Bám sát kiến thức cơ bản, tham khảo tài liệu có chất lượng
Với môn Ngữ văn, các thầy cô Trường Trần Văn Lan bên cạnh bám sát các công văn chỉ đạo của Bộ/Sở GD&ĐT, của trường và tổ chuyên môn còn xây dựng kế hoạch ôn tập khoa học, cụ thể, chi tiết theo từng giai đoạn.
Sau đó, phân hóa nhóm đối tượng học sinh để ôn tập phù hợp với mức độ nhận thức của học sinh với mục tiêu ôn đến đâu chắc đến đó.
Về nội dung kiến thức, bám sát kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, bám sát tinh thần đổi mới của Bộ GD&ĐT. Dạy học sinh cách tham khảo tài liệu có chất lượng, phân loại các dạng câu hỏi, để vận dụng kiến thức vào giải quyết các dạng câu hỏi, bài tập.
Cùng với đó, giáo viên hướng dẫn học sinh cách tư duy khoa học, đặc biệt là dạy kĩ năng làm các dạng bài. Giao nhiệm vụ về nhà hàng ngày; kiểm tra, chấm, chữa kịp thời: cần có bài tập tự luyện và bài tập dạng vận dụng.
Việc hướng dẫn cho học sinh cách tự học, tự hệ thống lại kiến thức và rèn luyện kỹ năng làm bài cũng được lưu ý. Đặc biệt, nhắc nhở học sinh biết xen kẽ việc học với thời gian thư giãn, giải trí, tránh quá tải.
Lưu ý kĩ năng làm bài theo đặc thù bộ môn
Với các môn học nói chung, môn Ngữ văn nói riêng, học sinh cần phân bổ thời gian làm bài cho hợp lí (ví dụ, phần đọc hiểu 20 phút, nghị luận xã hội 30 phút, nghị luận văn học 70 phút), vì thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng kiến thức và điểm số của từng câu.
Phần đọc hiểu, học sinh lưu ý: Đọc được nội dung, chi tiết tiêu biểu và tư tưởng của văn bản; phân tích giá trị giáo dục và thẩm mĩ. Chú ý gạch chân, ghi chú những từ ngữ quan trọng từ đó học sinh nhận diện, tìm ý để trả lời. Trả lời lần lượt từng câu, không được bỏ sót.
Phần nghị luận xã hội: Yêu cầu của đề thường mở; vấn đề nghị luận được rút ra từ ngữ liệu đọc hiểu, khá gần gũi và thiết thực với học sinh. Học sinh thoải mái trình bày quan điểm cá nhân miễn sao phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và xã hội. Để viết sâu sắc học sinh cần biết kết hợp các thao tác lập luận và đảm bảo dung lượng 200 chữ.
Phần nghị luận văn học: Cần thuộc thơ, nhớ truyện; phân tích chi tiết trong quan hệ quy chiếu; hiểu đặc trưng thể loại; đánh giá được yếu tố hình thức. Học sinh cũng cần thành thạo các kĩ năng nghị luận; biết vận dụng kiến thức đọc hiểu tác phẩm, biết vận dụng các thao tác lập luận thành thạo để tạo lập văn bản.