Thái Lan: Các chính sách hỗ trợ cho công cuộc cải cách GD
Với chiến lược “GD hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, hệ thống GD của Thái Lan có những điểm khác biệt với các nước láng giềng. Chính phủ Thái Lan quản lý hầu hết các trường ĐH, mặc dù có Luật GD ĐH tư nhân ra đời năm 1969. Số lượng trường ĐH thuộc quản lý tư nhân không nhiều. Dù là của tư nhân, Chính phủ Thái Lan là cơ quan điều tiết và kiểm soát rất chặt chẽ.
Thái Lan tiến hành cải cách GD vào những năm 1990 với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính phủ đưa ra một số chính sách liên quan: “Kế hoạch phát triển dài hạn GD ĐH” lần thứ nhất từ 1990 - 2004 tập trung vào các biện pháp cấu trúc lại hệ thống quản lý GD ĐH theo hướng kinh tế thị trường và nâng cao quyền tự chủ tài chính của các trường ĐH; Xây dựng bản Hiến pháp mới vào năm 1997, trong đó có quyền tự do GD;
Năm 1999, Thái Lan thiết lập Luật Cải cách GD quốc gia, trong đó đưa ra những mục tiêu GD mới nhằm cải cách hình thức, phương pháp giảng dạy, hệ thống quản lý trường học ở các cấp. Luật này quy định hệ thống GD phổ cập là 12 năm trước khi học lên các chương trình GD ĐH; Năm 2004, Thái Lan ban hành Luật Nhân sự ĐH, đưa ra các điều khoản để các trường ĐH quản lý GD phù hợp với năng lực và kiến thức của từng cá nhân;
Năm 2008, Chính phủ Thái Lan thực hiện Kế hoạch phát triển dài hạn GD ĐH lần thứ hai (2008 - 2022). Kế hoạch này tập trung vào một số lĩnh vực như quản lý hành chính đối với GD ĐH, thay đổi chương trình dạy và học, thúc đẩy nghiên cứu. Cụ thể: Đưa ra kế hoạch chi tiết liên quan đến hệ thống GD ĐH; Kết nối hệ thống GD trung học phổ thông và dạy nghề; Thay đổi cách quản lý trong các trường ĐH; Cung cấp tài chính cho GD ĐH… để tăng cường sức mạnh của các trường ĐH.
Phân loại chi tiết các trường ĐH thành 4 loại và mỗi loại tương ứng với nhiệm vụ và mục tiêu khác nhau: Các trường ĐH cộng đồng; Các trường nghệ thuật tự do; Các trường ĐH chuyên ngành/tổng hợp; và Các trường ĐH nghiên cứu/hàn lâm. Tiêu chuẩn cấp bằng, tỷ lệ giáo viên có trình độ tiến sĩ/thạc sĩ quy định theo từng loại trường, tỷ lệ đào tạo giữa KHTN và KHXH cũng được quy định rất chi tiết và cụ thể trong kế hoạch này.
Chất lượng GD ĐH của Thái Lan được kiểm định thông qua hệ thống kiểm định được thành lập từ 2000 với mô hình “Đầu vào - Quá trình - Đầu ra”. Cơ cấu đảm bảo chất lượng gồm 2 mảng độc lập nhưng gắn kết chặt chẽ với nhau: Đảm bảo chất lượng bên trong do Bộ ĐH (MUA) quản lý; và đảm bảo chất lượng bên ngoài do Cục Tiêu chuẩn GD và Đánh giá chất lượng quốc gia (ONESQA) quản lý.
|
Malaysia: Áp dụng tư tưởng tự do kinh tế, đổi mới mạnh mẽ giáo dục truyền thống
Chiến lược GD của Malaysia dựa theo điều kiện và nhu cầu phát triển xã hội ở mỗi giai đoạn, trung bình là 20 năm thay đổi chiến lược một lần. Đặc điểm nổi bật của chiến lược và chính sách GD của Malaysia là áp dụng triệt để tư tưởng tự do kinh tế và đổi mới mạnh mẽ hệ thống GD truyền thống, nhất là ở khu vực công.
