Không dùng ngữ liệu SGK ra đề thi Ngữ văn: Một số vấn đề trong thực tế

GD&TĐ - Một số ý kiến xoay quanh việc biên soạn đề kiểm tra đánh giá từ ngữ liệu ngoài sách giáo khoa ở bậc THPT...

Tiết thao giảng môn Ngữ văn của cô giáo Trường THPT Kim Liên (Hà Nội). Ảnh minh họa: INT
Tiết thao giảng môn Ngữ văn của cô giáo Trường THPT Kim Liên (Hà Nội). Ảnh minh họa: INT

Chương trình GDPT 2018 gắn với việc đổi mới kiểm tra đánh giá, thực hiện đa dạng hình thức kiểm tra đánh giá nhưng đối với môn Ngữ văn, việc kiểm tra theo hình thức tự luận (bên cạnh các hình thức khác) vẫn tiếp tục được duy trì.

Điểm đáng chú ý là các ngữ liệu để kiểm tra đánh giá sẽ lấy ngoài sách giáo khoa. Phạm vi bài viết này, tôi xin chia sẻ một số ý kiến xoay quanh việc biên soạn đề kiểm tra đánh giá từ ngữ liệu ngoài sách giáo khoa ở bậc THPT.

Cấu trúc đề thi và những thay đổi

Theo đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, cấu trúc định dạng đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, phù hợp với Chương trình GDPT 2018 và được thể hiện thông qua đề minh họa, bảng năng lực - cấp độ tư duy kèm theo. Đề thi gồm 2 phần: Phần Đọc hiểu (4,0 điểm) và Phần viết (6,0 điểm) thí sinh làm bài trong 120 phút.

Phần Đọc hiểu sẽ tiến hành đọc hiểu các văn bản văn học, nghị luận, thông tin đều lấy ngoài sách giáo khoa. Phần viết sẽ gồm viết đoạn văn khoảng 200 chữ và viết bài văn khoảng 600 chữ. Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, đề thi sẽ có sự cân đối giữa nghị luận xã hội và nghị luận văn học, cụ thể nếu phần Đọc hiểu ngữ liệu là văn bản văn học hoặc nghị luận văn học thì phần viết sẽ viết đoạn văn nghị luận văn học và viết bài văn nghị luận xã hội.

Ngược lại, nếu phần Đọc hiểu ngữ liệu là văn bản nghị luận xã hội hoặc văn bản thông tin thì phần viết sẽ viết đoạn văn nghị xã hội và viết bài văn nghị luận văn học. Cũng theo phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023), môn Ngữ văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận trên giấy.

Như vậy, điểm mới trong đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có thay đổi về điểm ở phần Đọc hiểu là 4.0 điểm, phần viết là 6.0 điểm. Đề thi sẽ đáp ứng yêu cầu đổi mới của Chương trình GDPT 2018 theo hướng đánh giá năng lực, sẽ phân hóa rõ học sinh, tránh tình trạng văn mẫu, học tủ.

Để viết bài nghị luận văn học với một ngữ liệu mới là không hề dễ dàng, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Điều phối viên chính Ban Phát triển CTGDPT 2018, Tổng Chủ biên SGK Tiếng Việt - Ngữ văn, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” cho rằng: “Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn dự kiến từ năm 2025 có khả năng gây áp lực đối với học sinh vì các em phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khó hơn trước trong một thời gian hạn chế.

Mức độ áp lực này sẽ rất đáng kể trong bối cảnh năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình mới, thời gian học theo chương trình và sách giáo khoa mới chỉ ba năm; kĩ năng đọc, viết của các em chưa thực sự đáp ứng ngay được yêu cầu, nhất là phần tự đọc hiểu và viết bài trên ngữ liệu mới”.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới của kỳ thi, ngay từ bây giờ các nhà trường, giáo viên và học sinh cần tích cực, chủ động học tập, ôn luyện theo yêu cầu của chương trình và hướng đề minh họa của Bộ để đạt được kết quả cao. Giáo viên cần xây dựng những đề kiểm tra đánh giá để học sinh thực hành luyện tập.

Cách thức lựa chọn ngữ liệu và biên soạn đề

Việc lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cần phù hợp với nội dung chương trình học, cần quan tâm các yếu tố tâm lý lứa tuổi, tiếp nhận, thời gian, độ dài văn bản... Ngữ liệu ngoài sách giáo khoa được lựa chọn phải có nguồn trích, xuất xứ rõ ràng, tránh lấy các ngữ liệu còn nhiều tranh cãi trái chiều, giáo viên cần nắm vững sự vận động của văn học qua các thời kỳ, kiến thức phê bình văn học để có cái nhìn toàn diện; theo dõi, nắm bắt các vấn đề xã hội được quan tâm để lựa chọn ngữ liệu và đưa ra những yêu cầu về nghị luận xã hội trong đề.

