Những năm qua, lương và chế độ dù được quan tâm nhưng so với vật giá, mức sống thì nhà giáo còn lắm khó khăn.
Không theo kịp vật giá
Nhà nước đã nhiều lần tăng lương, thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi, thâm niên nghề, mở rộng tiêu chuẩn, tiêu chí nâng lương trước thời hạn cho giáo viên, nhân viên... Tuy nhiên, so với biến động về giá cả hàng hóa và tình hình kinh tế - xã hội hiện nay thì thu nhập của giáo viên vẫn ở mức thấp. Áp lực về kinh tế là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên bỏ nghề, chuyển, bỏ việc, thiếu nguồn tuyển, không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm.
Nhân viên trường học có mức lương quá thấp, lại không có phụ cấp ưu đãi, thâm niên, nên đời sống rất nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện nay, nhất là ở khu vực có điều kiện khó khăn như ở Cà Mau. Đề nghị các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, có chính sách lương hợp lý để đội ngũ yên tâm công tác, ổn định cuộc sống. - Cô Lương Thị Thuận Ánh
Cô Đỗ Thị Thu Uyên - quê ở huyện Năm Căn (Cà Mau) - giảng dạy tại Trường THCS xã Viên An Đông (Ngọc Hiển, Cà Mau). Trường cô dạy nằm ở mũi Cà Mau, điều kiện đi lại hết sức khó khăn.
Cô Uyên chia sẻ, là giáo viên mới ra trường nên nhận lương 85% cộng với tiền phụ cấp, sau khi trừ bảo hiểm, hiện tại thực lĩnh khoảng 4,6 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này khó đảm bảo cuộc sống. Cô Uyên tâm sự, dù đã đi làm nhưng vẫn thường xuyên nhận “viện trợ” là nhu yếu phẩm từ gia đình; có tháng chi tiêu cá nhân hơi nhiều phải xin thêm tiền cha mẹ. May mắn nhà trường có nhà công vụ cho giáo viên ở xa nên giảm được phần nào chi phí.
“Xa nhà, cộng với lương thấp, nhiều lúc bản thân có ý định bỏ nghề, chuyển sang công việc mới. Nhưng vì thương học trò, yêu nghề giáo nên cố gắng tiếp tục bám trụ, xem đó như cái duyên”, cô giáo trẻ Đỗ Thị Thu Uyên trải lòng và mong muốn trong thời gian tới, mức lương giáo viên sẽ được cải thiện, ít nhất là đủ sống đối với những người mới ra trường như cô.
Không chỉ giáo viên trẻ, người có thâm niên công tác cũng có nỗi niềm riêng. Thầy Nguyễn Văn Trình - Trường Tiểu học Tân Hải (Phú Tân, Cà Mau) có hơn 20 năm đứng trên bục giảng, thu nhập hiện tại gồm lương và phụ cấp khoảng 10 triệu đồng. So với những năm đầu đi dạy, nhận vài trăm nghìn đồng/tháng, thầy Trình cảm thấy vui mừng vì lương giáo viên đã có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, so với biến động giá cả hàng hóa, dịch vụ, tình hình phát triển kinh tế - xã hội thì lương giáo viên chưa theo kịp.
Hai vợ chồng thầy Trình từ tỉnh khác về Phú Tân giảng dạy. Gia đình có 2 con ở tuổi ăn, học, với mức lương giáo viên của 2 vợ chồng, thầy cho biết chỉ đủ sống nếu biết “gói ghém” chứ không có tích lũy. Đến nay, vợ chồng thầy vẫn ở nhờ trên đất hộ dân gần trường để bám trụ với nghề. “Hy vọng thời gian tới, theo đề án vị trí việc làm, lương giáo viên sẽ tăng hơn so với hiện tại. Khi không còn lo nghĩ nhiều về chuyện ‘cơm, áo, gạo, tiền’ thì chắc chắn việc dạy học sẽ chất lượng hơn”, thầy Trình trải lòng.
