Lưu ý cách dùng một số từ ngữ

Lưu ý cách dùng một số từ ngữ

Một trong những trường hợp còn nhiều băn khoăn đó là cặp từ “củ/ khoai - quả/ trái”. Trong lúc người dân ở phía Nam gọi “trái đậu phụng” thì hầu hết bà con miền Bắc đều gọi “củ lạc”, còn khi lên trường thì cô giáo môn Sinh học lại bảo là “quả lạc”, Vậy nên gọi cặp từ này thế nào cho đúng?

Củ là phần thân hay rễ cây phát triển lớn ra và chứa chất dự trữ, thường ở dưới đất như củ khoai lang, củ sắn (mì); cạnh đó, cũng có củ không ở dưới đất mà ở trên cây như củ su hào, củ khoai tây leo (còn gọi là khoai trời, khoai tây không khí)... Còn quả là bộ phận của cây do bầu nhụy hoa phát triển mà thành, bên trong chứa hạt, quả thường mọc ở trên thân cây hoặc trên mặt đất, như quả mít, quả dưa, quả cam...

Quan sát thêm, ta thấy điều thú vị: Từ củ có từ tương đương, đồng nghĩa là khoai và tùy theo vùng phương ngữ mà cư dân gọi khoai hay củ, ví như củ lang/ khoai lang, củ mì/khoai mì, củ môn/khoai môn... Còn khi chỉ nói “khoai” thì người nói nhằm chỉ khoai lang, ở dạng nói tắt. Nhìn chung, cư dân vùng phương ngữ Bắc hay gọi là khoai hơn củ, còn vùng phương ngữ Nam thì thường gọi là củ hơn là khoai. Tuy nhiên, có nhiều loại cả 2 miền đều cùng gọi khoai như khoai tây, khoai sọ, khoai mỡ... chứ không thấy ai gọi là củ tây, củ sọ, củ mỡ. Đồng thời, cũng có nhiều loại mà nhân dân cả nước đều gọi chung là củ chứ không hề gọi là khoai, như củ cà rốt, củ cải, củ ấu... chứ dứt khoát không có ai gọi là khoai cà rốt, khoai cải, khoai ấu.

Trở lại với “lạc”, phương ngữ miền Nam gọi là “trái đậu phụng”, còn miền Bắc gọi “củ lạc” chứ cũng không bao giờ có ai gọi là “khoai lạc”.

Cư dân Bắc bộ gọi củ lạc là theo cách gọi dân gian quen thuộc, do cách ra quả của lạc có phần khác biệt với các loài khác, sau khi thụ phấn, hoa phát triển thành một ống thân dài hướng xuống đất với đầu ống là các củ (quả) lạc, sẽ xuyên thẳng xuống đất rồi giấu mình dưới đó để lớn lên. Vì người ta thấy lạc nằm trong lòng đất tương tự như củ cà rốt, củ cải nên gọi là “củ”. Còn theo nguồn gốc phát sinh phát triển, thực chất củ lạc là quả lạc nên giáo viên môn sinh học gọi quả lạc là chuẩn về mặt kiến thức, phân loại theo bản chất thực vật của nó.

Một trường hợp khác, là cách nói “trái bắp/ quả ngô” có chính xác không? Dưới con mắt của nhà khoa học, thì ngô là trái cây hay là ngũ cốc?

Ngô, bắp hay bẹ là một loại cây lương thực có nguồn gốc từ châu Mỹ, sau đó lan tỏa ra khắp thế giới vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Hiện nó là một trong bốn loại cây lương thực chính của Việt Nam gồm: Lúa, ngô, sắn và khoai lang.

Các hạt ngô có nguồn gốc từ hoa cái của cây nên về mặt sinh học mỗi hạt ngô chính là một trái cây. Tuy nhiên, do cấu tạo giống như các loại hạt (hạt thóc, hạt lạc, hạt đậu) nên không ai gọi quả/ trái ngô mà thường gọi là “hạt ngô”. Còn quả/ trái/ bắp ngô hiện đang đươc sử dụng quen thuộc chính là tên dùng để gọi cả cụm gồm nhiều hạt bám trên cùi ngô. Trên một “trái/bắp/quả” ngô đó có thể có tới 400 - 600 hạt bám chặt chung một lõi, xếp thành hàng để tạo nên một bắp ngô. Cấu tạo của nó tương đối giống một số loại hoa như hoa cúc, hoa vạn thọ..., cái mà chúng ta vẫn thường gọi là bông hoa, thực chất cả bông hoa đó chính là một cụm dày đặc gồm nhiều hoa nhỏ mà dân gian vẫn thường quen gọi là cánh hoa.

Cuối cùng, ta nhận thấy rằng: Cả mấy cách gọi củ lạc, quả lạc, trái đậu phụng; trái/quả bắp/ ngô; bông hoa, cánh hoa... nêu trên là cách nói quen thuộc tồn tại lâu đời trong dân gian tùy theo từng vùng miền, chứ không phải dưới góc nhìn khoa học.

Như vậy, tùy theo ngữ cảnh, vùng miền mà chúng ta nên lựa chọn từ ngữ sử dụng sao cho phù hợp với tình huống, chính xác theo ngữ nghĩa của thuật ngữ khoa học hay từ ngữ dân gian.n

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