Ngữ liệu ngoài sách giáo khoa phải tương đương với ngữ liệu học sinh đã được học về thể loại và nội dung tư tưởng, tránh tình trạng đánh đố học sinh hoặc làm nặng thêm yêu cầu. Có thể sử dụng ngữ liệu của cùng tác giả được dạy trong sách giáo khoa (nhưng lấy tác phẩm, đoạn trích ngoài sách giáo khoa).

Việc biên soạn đề thi cần xây dựng được ma trận, bảng đặc tả ma trận với những cấp độ câu hỏi ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng ở cả phần Đọc hiểu và phần viết. Đề cần được thẩm định, phản biện trước khi cho học sinh thực hành luyện tập. Tôi chỉ xin nêu một ví dụ về Đề luyện tập thi thử Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (Thời gian làm bài: 120 phút).

I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Người thành công luôn chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của họ. Họ tin rằng dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, họ là một phần nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ: Nếu họ thi trượt, đó là lỗi của họ. Nếu không được cha mẹ tin tưởng, đó là lỗi của họ.

Nếu phải vào lớp tệ hại nhất, đó là lỗi của họ. Nếu trở thành một học sinh xuất sắc, đó cũng là nhờ nỗ lực của họ. Nhận lãnh trách nhiệm về bản thân có một sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn. Nếu bạn tin rằng bạn là nguyên do của mọi chuyện, bạn sẽ có khả năng thay đổi và cải thiện mọi chuyện. Nói một cách đơn giản, bạn làm chủ cuộc sống của chính bạn.

[…]Những kẻ thất bại bao giờ cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người ngoại trừ bản thân họ. Họ đổ thừa thầy cô giảng bài nhàm chán, đổ thừa kỳ thi quá khó, đổ thừa bạn bè làm họ xao nhãng việc học, đổ thừa cha mẹ suốt ngày cằn nhằn họ.

Tệ hại hơn cả, một số học sinh còn tự lừa dối bản thân rằng mọi việc cũng không đến nỗi quá tệ, rằng môn Toán của họ cũng không tệ đến thế, rằng thực chất họ học hành rất chăm chỉ… trong khi tự đáy lòng, họ biết rõ những điều đó không phải là sự thật. “Những người và những việc xung quanh mình khiến mình thất bại”. Suy nghĩ đó khiến bạn trở thành nạn nhân bất lực, không thể thay đổi được cuộc sống.

(Tôi tài giỏi, bạn cũng thế, Adam Khoo, Trang 43, NXB Phụ nữ, 2013)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2: Theo tác giả, điểm khác nhau cơ bản giữa người thành công và những kẻ thất bại là gì?

Câu 3: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ Liệt kê được sử dụng trong câu văn sau:

Họ đổ thừa thầy cô giảng bài nhàm chán, đổ thừa kỳ thi quá khó, đổ thừa bạn bè làm họ xao nhãng việc học, đổ thừa cha mẹ suốt ngày cằn nhằn họ.

Câu 4: Em có đồng tình với quan điểm của tác giả “Nếu bạn tin rằng bạn là nguyên do của mọi chuyện, bạn sẽ có khả năng thay đổi và cải thiện mọi chuyện” không? Vì sao?

Câu 5: Những bài học ý nghĩa mà anh/chị rút ra từ văn bản trên là gì?

II. LÀM VĂN (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ văn bản ở phần Đọc - hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa việc làm chủ cuộc sống của chính mình.

Câu 2 (4.0 điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật đoạn thơ sau:

Có cỏ là có đất

Đất ngọt dần giữa biển mặn mênh mông

Và ngọn cỏ âm thầm mang số phận

Những người từng mở cõi, giữ non sông

Bền bỉ sống để mở ra sự sống

Ngọn cỏ bị lãng quên, bơ vơ cuối chân trời

Đất đang sinh, lấn từng vòng biển rộng

Cũng bắt đầu từ ngọn cỏ này thôi

Ngọn cỏ long đong, dầu dãi, nhỏ nhoi

Điềm tĩnh đối đầu với muối và bão

Để sau cỏ, bát ngát một bán đảo

Như lưỡi cày khổng lồ xuyên qua đại dương

Đến mỏm đất cuối cùng của mọi quê hương

Tôi thành kính cúi thấp đầu trước cỏ

Cỏ vẫn bao dung, dịu dàng và bé nhỏ

Và vô danh trong muôn cõi vu vơ...

