Vẫn nên khuyến khích ra đề “mở”

GD&TĐ - Vừa qua, dư luận xôn xao về việc một trường THPT đưa một trích đoạn bài báo viết về Khá “bảnh” (tên thật là Ngô Bá Khá - một nhân vật bất hảo nổi tiếng trên mạng, vừa bị công an bắt) vào làm ngữ liệu để ra đề thi chọn học sinh giỏi lớp 11 (phần nghị luận xã hội). TS Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), có cuộc trao đổi với Báo GD&TĐ về nội dung này.

Việc có các câu hỏi mở trong đề kiểm tra nhằm phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học.	Ảnh minh họa: H.N
Việc có các câu hỏi mở trong đề kiểm tra nhằm phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học. Ảnh minh họa: H.N

- Nhà trường và Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng đó là cách ra đề “mở” như chủ trương của Bộ? Xin ông cho biết rõ hơn về vấn đề này?

- Ra câu hỏi mở là một trong số giải pháp sư phạm nhằm góp phần thực hiện quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Đảng “về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; là: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT - mà gần đây nhất là Công văn số 3711/BGDĐT-GDTrH ngày 24/8/2018 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2018 - 2019, trong yêu cầu đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá đã nêu rõ: “Tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội”.

- Như vậy, việc có các câu hỏi mở trong đề kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn của HS không hoàn toàn mới mẻ?

- Đúng như vậy, trong thực tiễn dạy học vừa qua, ở nhiều cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo đã thực hiện rất tốt tinh thần này. Thực tiễn đó cho thấy, đề “mở”, câu hỏi “mở” gắn với những vấn đề thời sự có ý nghĩa của quê hương đất nước đã thực sự gây được rất nhiều hứng thú khi học sinh vận dụng kiến thức và kĩ năng từ bài học trong chương trình vào thực tiễn cuộc sống.

Chẳng hạn, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2014 đã lấy trích đoạn (trong bài báo Bình tĩnh, sáng suốt thể hiện lòng yêu nước - Nguyễn Thế Hanh, Báo Giáo dục và Thời đại số 116 ra ngày 15/5/2014) làm ngữ liệu cho phần yêu cầu đọc hiểu.

“Việc lựa chọn ngữ liệu để dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của bộ môn càng cần được lựa chọn kĩ lưỡng. Nội dung ngữ liệu trong đề văn nghị luận xã hội phải bảo đảm định hướng giáo dục, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển năng lực và phẩm chất của người học theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình, nhất là phải phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở mỗi lớp học, cấp học”. TS Nguyễn Trọng Hoàn
  • “Việc lựa chọn ngữ liệu để dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của bộ môn càng cần được lựa chọn kĩ lưỡng. Nội dung ngữ liệu trong đề văn nghị luận xã hội phải bảo đảm định hướng giáo dục, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển năng lực và phẩm chất của người học theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình, nhất là phải phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở mỗi lớp học, cấp học”.

TS Nguyễn Trọng Hoàn

- Từ sự việc vừa qua, theo ông, GV và nhà trường cần lưu ý những gì khi lấy ngữ liệu để xây dựng đề văn đọc hiểu, hay nghị luận, trong dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn của HS?

- Mục tiêu của môn Ngữ văn (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) đã xác định: “Ngữ văn là môn học mang tính công cụ và tính thẩm mĩ - nhân văn; giúp học sinh có phương tiện giao tiếp, làm cơ sở để học tập tất cả các môn học và hoạt động giáo dục khác trong nhà trường; đồng thời cũng là công cụ quan trọng để giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp về văn hóa, văn học và ngôn ngữ dân tộc; phát triển ở học sinh những cảm xúc lành mạnh, tình cảm nhân văn, lối sống nhân ái, vị tha...”.

Chính vì thế, trong quá trình dạy học Ngữ văn, việc lựa chọn ngữ liệu để dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của bộ môn càng cần được lựa chọn kĩ lưỡng.

Xu thế đổi mới dạy học Ngữ văn ở phổ thông hiện nay, đặc biệt là việc ra đề và xây dựng hướng dẫn chấm theo hướng mở, gắn với thực tiễn là nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, nội dung ngữ liệu trong đề văn nghị luận xã hội phải bảo đảm định hướng giáo dục, phục vụ trực tiếp cho việc phát triển năng lực và phẩm chất của người học theo mục tiêu, yêu cầu cần đạt của chương trình, nhất là phải phù hợp với kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở mỗi lớp học, cấp học.

Do đó, ra đề, phản biện và thẩm định đề là những công việc đòi hỏi sự cẩn trọng rất cao. Việc lựa chọn ngữ liệu để ra đề càng phải thận trọng, tránh xu thế chạy theo thị hiếu nhất thời, tránh những vấn đề “nhạy cảm” chưa được kiểm chứng. Ra đề “mở” - dù mở đến đâu cũng cần đảm bảo định hướng giáo dục.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