Ôn thi trong giai đoạn nước rút

GD&TĐ - Không chỉ là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cô Lê Thị Châu Dương - GV Ngữ văn Trường THPT Trại Cau (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) còn là điển hình tiên tiến của ngành GD. Với hơn 15 năm đứng trên bục giảng, cô Dương “bật mí” một số kinh nghiệm ôn thi trong giai đoạn nước rút.

Nhận biết cấu trúc đề, luyện đề là khâu vô cùng quan trọng. Ảnh: Sỹ Điền
Nhận biết cấu trúc đề, luyện đề là khâu vô cùng quan trọng. Ảnh: Sỹ Điền

Luyện đề để “nâng trình”

Theo cô Dương, còn hơn một tháng nữa là đến Kỳ thi THPT quốc gia, thời điểm này các em nên có kế hoạch học tập, ôn thi hợp lý để đạt kết quả cao. Cụ thể: Về mặt kiến thức Ngữ văn: Các em cần hệ thống lại tất cả các nội dung bài học theo từng chủ đề, thể loại. Tương ứng với chủ đề là hoàn cảnh sáng tác.

Mỗi bài học các em nên khái quát lại bằng các ý cơ bản theo sơ đồ tư duy hoặc sơ đồ bảng. Vì đó là nội dung cơ bản nhất của văn bản, giúp các em “có ý” trong mỗi bài văn. Với văn bản thơ, các em không cần học thuộc (vì trong đề thi đã ghi đầy đủ đoạn/ bài thơ) nhưng phải nhớ ý của từng khổ thơ, lưu ý một vài từ ngữ, hình ảnh quan trọng. Với văn bản văn xuôi tự sự, các em phải nhớ cốt truyện, nhân vật, sự việc, chi tiết tiêu biểu, một số biện pháp nghệ thuật. Vì khi phân tích các em phải có các chi tiết, sự việc làm dẫn chứng trong bài văn; nhận biết các biện pháp nghệ thuật để hiểu dụng ý nhà văn gửi gắm tư tưởng, tình cảm trong đó.

Thực tế, nhiều bạn HS vẫn sợ học văn vì quan niệm rằng, học văn là phải viết được dài thì điểm mới cao. Theo cô Dương, bài làm văn không hoàn toàn như vậy. Trước hết bài văn phải bảo đảm các ý cơ bản như: Tìm được ý vì khi có ý mới viết được nhiều. Sau đó là yêu cầu về cách diễn đạt.

Cô Lê Thị Châu Dương. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cũng theo cô Dương, thời điểm này, các em nên bắt tay vào luyện đề để “nâng trình” cho mình trước khi bước vào kỳ thi. Cô Dương nhấn mạnh: Nhận biết cấu trúc đề, luyện đề là khâu vô cùng quan trọng. Do vậy, nếu bạn nào chưa bắt tay vào luyện đề cần làm ngay. Việc luyện đề sẽ mang lại nhiều bổ ích như: Các em sẽ nắm bắt được các kiểu câu hỏi (yêu cầu của đề bài) theo cấu trúc đề môn Ngữ văn năm 2019. Ngoài ra, các em sẽ biết cách phân bố thời gian hợp lí cho từng câu hỏi tương ứng với số điểm cho từng câu. Sau đó các thầy, cô chữa đề để, các em sẽ rút kinh nghiệm cho mình trong cách nhận biết, cách trình bày ở mỗi dạng câu hỏi.

Ở phần đọc hiểu, ngữ liệu trong đề thường là các vấn đề chính trị, đạo đức xã hội, có tính thời sự; do vậy HS càng đọc nhiều ngữ liệu sẽ giúp nhận biết vấn đề trong đề thi được dễ dàng hơn.

Đối với phần làm văn, việc luyện viết đoạn nghị luận xã hội giúp các em thuộc “công thức” của đoạn văn, khi làm bài thi sẽ không bị thiếu ý. Với bài nghị luận văn học, do cấu trúc đề năm 2019 có thay đổi so với năm 2018, nên các em cũng phải tập làm, quan trọng nhất là khâu lập dàn ý để nhớ các ý cần có đáp ứng yêu cầu đề. Về đề thi, HS có thể tự khai thác thêm trên Internet đề thi thử của các trường THPT trên toàn quốc.

