Lưu ý học sinh ôn tập từ các đề tham khảo thi THPT quốc gia

Lưu ý học sinh ôn tập từ các đề tham khảo thi THPT quốc gia

Nghiên cứu đề tham khảo môn Giáo dục công dân, cô Trần Thị Xuân Hà - Giáo viên Trường THPT Mỹ Văn (Phú Thọ) nhận định đây là một đề thi rất hay, đảm bảo tính chính xác, khoa học, vừa sức với học sinh.

Đề có tính phân loại rất tốt, đáp ứng được yêu cầu xét tốt nghiệp và cả xét đại học, có tính thời sự cao, chủ yếu kiến thức lớp 12 (90%), kiến thức lớp 11 chiếm tỉ lệ nhỏ (chủ yếu là câu nhận biết) ở phần kinh tế, không có phần chính trị- xã hội, không có kiến thức lớp 10.

Về mức độ nhận thức, đề tham khảo năm 2019 có 30% là nhận biết, 30% thông hiểu, 40% vận dụng. So với đề thi THPT quốc gia năm 2018 thì đề tham khảo 2019 tăng số câu hỏi ở phần nhận biết, đặc biệt phần thông hiểu tăng từ 10% (2018) lên 30% (2019), giảm số câu hỏi vận dụng cao 30% (2018) xuống còn 15% (2019).

Với đặc thù môn Giáo dục công dân học sinh rất hay bị nhầm ở câu thông hiểu, vì vậy cô Hà lưu ý, với đề tham khảo này đòi hỏi học sinh phải nắm thật chắc kiến thức cơ bản mới có thể làm tốt được.

Đề tham khảo môn Hóa học, đánh giá của thầy Kiều Hưng - Tổ trưởng Chuyên môn Trường THPT Vĩnh Chân (Phú Thọ) – là có sự phân hóa, trong đó 60% số câu hỏi đầu dành cho phần xét tốt nghiệp.

Đây là những câu hỏi mà học sinh dễ dàng giành điểm. 40% câu hỏi sau dùng phân loại xét tuyển đại học, cuối đề có một vài câu hỏi tương đối khó. (Con số so sánh qua bảng tổng hợp trên).

Điểm mới của đề tham khảo 2019 môn Hóa học là câu hỏi phần vận dụng và vận dụng cao (câu 76, 77) nhằm khai thác tư duy hóa học sâu sắc giảm tính toán toán học, đi vào thực tiễn thí nghiệm, thực hành.

Kiến thức không phải độc lập ở lớp 10,11,12 riêng biệt; có những câu hỏi có sự giao thoa kiến thức lớp 10,11,12 thuộc dạng câu hỏi tổng hợp vô cơ hoặc hữu cơ.

Nhận định về đề tham khảo môn Địa lí, thầy giáo Bùi Nghĩa Hoàng - Tổ trưởng Chuyên môn Trường PT DTNT tỉnh Phú Thọ - cho biết: Đề có 15 câu hỏi kĩ năng, cụ thể:

Kĩ năng sử dụng Atlat: Học sinh cần nắm vững kĩ năng sử dụng Atlat; sử dụng đúng trang Atlat và đọc (gọi tên) chính xác đối tượng Địa lí theo yêu cầu là có thể đạt điểm tối đa (11 câu = 2,75 điểm).

Kĩ năng nhận xét biểu đồ, bảng số liệu (2 câu = 0,5 điểm): Học sinh cần nắm được kĩ năng so sánh các số liệu như: cao hơn – thấp hơn; nhanh hơn – chậm hơn, tăng – giảm…

Kĩ năng nhận dạng biểu đồ, chọn dạng biểu đồ (2 câu = 0,5 điểm): Học sinh cần biết được những từ khóa như: quy mô và cơ cấu – biểu đồ tròn, thay đổi cơ cấu – biểu đồ miền, tốc độ tăng trưởng – biểu đồ đường…

Với 25 câu hỏi lý thuyết, thầy Hoàng lưu ý, học sinh cần nắm vững chuẩn kiến thức kĩ năng, linh hoạt trong sử dụng Atlat và có sự liên hệ với thực tế.

Tìm được từ khóa trong câu dẫn để đưa ra đáp án đúng và đúng nhất:.

Ví dụ (câu 60 đề tham khảo 2019): Ý nghĩa chiến lược của các đảo và quần đảo nước ta về kinh tế là:

A. căn cứ để tiến ra khai thác nguồn lợi biển.

B. cơ sở để khẳng định chủ quyền vùng biển.

C. tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất liền.

D. làm điểm tựa để bảo vệ an ninh quốc phòng.

Từ khóa trong câu dẫn là ý nghĩa về “kinh tế” nên đáp án A là đúng duy nhất vì các đáp án còn lại là ý nghĩa về An ninh quốc phòng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