Cần thiết xây dựng Luật Cảnh sát cơ động

GD&TĐ - Xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng lực lượng công an nhân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại;

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, thảo luận tại hội trường Diên Hồng
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, thảo luận tại hội trường Diên Hồng

Tránh chồng chéo

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (tỉnh Hưng Yên) nêu ý kiến khi thảo luận tại hội trường (sáng 26/10) về dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Xây dựng Luật Cảnh sát cơ động nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của cảnh sát cơ động, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia đảm bảo trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng công an nhân dân trong tình hình mới.

Nhất trí với dự thảo Luật Cảnh sát cơ động và Báo cáo thẩm tra dự án luật để góp phần hoàn thiện dự thảo luật; Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị, dự thảo Luật cần làm rõ phạm vi thực hiện nhiệm vụ cảnh sát cơ động nhằm tránh chồng chéo với các lực lượng khác.

Ví dụ, điểm d Khoản 2, Điều 9 dự thảo luật quy định cảnh sát cơ động sử dụng biện pháp vũ trang và tuần tra, khảo sát, kiểm soát, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, chưa rõ nhiệm vụ này có chồng lấn với nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam, Cục Cảnh sát biển Việt Nam hay nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát quản lý bảo vệ biên giới quốc gia của Bộ Quốc phòng hay không?

Do đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị, bổ sung quy định cụ thể về phạm vi thực hiện nhiệm vụ và nội dung phối hợp thực thi nhiệm vụ của cảnh sát cơ động trong tương quan với các lực lượng khác.

Đề cập đến quyền huy động người, phương tiện, thiết bị cảnh sát cơ động quy định tại Điều 10, Điều 17 và Điều 30; đại biểu đoàn Hưng Yên viện dẫn, dự thảo Luật quy định: cảnh sát cơ động có quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam trong trường hợp cấp bách.

Cần làm rõ thẩm quyền của cảnh sát cơ động

Tuy nhiên, cần làm rõ thẩm quyền của cảnh sát cơ động trong huy động người, phương tiện, thiết bị trong trường hợp cấp bách cũng như trình tự, thủ tục huy động người, phương tiện, thiết bị trong trường hợp này để đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan. Việc huy động trên cơ sở tự nguyện để đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp.

Các nhiệm vụ cảnh sát cơ động có tính chất đặc thù; do đó, nếu người được huy động không đảm bảo các yêu cầu của nhiệm vụ sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân, đồng thời ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Việc huy động phương tiện, thiết bị có tính chất tương tự như: trưng dụng tài sản theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008, chỉ các Bộ trưởng: Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương và Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định trưng mua tài sản và không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản quy định tại Điều 24.

Tuy nhiên, dự thảo luật cho phép cán bộ, chiến sỹ cảnh sát cơ động huy động người, phương tiện, thiết bị cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam. Ngoài ra, dự thảo luật cũng chưa quy định cụ thể chính sách bồi thường cho các tài sản thiệt hại. Dự thảo cần bổ sung quy định cụ thể, dẫn chiếu quy định của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008.  

Về hệ thống tổ chức và cơ cấu lực lượng của cảnh sát cơ động được quy định tại Điều 13, theo đại biểu đoàn Hưng Yên cho rằng, hai phương án mà dự thảo đề ra đều đề xuất giống nhau ở hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động.

Tuy nhiên, phương án 2 bổ sung thêm cơ cấu lực lượng cảnh sát cơ động. “Về hệ thống cảnh sát, tổ chức cảnh sát cơ động, tôi tán thành quy định của dự thảo luật. Hệ thống này bao gồm Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động và cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” – đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai nói, đồng thời trao đổi:

Quy định này tương tự với các quy định về hệ thống tổ chức lực lượng khác như: lực lượng cảnh sát biển quy định tại Điều 26 Luật cảnh sát biển, lực lượng Bộ đội biên phòng Điều 21 Luật Biên phòng Việt Nam.

Về cơ cấu lực lượng cảnh sát cơ động, đại biểu cho rằng, không nên quy định cụ thể trong luật do cơ cấu này có thể thay đổi, điều chỉnh tùy theo yêu cầu thực tiễn. Nếu quy định cụ thể trong luật, sẽ gây vướng mắc trong trường hợp có biến động về tổ chức bộ máy lực lượng cảnh sát cơ động.

Mặt khác, các lực lượng cảnh sát cơ động theo phương án 2 thực chất chỉ là các đơn vị thành phần tương ứng với từng vị trí công việc của cảnh sát cơ động. Các tổ chức này là các đơn vị nằm trong Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động nên theo quy định tại Khoản 2, Điều 18 Luật Công an nhân dân năm 2018, các nội dung này thuộc thẩm quyền quy định của Bộ trưởng Bộ Công an. Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo quy định về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động theo phương án 1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.