Thầy Nguyễn Văn Trình trong ngôi nhà cất tạm trên đất dân gần trường. Ảnh: Q. Mến |
Không lo được cho gia đình
Cùng có hơn 20 năm đứng trên bục giảng, cô Nguyễn Đào Nguyễn - Trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP Cà Mau, Cà Mau) không ít lần có ý định bỏ nghề vì lương thấp. Có những thời điểm vật giá tăng cao, gia đình cô phải thắt chặt chi tiêu, lựa chọn từng bó rau, con cá cho hợp túi tiền.
Cô Nguyễn Đào Nguyễn cho biết, có không ít giáo viên mới vào nghề, lương thấp, để sống được với nghề giáo phải làm thêm nghề tay trái. “Tiền lương không phải là tất cả nhưng là cơ sở, điều kiện cần để giáo viên có thể an tâm theo nghề, dốc sức vì sự nghiệp trồng người”, cô Nguyễn Đào Nguyễn tâm sự.
Gắn bó với nghề hơn 17 năm, thầy Huỳnh Ngọc Huy Tùng - giáo viên Toán Trường THPT Tân Long (Phụng Hiệp, Hậu Giang) trải lòng: Mức lương hiện tại đã phần nào chăm lo được bản thân, nhưng để đảm bảo cho gia đình có cha mẹ già thì với hệ số lương 4,34, cùng các khoản phụ cấp, thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng còn khá chật vật.
Thầy Tùng chia sẻ, để đảm bảo đời sống, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ ở trường, thầy tranh thủ thời gian ban đêm vượt quãng đường hơn 25km để giảng dạy cho trung tâm trên địa bàn TP Cần Thơ để kiếm thêm thu nhập. “Mong trong đợt điều chỉnh lương sắp tới, lương giáo viên, viên chức giáo dục có mức thay đổi phù hợp để đảm bảo cuộc sống tốt hơn”, thầy Tùng bày tỏ.
Đã 25 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Đặng Văn Thiện - Trường Tiểu học Phú Tân (Châu Thành, Hậu Giang) đi lên từ mức lương khởi điểm với hệ số 1,57. Giai đoạn đầu công tác gặp nhiều khó khăn, với tinh thần phấn đấu không ngừng, vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa nâng cao chuyên môn, đến nay, thầy Thiện đã có cuộc sống tương đối ổn định với mức lương khoảng 11 triệu đồng.
Theo thầy Thiện, giai đoạn đầu bước vào nghề gặp nhiều khó khăn, gia đình có lúc thiếu trước hụt sau vì đồng lương ít ỏi. “Đến giờ, với hệ số lương của tôi được 4,32 cùng với phụ cấp, đồng lương cũng tạm đủ để trang trải sinh hoạt cho bản thân. Nhưng để chăm lo cho gia đình, nuôi 2 con ăn học, vợ chồng tôi phải mở quán cà phê nhỏ ngay tại nhà để có thêm thu nhập. Đồng lương so với trước đây có tăng lên nhưng vật giá sinh hoạt cũng tăng theo nên đâu cũng vào đó. Trong đợt tăng lương sắp tới hy vọng lương đảm bảo phần nào cuộc sống”, thầy Thiện kỳ vọng.
Cô trò Trường Tiểu học Thị trấn Năm Căn (Cà Mau). Ảnh: Q. Ngữ |
Hy vọng sống được bằng lương
Công tác nhiều năm, với mức lương của nhân viên trường học, cô Lương Thị Thuận Ánh - nhân viên thư viện Trường THCS Thị trấn Trần Văn Thời (Trần Văn Thời, Cà Mau) rất khó khăn trong cuộc sống. Theo cô Ánh, đối với nhân viên, hiện tại chỉ có lương chính, không có phụ cấp hoặc có chăng cũng rất thấp (ví dụ đối với nhân viên thư viện được hưởng phụ cấp độc hại là 0,2 so với mức lương cơ bản), không được hưởng phụ cấp thâm niên nên hầu hết chưa đảm bảo được cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Nhiều cán bộ, nhân viên giảm tâm huyết gắn bó với nghề để tìm nguồn mưu sinh ở những lĩnh vực khác. Minh chứng là việc tuyển viên chức ngành Giáo dục hàng năm cho các vị trí thư viện, văn thư, thiết bị rất ít hồ sơ đăng ký dự tuyển và hiện tại các vị trí này ở một số trường thiếu nhân viên chuyên trách… Trước những khó khăn, cô Ánh kiến nghị cần quan tâm đến chính sách, tiền lương cho đội ngũ nhà giáo, trong đó có cả nhân viên trường học.
