chính là dung lượng bài viết.

Trong chương trình học ở nhóm bài học về kĩ năng Viết, các em được luyện tập viết bài văn nhưng đề thi chỉ yêu cầu viết đoạn văn; vì vậy, cần đặc biệt lưu tâm tới hình thức và cách triển khai ý để tránh lan man, sai yêu cầu dẫn tới mất điểm khi làm bài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