Chính phủ Malaysia đưa ra nhiều chính sách đổi mới và củng cố nền GD nước nhà: Hợp nhất các trường ĐH công (1995), sửa đổi Luật GD và ban hành Luật ĐH tư (1996); năm 1997, bắt đầu tư nhân hoá các cơ sở GD ĐH công lập và mở các chi nhánh của các trường ĐH nước ngoài tại Malaysia, cho phép các trường liên kết hoạt động.
Ngân sách Nhà nước dành cho các trường ĐH công đã giảm dần từ 1995 và các trường ĐH hợp nhất được phép đa dạng hoá nguồn thu tài chính của mình bằng nhiều cách. Ví dụ như được phép tự chủ một phần và được phép thiết lập quan hệ hợp tác với các khu vực kinh tế tư nhân.
Để thực hiện Chiến lược GD ĐH tầm nhìn 2020, Chính phủ Malaysia cho thành lập các trường ĐH nghiên cứu và trực thuộc sở hữu của Nhà nước, được Chính phủ trợ cấp khoảng 90% nguồn quỹ cho các hoạt động nghiên cứu và vận hành bộ máy, 10% còn lại do trường tự tìm nguồn thông qua học phí của sinh viên, hợp tác đầu tư tư nhân…
Malaysia thành lập các ủy ban quản lý và kiểm soát chất lượng đào tạo trong nước. Hội đồng GD ĐH Quốc gia (National Higher Education Council) được thành lập năm 1996 với nhiệm vụ là kiểm soát các tiêu chuẩn của các trường ĐH công, đưa ra bộ tiêu chí giám sát thực hiện chính sách GD quốc gia ở các cấp theo nguyên tắc quản lý chất lượng toàn diện (TQM).
Năm 1997 thành lập Hội đồng Kiểm định Quốc gia (NAB) để đánh giá chất lượng các khoá học, các chương trình đào tạo, kết quả học tập của sinh viên, hỗ trợ sinh viên… ở cả trường công và tư. Năm 2001, thành lập Hệ thống Kiểm định/Đánh giá chất lượng GD (MyQuest) để kiểm định chất lượng các trường ĐH/cao đẳng tư thục tại Malaysia. Năm 2007, Cơ quan Quản lý khung trình độ quốc gia của Malaysia (tương ứng tại các trường ĐH công và tư)…
Về quản lý hệ thống GD, từ năm 1992, Chính phủ xây dựng và quản lý chất lượng hệ thống GD ĐH theo tiêu chuẩn quốc tế (ISO) do Ủy ban Dịch vụ công Malaysia (PSD) phụ trách.
Năm 2004, Chính phủ đã tái thiết lại Bộ GD Malaysia, thành lập Bộ GD ĐH (MOHE) với chức năng hiện đại hóa GD bậc ĐH và sau ĐH. Nhiệm vụ của MOHE là xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển GD ĐH quốc gia mục tiêu đến 2020, trong đó nhiệm vụ chính là đưa ra các chính sách và định hướng cho GD ĐH hướng tới xây dựng một quốc gia hiện đại, đủ năng lực để đưa Malaysia hội nhập kinh tế toàn cầu mà vẫn giữ được truyền thống dân tộc.
Năm 2008, Malaysia đưa ra chiến lược xây dựng các trường ĐH nghiên cứu đẳng cấp, có danh tiếng trên thế giới thông qua “Chương trình tăng tốc hướng đến sự xuất sắc” (APEX), đó là hệ thống các trường ĐH được xây dựng theo kinh nghiệm của các quốc gia như Đức, Singapore, Hàn Quốc… Mục tiêu của APEX (2008 - 2013) là tạo ra các trường ĐH thuộc nhóm 100 trường nghiên cứu tốt nhất thế giới.