Chia sẻ về lương và chính sách nhà giáo, cô Nguyễn Thị Duyên - Trường Tiểu học Tân Hòa Thành (Tân Phước, Tiền Giang) bày tỏ: “Giáo viên khi tham gia lĩnh lực giáo dục đều tâm huyết với nghề, tận tâm trong công việc. Nhiệm vụ nặng nề, khó khăn chúng tôi đều cố gắng nỗ lực, không ngừng trau dồi kiến thức để nâng cao chất lượng dạy học...
Vì thế, tôi cũng như các đồng nghiệp có nguyện vọng về mức lương phù hợp hơn để yên tâm công tác, vì hiện nay thiếu nhiều giáo viên, nhất là những năm tiếp theo số lượng thầy cô nghỉ hưu đông. Mong các bộ, ngành xem xét và đề xuất có mức lương tốt hơn trong thời gian ngắn nhất”.
Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, địa phương còn thiếu nhiều giáo viên nhưng công tác tuyển dụng gặp khó khăn. Hiện, số lượng giáo viên các tỉnh phía Bắc tăng cường vào Cà Mau từ 15 - 20 năm trước đến nay đều có nguyện vọng chuyển đi nơi khác, khoảng 200 người/năm. Số này chuyển đi, cùng số giáo viên nghỉ việc, chuyển công tác dẫn đến thiếu nhiều giáo viên, nhất là địa bàn xa xôi như huyện Ngọc Hiển.
Dù các địa phương có kế hoạch tuyển dụng nhưng rất ít hồ sơ đăng ký. Sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp không muốn về nông thôn, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị hay TPHCM, Bình Dương, Ðồng Nai... vì các tỉnh, thành này có chính sách thu hút cùng với mức thu nhập cao hơn.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, năm học 2023 - 2024 toàn tỉnh thiếu khoảng 400 giáo viên bậc mầm non, 300 giáo viên tiểu học, 300 giáo viên THCS, 100 giáo viên THPT. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do thời gian qua tỉnh có số lượng lớn nhà giáo nghỉ hưu, nghỉ việc, nghỉ theo chế độ tinh giản biên chế.
Trong khi đó, nguồn tuyển kế thừa, vào ngành công tác lại khiêm tốn do chế độ tiền lương, đãi ngộ, phụ cấp còn thấp. Trước mắt, Tiền Giang thực hiện tuyển dụng giáo viên nhiều đợt trong năm học để bổ sung vào nguồn giáo viên đang thiếu. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng linh hoạt thỉnh giảng giáo viên về hưu, tổ chức tăng giờ tăng buổi đối với đội ngũ đang công tác, điều chuyển giáo viên bộ môn thừa, thiếu để đáp ứng tốt quá trình dạy và học không bị gián đoạn…
Về giải pháp lâu dài, ngành Giáo dục Tiền Giang tiếp tục tuyển dụng giáo viên hằng năm và đề xuất chính sách thu hút sinh viên sư phạm làm việc tại vùng khó khăn trên địa bàn, nhất là chuyên ngành khó tuyển dụng.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết: Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa X năm 2021 đã ban hành Nghị quyết quy định chính sách khuyến khích đối với viên chức quản lý cùng giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công lập công tác tại các địa bàn khó tuyển dụng.
Nghị quyết này về cơ bản đã giúp các địa phương bổ sung nguồn giáo viên cho mầm non công lập. Đối với cấp học phổ thông, về lâu dài, ngành Giáo dục tỉnh phối hợp với các trường đại học liên kết đào tạo nguồn giáo viên cho địa phương, đặc biệt ở các bộ môn đặc thù khó tuyển dụng trong nhiều năm qua như Lịch sử, Địa lý...
Với giáo viên mới ra trường, mức lương hiện nay không đủ để trang trải cuộc sống nên có thầy cô phải chuyển ngành. Một số người học ra trường nhưng không đi dạy mà xin làm ở một số ngành khác với mức lương hấp dẫn hơn. - Cô Nguyễn Thị Duyên