Tạo hứng thú học Văn bằng dạy trong không gian mở

GD&TĐ - Mỗi giờ lên lớp là bao tâm huyết, đau đáu, miên man của người thầy làm thế nào thổi một làn gió mới cho môn học mà học sinh đã nhàm chán. Làm sao để thực dụng thị trường không len lỏi phá bỏ những giá trị tốt đẹp của văn học? Làm sao để “kéo” các em về với văn chương? Làm sao để đốt lửa đam mê?

Tiết dạy “Viết quảng cáo” tại Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng
Tiết dạy “Viết quảng cáo” tại Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

Tích cực đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học là nhiệm vụ chung của toàn ngành giáo dục; mà đặc biệt là với môn Văn khi học sinh ngày càng thờ ơ, bỏ bê, chối bỏ. Trước thực trạng trên, những giáo viên Ngữ văn đã cố gắng kiếm tìm những hình thức dạy học hấp dẫn, mới mẻ, phù hợp với từng kiểu bài, mang đến cho học sinh nhiều trải nghiệm thú vị, tạo cơ hội kích thích sự sáng tạo, chủ động của học sinh.

Và vì thế, những tiết học không bảng đen, phấn trắng, không bàn ghế, không trói buộc trong bốn bức tường được học sinh chào đón, mong chờ. Đưa các em đến với một không gian mở, được ngồi học trên bãi cỏ xanh trong nhà trường, được đi đến tận nơi, nhìn tận mắt các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, được lắng nghe, quan sát trực tiếp những mảnh đời, số phận bất hạnh…, đã bước đầu được áp dụng trong từng tiết học Văn.

Mục đích của việc dạy học ngoài trời là nhằm đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, tạo hứng thú trong giờ học; giúp học sinh rèn luyện các kĩ năng cần thiết, vận dụng kiến thức vào đời sống thực tiễn. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học môn Ngữ văn.

Chương trình Ngữ văn THPT có những bài học gần gũi với thực tế, chú trọng vào việc rèn luyện kĩ năng cho học sinh như các tiết học về văn thuyết minh, Trình bày một vấn đề, Viết quảng cáo (lớp 10), Bản tin, Luyện tập viết bản tin, Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn (lớp 11), Phát biểu theo chủ đề, Phát biểu tự do (lớp 12)… Với những bài học này, giáo viên đã tạo một sân chơi mới để học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo trong giờ học. Các em được hóa thân là nhà báo, là phóng viên, nhà diễn thuyết, chuyên gia quảng cáo…

Các em được trao quyền thể hiện khả năng của bản thân, trình bày chính kiến, suy nghĩ, đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng để đồng tình hoặc bác bỏ một quan niệm, một hiện tượng… Đặc biệt hơn, các em được đến gần với thiên nhiên, được hít thở không khí trong lành, được đến với góc sân và khoảng trời tưởng quen mà lạ. Hình thức tổ chức dạy học này đã được Tổ Ngữ văn Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng áp dụng trong ba năm học qua.

Học sinh khối 10 Trường THPT Hòa Vang, Đà Nẵng đến thăm Trung tâm chất độc màu da cam
Học sinh khối 10 Trường THPT Hòa Vang, Đà Nẵng đến thăm Trung tâm chất độc màu da cam 

Ngoài ra, để hiện thực hóa những kiến thức sách vở, các thầy cô giáo còn đưa học sinh đến các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh địa phương, đặc biệt hơn là những mái ấm tình thương, những trại trẻ mồ côi, những nơi mà dấu tích chiến tranh còn hiện hữu…, giúp các em cảm nhận rõ nét cuộc sống đời thường, đời thực mà lâu nay chỉ được miêu tả qua những trang văn, trang thơ.

Trong tháng 9/2018, Trường THPT Hòa Vang, Đà Nẵng đã tổ chức hoạt động ngoại khóa với chủ đề "Cuộc sống quanh ta" dành cho học sinh khối 10. Trong đó, học sinh được đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ngay tại khu vực các em đang sinh sống. Được quan sát, được lắng nghe trực tiếp những câu chuyện cuộc đời có thật, các em học sinh đã có nhiều thay đổi về nhận thức, suy nghĩ và hành động. Đây là một hoạt động mang tính nhân văn phù hợp với đặc trưng bộ môn Ngữ văn nên cần được nhân rộng trong các đơn vị trường học.

Có thể khẳng định, dạy học ngoài không gian lớp học là một hình thức dạy học có nhiều ưu điểm, không những góp phần phát huy được tính tích cực, khả năng tư duy, sáng tạo, các kĩ năng của người học mà còn góp phần giáo dục các em lòng yêu quê hương, đất nước, yêu thiên nhiên, biết bảo vệ môi trường sống. Tích cực đổi mới, gom góp từng ngày, các thầy cô giáo luôn ấp ủ hi vọng ngọn lửa đam mê văn chương trong các em sẽ lại được thổi bùng lên cùng khát vọng sống đẹp, sống có ích cho xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.