Trích Cảm ơn cỏ, Trần Nhuận Minh

khong-dung-ngu-lieu-sach-giao-khoa-ra-de-thi-mon-ngu-van-4581.jpg
Thí sinh tự tin sau môn thi Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Ảnh minh họa: INT

Phương pháp ôn tập

Để góp phần ôn tập hiệu quả, giáo viên cần tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, đa dạng về cách thức, hình thức ôn tập cho học sinh. Phân bổ thời gian hợp lí, cần chú ý cân đối giữa các phần, quan tâm trang bị cho học sinh những kỹ năng cơ bản để làm bài.

Cần chuẩn bị phong phú về nguồn ngữ liệu Đọc hiểu với văn bản văn học (thơ, truyện, kí, kịch), văn bản nghị luận, văn bản thông tin. Cần đa dạng về hình thức câu hỏi ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, câu hỏi, câu lệnh phải tường minh, cụ thể.

Rèn kỹ năng viết đoạn văn, bài văn nghị luận văn học, nghị luận xã hội theo yêu cầu mới, giáo viên chú trọng cách tìm ý, lập ý, các thao tác nghị luận của học sinh. Chẳng hạn với yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội ở đề trên, học sinh cần xác định vấn đề nghị luận là ý nghĩa việc làm chủ cuộc sống của chính mình, học sinh triển khai đoạn văn về ý nghĩa đó (tự mình đưa ra quyết định, không phụ thuộc vào người khác, dám nghĩ, dám làm, quyết đoán, cuộc sống có ý nghĩa, khẳng định giá trị bản thân…).

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật đoạn thơ trên cần đọc kỹ đoạn thơ, xác định yêu cầu của đề, tiến hành tìm ý, lập dàn ý… Phân tích đánh giá về nội dung cần thấy được hình ảnh cỏ trong đoạn thơ: Đoạn thơ ca ngợi sức sống mãnh liệt, vượt mọi khó khăn, khắc nghiệt của cỏ; Cuộc đời của cỏ bình dị, vô danh và mong manh; Cỏ còn là hình ảnh tượng trưng cho những con người bình dị, vô danh nhưng làm nên ý nghĩa cuộc sống…

Phân tích đánh giá về nghệ thuật cần thấy được: Thể thơ tự do giúp nhà thơ bộc lộ cảm xúc của mình tự nhiên; Sử dụng phong phú các biện pháp tu từ liệt kê, ẩn dụ, so sánh, tượng trưng, điệp; Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, mộc mạc giàu sức gợi; giọng thơ giàu cảm xúc. Kết thúc vấn đề nghị luận cần: Khẳng định khái quát những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ; Nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức đoạn thơ.

Học sinh cần lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận, lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng. Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Giáo viên cần thường xuyên đánh giá học sinh để rút kinh nghiệm qua từng giai đoạn ôn tập cho phù hợp, hiệu quả, tránh “bỏ rơi học sinh” trong học tập.

Trên đây là một vài suy nghĩ, chia sẻ của tôi về xoay quanh việc đề thi sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nhất là với bài nghị luận văn học. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có lộ trình, học sinh đã làm quen ở các lớp dưới nhưng chắc chắn sẽ gặp những khó khăn nhất định khi thực hiện.

Tuy nhiên đó cũng là xu thế tất yếu khi thực hiện Chương trình GDPT mới như GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khẳng định: Chương trình giáo dục phổ thông mới tập trung vào thực hành và sẽ trả lời câu hỏi: “Học xong chương trình, học sinh làm được gì?”.

Giáo viên dạy học sinh “Để làm” - nghĩa là cho trẻ tự làm, chủ động thực hiện. Dạy học “Phân hóa” - tức là không dạy cào bằng, vì có trẻ có năng khiếu này, có trẻ có nhược điểm kia, thầy cô giáo phải ra bài tập phù hợp với từng học sinh, khuyến khích các em phát triển theo năng lực.

Dạy “Tích hợp” - đồng nghĩa giáo viên phải làm sao tích hợp được các kiến thức liên quan môn học, chứ không phải dạy cái gì - biết cái nấy, giáo viên phải đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện. Dạy “Tích cực” - Trọng tâm là học sinh phải được tự học, tự làm, thầy cô không làm thay các em.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2024 - 2025 là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng” với 12 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc tăng cường các nguồn lực tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông đối với các lớp, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9, lớp 12.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.