Thay kiểm tra ghi nhớ kiến thức sang đánh giá kỹ năng nhận biết, hiểu bài
Phân tích đề tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cô Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, ở phần Đọc hiểu (4 điểm), đề tham khảo lựa chọn văn bản thơ trữ tình “Một thân cây một tàng lá một bông hoa” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây là ngữ liệu nằm ngoài 3 bộ sách giáo khoa, bảo đảm đúng yêu cầu chọn ngữ liệu kiểm tra, đánh giá Bộ GD&ĐT.
Thí sinh đọc văn bản, thực hiện yêu cầu trả lời 5 câu hỏi với các cấp độ: nhận biết – thông hiểu – vận dụng – vận dụng cao.
Phần Đọc hiểu có cấu trúc giống như đề minh họa được công bố cuối năm 2023. Theo đó, nội dung câu hỏi 1: Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của đoạn trích? và câu hỏi 2: Xác định hình ảnh được sử dụng để so sánh với cây liễu xưa trong đoạn trích? thuộc cấp độ nhận biết. Tuy nhiên, cách đặt lệnh hỏi khác những câu hỏi thường gặp trong các năm trước (xác định thể thơ của đoạn trích trên…), cho thấy sự thay đổi từ kiểm tra ghi nhớ kiến thức sang đánh giá kĩ năng nhận biết, hiểu bài của học sinh.
Ba câu hỏi tiếp theo câu hỏi với nội dung, cách đặt lệnh quen thuộc, thí sinh không gặp khó khăn khi làm bài, có thể hoàn thành phần Đọc hiểu trong khoảng 20 – 25 phút.
Phần Viết chiếm tỷ lệ 60%, với yêu cầu thí sinh viết 1 đoạn văn nghị luận văn học (2 điểm), phân tích hình ảnh Hà Nội qua cảm nhận của nhân vật trữ tình anh trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu và 1 bài văn nghị luận xã hội khoảng 600 chữ, trình bày suy nghĩ của bản thân về sức ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo trong đời sống.
So sánh với đề minh họa được công bố cuối năm 2023, đề tham khảo đã có sự thay đổi: từ làm rõ đặc điểm của thể loại sang phân tích nội dung đây là những thay đổi phù hợp, giảm áp lực tâm lí cho học sinh bởi yêu cầu của đề các em đã làm quen và thực hành trong quá trình học bộ môn.
Đề tham khảo cũng không sử dụng ngữ liệu khác ở câu hỏi này mà dùng chính văn bản ở phần Đọc hiểu giúp thí sinh dành thêm thời gian cho phần Viết, việc liên kết các câu hỏi ở phần Đọc hiểu và Viết tạo lợi thế cho các em trong quá trình làm bài được liền mạch, dễ khơi gợi cảm xúc hơn.
Câu nghị luận xã hội đặt ra yêu cầu viết bài văn 600 chữ bàn về chủ đề trí tuệ nhân tạo, đây là vấn đề quen thuộc, gần gũi được nhắc đến nhiều trong đời sống. Việc lựa chọn dẫn chứng, đưa ra ý kiến bàn luận không quá khó khăn với thí sinh, các em nắm vững kỹ năng trình bày, có hiểu biết xã hội sẽ giúp tạo ra những bài viết ấn tượng.
Bên cạnh đó, muốn đạt 4 điểm câu này, học sinh cần đưa ra những dẫn chứng điển hình, có tính thời sự, thuyết phục để lại ấn tượng cho giám khảo. Các thao tác lập luận vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo. thể hiện rõ quan điểm của người viết.
Rèn luyện thường xuyên là bắt buộc
Để hiểu và có những cảm nhận sâu sắc về một tác phẩm, cô Nguyễn Thị Hương Giang nhấn mạnh, việc rèn luyện thường xuyên là điều bắt buộc.
Học sinh cần trau dồi, thực hành kỹ năng, thể hiện suy nghĩ của bản thân bằng ngôn ngữ nói và viết. Trong quá trình học, ôn tập, khi gặp một tác phẩm bất kỳ, các em không thể chỉ tập trung nhìn đề, bắt tay vào làm ngay lập tức theo bản năng mà phải có sự quan sát, nhận biết tác phẩm để lắng nghe, thấu hiểu tình cảm, thông điệp được tác giả thể hiện.
Thí sinh cần đọc kỹ ngữ liệu, xác định được vấn đề trọng tâm bao trùm văn bản, nhận diện đề tài, chủ đề của văn bản, nắm chắc những đặc trưng cơ bản của thể loại qua tác phẩm.
Khi viết, học sinh cần làm rõ cấu tứ, đặc điểm nhân vật, ngôi kể, điểm nhìn trần thuật, mạch cảm xúc chi phối diễn biến tâm trạng, hành động của nhân vật/nhân vật trữ tình trong tác phẩm để cảm nhận cảm xúc, tư tưởng của người viết trước đối tượng đang được hướng tới.
Trong quá trình học, luyện viết, thí sinh rèn luyện năng lực cảm thụ bằng cách đặt ra các câu hỏi về nhân vật, suy ngẫm ý nghĩa từ những lời nói, hành động, cử chỉ của họ; hiểu được giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực của tác phẩm để thấy sự đồng cảm, thấu hiểu của tác giả; nắm được những vẻ đẹp phẩm chất, vẻ đẹp trong tâm hồn nhân vật cùng thông điệp ý nghĩa tác giả gửi đến bạn đọc qua tác phẩm.
Khi đã nhận biết, xác định được nội dung, hình thức nghệ thuật của tác phẩm, thầy cô rèn kỹ năng luyện tập cho học sinh: cách xây dựng dàn ý chi tiết, lựa chọn và sắp xếp luận điểm, luận cứ, luận chứng… định hình cấu trúc cho bài văn, đoạn văn chặt chẽ, logic.
Điều này cần thiết cho một định hướng phân tích, bàn luận đúng đắn giúp học sinh khắc phục tình trạng viết lạc đề, lan man, không rõ ý, thiếu mạch lạc khi lập luận.
“Chỉ có tự rèn, tự luyện thường xuyên, hình thành kỹ năng thuần thục khi viết đoạn văn, bài văn thí sinh mới có thể hoàn toàn làm chủ, chinh phục mọi dạng đề bài thi môn Ngữ văn”, cô Nguyễn Thị Hương Giang cho hay.