3 lưu ý khi chấm bài
Theo đó, qua thực nghiệm sư phạm về việc chấm bài và đánh giá kết quả kiểm tra, thầy Kiều Minh Giang cho rằng, việc chấm bài cần tuân thủ các bước:
Thứ nhất, giáo viên phải nắm vững đáp án, biểu điểm để đảm bảo việc chấm bài mang tính công bằng, khách quan.
Thứ hai, thực hiện chấm bài nghiêm túc, đúng yêu cầu của đáp án. Chấm điểm các bài kiểm tra theo thang điểm được xây dựng, phù hợp với các tiêu chí đánh giá đã xác định, để xem xét kết quả thu được. Đây là khâu cần thiết để hoàn thiện quy trình kiểm tra, đánh giá.
Đối với bài kiểm tra 15 phút, giáo viên có thể tự chấm, song đối với bài kiểm tra 1 tiết (45 phút giữa học kì, cuối kì, cuối năm) để hạn chế đến mức thấp nhất tính chủ quan của giáo viên trong việc chấm bài, cho điểm, đánh giá kết quả, theo tôi nên chấm chéo nhau giữa các giáo viên cùng bộ môn, cùng khối lớp.
Thứ ba, tổng hợp kết quả chấm bài, xem xét để phân loại học sinh.
Sử dụng nhiều hình thức đánh giá kết quả kiểm tra
Đối với việc đánh giá kết quả, thầy Kiều Minh Giang lưu ý:
Sử dụng nhiều hình thức đánh giá kết quả kiểm tra: Cho điểm, nhận xét hoặc kết hợp cả hai. Người đánh giá là giáo viên, cũng có thể là học sinh được giáo viên hướng dẫn với tiêu chí đánh giá cụ thể. Việc nhận xét hoặc cho điểm cần dựa trên đáp án và biểu điểm, đồng thời phải có sự phân tích cụ thể từng đối tượng học sinh.
Cùng với so sánh thành tích học tập của mỗi cá nhân, sử dụng trong đánh giá tổng kết qua mỗi bài kiểm tra, giáo viên chỉ ra điểm cần đạt hoặc chưa đạt trong tiếp thu và vận dụng kiến thức, kĩ năng, thái độ để học sinh ý thức được khả năng học tập của bản thân mình mà xác định hướng rèn luyện tiếp theo.
Tránh việc xử lý kết quả kiểm tra mang tính hình thức: Giáo viên cần có ý thức nghiêm túc nhận xét bài kiểm tra (bằng lời phê trên bài kiểm tra, bằng nhận xét đánh giá chung tình hình học tập của cả lớp).
Thực hiện việc thanh tra chấm bài và quản lý điểm kiểm tra, làm bài kiểm tra nghiêm túc để kết quả kiểm tra đảm bảo tính chính xác, khách quan. Như vậy, đổi mới mục đích, nội dung, hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá chỉ có ý nghĩa nếu tổ chức tốt khâu coi kiểm tra, chấm bài và xử lý kết quả.
Nếu việc coi kiểm tra, chấm bài và xử lý kết quả không nghiêm túc sẽ dẫn đến hiện tượng coi thường kiểm tra, đánh giá của cả giáo viên và học sinh (hiện tượng quay cóp trong khi làm bài kiểm tra sẽ tiếp diễn, tính chủ quan trong cho điểm, đánh giá kết quả của giáo viên có điều kiện tiếp tục bộc lộ...).