Lượng hóa trong quy định về Luật để đảm bảo tính khả thi

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động hiện nay là rất cần thiết, có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) thảo luận trực tuyến về Dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động. Ảnh Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) thảo luận trực tuyến về Dự thảo Luật Cảnh sát Cơ động. Ảnh Quốc hội.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, việc ban hành Luật nhằm cụ thể hóa nội dung bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013.

“Cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt mà chúng ta thường gọi đó là quả đấm thép của công an nhân dân trong thực hiện biện pháp vũ trang, bảo vệ an ninh trật tự, xử lý kịp thời các hoạt động gây hại đến an ninh trật tự, biểu tình, bạo loạn,…Thực tiễn đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cho lực lượng này là rất nặng nề. Công tác của cảnh sát, đặc biệt trong đấu tranh với các chuyên án có liên quan đến sinh mạng, tính mạng của cán bộ, chiến sĩ và những người có liên quan cần phải xử lý ngay, nếu không hậu quả sẽ khôn lường”- đại biểu Nguyễn Minh Tâm nói.

Đại diện đoàn Quảng Bình cũng cho biết, nhiều yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi phải huy động, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện hiện đại và số lượng cán bộ, chiến sĩ đông, sự phối hợp của nhiều lực lượng. Sau hơn 7 năm thực hiện pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như chưa quy định rõ, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức hoạt động, cơ chế chỉ huy, chỉ đạo, thẩm quyền điều động, quan hệ phối hợp giữa cảnh sát cơ động và các lực lượng khác ….

Từ đó đặt ra yêu cầu cần thiết có khuôn khổ pháp lý đầy đủ ở mức cao hơn là luật làm cơ sở, hành lang pháp lý vững chắc để xây dựng và tổ chức hoạt động cảnh sát cơ động, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ mà không sợ vi phạm Hiến pháp, pháp luật và vi phạm nhân quyền.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm đề nghị nên giải thích cụ thể ở phần giải thích từ ngữ, quy định cụ thể thế nào là tính cấp bách.

“Tôi được biết rằng trong thời gian vừa qua Giám đốc Công an cấp tỉnh cũng đã chủ động và linh hoạt trong việc điều động khá nhiều trong các trường hợp cấp bách. Ví dụ như là tham gia phá án, vây bắt, truy bắt đối tượng, phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn. Do vậy, thiết nghĩ nếu được, để tránh tình trạng tùy tiện và đảm bảo tính thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện trên toàn quốc, phải nghĩ rằng đối với tỉnh này thì đối với vụ việc này là cấp bách, còn tỉnh khác thì vụ việc này được cho là không phải cấp bách” – bà Tâm nêu.

Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị quy định lượng hóa ở trong quy định của luật, có thể khi huy động bao nhiêu, 50/50 chiến sĩ cảnh sát cơ động thì thẩm quyền của giám đốc công an cấp tỉnh, còn trên đó phải báo cáo. Nếu lượng hóa thì nó sẽ cụ thể hơn và đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện, tránh tùy tiện.

Cũng theo bà Tâm, về Điều 7, hợp tác quốc tế của cảnh sát cơ động. Đối với điều khoản này, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc để quy định nội dung này đảm bảo phù hợp với nguyên tắc đối ngoại và tránh trường hợp chồng chéo thẩm quyền. Vì cảnh sát cơ động thuộc Bộ Công an nên đề nghị quy định cụ thể đối với đối tượng này về quan hệ hợp tác quốc tế của cảnh sát cơ động.

Đối với Điều 8, đại biểu Tâm đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét để quy định rõ, cụ thể hơn và đảm bảo phù hợp, tính logic của nội dung của dự án luật là điều chỉnh đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động. Do đó, quy định cụ thể đối với các điều khoản về các hành vi nghiêm cấm theo tôi nên quy định rõ hơn và đọc cũng dễ hiểu.

“Dự thảo Luật đưa ra cụ thể 2 khoản. Một khoản quy định cho các đối tượng ngoài chiến sĩ cảnh sát cơ động. Còn một khoản quy định cụ thể đối với chiến sĩ cảnh sát cơ động, khi đọc dễ hiểu và cũng dễ triển khai thực hiện. Ngoài ra, còn một số điều khoản cụ thể, như tại khoản 2 của Điều 8, các hành vi bị nghiêm cấm, đề nghị bỏ từ "cố ý" sau cụm từ "chiếm đoạt, hủy hoại", vì làm hư hỏng có thể do cố ý hoặc vô ý. Theo đó, tùy tính chất, mức độ, hậu quả để có chế tài xử lý, kể cả lỗi vô ý hay cố ý” – đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