Đề án đã thổi một luồng sinh khí mới mẻ và mạnh mẽ cho hàng triệu cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên phấn khởi bước vào năm mới với tràn đầy nhiệt huyết, quyết tâm.
Đổi mới căn bản, toàn diện
Giáo dục Việt Nam từng có những dấu mốc thay đổi lớn. Riêng nền giáo dục Cách mạng đã trải qua 3 lần cải cách. Tuy nhiên, cả 3 lần đó đều chưa có thay đổi căn bản trong quan điểm chỉ đạo cũng như thiết kế mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, tổ chức thi cử - điều mà Đề án lần này quyết tâm đề ra, thực hiện.
Nhiều chuyên gia hàng đầu về giáo dục, cho rằng, từ trước đến nay, chúng ta thường chỉ nhấn mạnh mục tiêu đào tạo nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ít chú ý đến mục tiêu phát triển cá nhân, cũng như năng lực hoàn thiện nhân cách bản thân.
Nhưng lần này, Nghị quyết T.Ư 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT chú ý đến mục tiêu phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách cá nhân, kết hợp với mục tiêu đào tạo nhân lực. Tư duy mới về mục tiêu sẽ dẫn đến những đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp giáo dục.
Tâm đắc với các quan điểm chỉ đạo đổi mới được nêu trong Nghị quyết, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tái khẳng định “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân” và đặt nó ở vị trí đầu tiên là cần thiết.
Đó là lời nhắc nhở các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đầu tư cho giáo dục. Không phải chỉ đầu tư tài lực, vật lực mà còn phải thường xuyên đầu tư suy nghĩ về kế hoạch, biện pháp phát triển và tạo đồng thuận xã hội để phát triển giáo dục.
Quan điểm “đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo” cũng được nhận định là rất đúng và rất mới so với nhận thức chung của xã hội và sự vận hành của giáo dục nước ta suốt hàng chục năm qua.
Cùng với mục tiêu giáo dục và các quan điểm chỉ đạo đổi mới giáo dục, 9 nhiệm vụ, giải pháp đổi mới nêu ra trong Nghị quyết thể hiện cái nhìn rất toàn diện.
Cần có chuẩn GD&ĐT phù hợp
Giáo dục nước nhà đang tiến lên từng bước vững chắc. Cùng với những thành quả đáng tự hào, hạn chế và khiếm khuyết cũng thẳng thắn được nhìn nhận. Điều này đã được nêu một cách rất cụ thể, chi tiết tại Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Nói về chuyện đánh giá giáo dục, GS Nguyễn Minh Thuyết nhớ lại câu chuyện thú vị bản thân mới trải qua: Một lần đi công tác Thái Lan, ngồi trên máy bay, tôi lấy tờ báo The Nation (Dân tộc) của Thái đọc. Vừa cầm tờ báo, tôi đã giật mình vì tít bài được giới thiệu trên trang nhất: Một nền giáo dục rơi tự do.
Cứ tưởng người ta nói về Việt Nam, tôi giở ngay bài báo ấy ra xem. Hóa ra báo The Nation đang chỉ trích giáo dục Thái Lan. Đáng nói hơn là bài báo có đoạn so sánh với giáo dục Việt Nam.
Bài báo viết: “Hãy nhìn sang Việt Nam xem. Việt Nam chậm phát triển hơn Thái Lan nhưng học sinh lại học giỏi hơn, có đầu óc thực tế hơn...”. Điều đó cho thấy rất ít quốc gia hài lòng về nền giáo dục ở nước mình.
GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ quan điểm, đánh giá cũng như nêu giải pháp bao giờ cũng phải có quan điểm lịch sử cụ thể. Mỗi xã hội có đặc điểm riêng, có yêu cầu riêng về nhân lực và xây dựng cho mình một hệ thống GD&ĐT thích hợp với những chuẩn mực riêng. Và, cái chúng ta đang thiếu chính là những chuẩn mực riêng ấy, những chuẩn mực thích hợp với xã hội tương lai.
Để làm được công việc to lớn này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, trước hết, các cơ quan hoạch định chính sách cần nêu được những dự báo tương đối cụ thể và sát thực về trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta ở từng giai đoạn lớn trong tương lai; Dự báo về nhu cầu nhân lực của các ngành, các địa phương; Phân loại nhân lực và xác định tiêu chuẩn của từng loại nhân lực...
Trên cơ sở những dự báo đó, ngành GD&ĐT sẽ xác định trình độ chuẩn cho mỗi bậc học, cấp học của mình. Không có chuẩn GD&ĐT thì nâng cao chất lượng dễ trở thành một công việc không có đích và không có thước đo để đánh giá. Nhưng không có dự báo của cơ quan hoạch định chính sách, chuẩn GD&ĐT rất dễ vu vơ.
Tất nhiên, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng tiêu chuẩn về nhân lực là những việc lớn, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ, thời gian và tiền bạc.
Bây giờ chúng ta mới bắt tay làm từ đầu e không kịp, nhưng nếu không làm thì không thoát ra được tình trạng giải bài toán không đủ dữ kiện.
Trước tình hình ấy, có lẽ đành phải “đi tắt” bằng cách tham khảo bài toán và đáp số của những nước có trình độ phát triển hơn ta về kinh tế - xã hội và GD&ĐT, nhất là những nước đi lên từ hoàn cảnh khó khăn giống nước ta.
Ngành Giáo dục, với trọng trách và tinh thần trách nhiệm, ngay khi Đề án còn trứng nước đã có những thực nghiệm đổi mới thành công.
Rồi gần đây nhất là quyết tâm mạnh mẽ đổi mới tuyển sinh, thi cử, thể hiện từ những dự kiến nhận được sự đồng thuận của xã hội về tuyển sinh ĐH, CĐ, khẳng định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường, đến dự thảo phương án thi tốt nghiệp với mục tiêu giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan đầu não cao nhất về giáo dục, quyết tâm giành phần khó về mình, phần dễ cho các em học sinh, vì lợi ích lâu dài của đất nước đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, sự đồng lòng hưởng ứng và đặc biệt là niềm tin vào công cuộc đổi mới thành công.