Mẹo “ăn điểm” bài nghị luận

Qua nghiên khảo sát nghiên cứu, cô Dương cho biết: Những năm gần đây, đề thi môn Ngữ văn đều có phần nghị luận xã hội. Để “ăn điểm” với câu hỏi phần nghị luận xã hội, một số vấn đề các em cần lưu ý: Về hình thức: Phải trình bày đúng cấu trúc đoạn văn như: Bài nghị luận thường là một đoạn, viết hoa chữ cái đầu dòng và lùi một chữ so với dòng trên, chấm hết đoạn… Các em không nhầm sang bài văn gồm: Mở bài, thân bài, kết luận. Nếu các em làm đúng phần này sẽ được 0,25 điểm. Bài thi phải trình bày sạch đẹp, rõ ràng, không gạch xóa, không sai lỗi chính tả. Bảo đảm yêu cầu này sẽ được 0,25 điểm. Đề bài hỏi gì, yêu cầu gì, nhớ nhắc đến vấn đề đó trong đoạn văn. Làm như vậy là “đúng vấn đề nghị luận” các em sẽ được 0,25 điểm.

Với lưu ý trên, các em chưa cần suy nghĩ nhiều về việc sẽ viết gì trong đoạn văn là đã có 0,75 điểm rồi. Còn 0,25 điểm dành cho các em có quan điểm riêng, cách diễn đạt mới, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

“Môn Ngữ văn cũng cần có phương pháp, cách thức làm cho từng dạng bài giống như các môn học tự nhiên. Nếu các em nắm được phương pháp của từng dạng bài, các em sẽ tự tin trước bất cứ đề văn nào. Nếu như đối với Toán, Lý, Hóa các em  phải nhớ rất nhiều công thức, thì với môn Ngữ văn, các em chỉ cần nhớ rất ít “công thức” mà có thể dùng viết cho nhiều đề bài khác nhau”.
  
Cô Lê Thị Châu Dương

Về nội dung của bài nghị luận, cô Dương lưu ý phần nội dung sẽ triển khai trong đoạn văn. Phần này thông thường sẽ được 1,0 điểm. Các em cố gắng nhớ “sơ đồ” về đoạn văn thì việc triển khai sẽ rất dễ dàng. Ví dụ, trong đoạn văn 200 chữ được triển khai khoảng 7 câu văn, mỗi câu có “nhiệm vụ” riêng như sau: Câu 1: Nêu trực tiếp vấn đề cần nghị luận (ở đề bài). Câu 2, 3, 4: Chỉ ra các biểu hiện của vấn đề, đưa dẫn chứng cụ thể. Câu 5: Đánh giá vấn đề tốt/xấu. Câu 6: Mở rộng vấn đề, nêu lên hiện tượng trái ngược và vấn đề đang bàn thảo. Câu 7: Nêu bài học nhận thức và hành động, rồi liên hệ bản thân.

“Trên đây là mô hình minh họa cho một đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 từ. Các em có thể linh hoạt về số câu ở mỗi phần, nhưng nhớ phải bảo đảm các ý như trên mới có thể đạt điểm tối đa” - cô Dương nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, các em không nên để mất điểm chỉ vì những lỗi không đáng có.

Bỏ một số câu không làm trong đề thi; Không đọc kĩ đề dẫn đến trả lời chưa đủ ý, chưa đáp ứng hết yêu cầu ở đề bài; Phân bố thời gian không hợp lí, mất quá nhiều thời gian vào câu ít điểm; thiếu thời gian, làm sơ sài hoặc không đủ ý ở câu nhiều điểm; Không lập dàn ý trong bài nghị luận văn học dẫn đến thiếu ý hoặc ý lộn xộn; Làm không đúng cấu trúc đoạn nghị luận xã hội và cấu trúc bài nghị luận văn học dẫn đến mất 0,25 điểm về hình thức; Trình bày bẩn, viết cẩu thả, gạch xóa dẫn đến mất 0,25 điểm về hình thức ở cả đoạn văn nghị luận xã hội và bài văn nghị luận văn học… cũng là điều HS cần lưu ý - cô Dương cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