Những gì họ tìm thấy là kể từ năm 1978, khoảng 400 tỷ tấn băng trôi quanh Greenland đã biến mất, chiếm 35% tổng lượng băng biển nổi quanh Greenland.
Stef Lhermitte, một nhà khoa học chuyên quan sát vệ tinh các sông băng tại Đại học Công nghệ Delft ở Hà Lan, cho biết: “Ý nghĩa của những phát hiện này rất sâu sắc, vì chúng tiết lộ mối liên hệ trực tiếp giữa sự thay đổi của thềm băng và động lực của các sông băng ở Greenland”.
Ông nói thêm rằng có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy hệ thống thềm băng đang suy yếu.
Bản thân các thềm băng khổng lồ có khả năng khiến mực nước biển dâng cao khoảng hơn 1 mét nếu chúng tan chảy hoàn toàn, điều này sẽ gây nguy hiểm cho hàng trăm triệu người sống ở các thành phố và khu vực ven biển.
Các thềm băng còn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ chỏm băng Greenland rộng lớn khỏi nước biển. Thềm băng tan chảy có thể khiến chỏm băng đó bắt đầu tan nhanh hơn rất nhiều.
Chỏm băng dày gần 1,5 km và bao phủ toàn bộ phần bên trong Greenland. Nếu tan chảy, nó có thể khiến mực nước biển dâng lên mức đáng kinh ngạc là 7 mét.
Trước những năm 1980, các tảng băng ở Greenland được coi là hầu như ổn định, nhưng khi biến đổi khí hậu do con người gây ra ngày càng gia tăng, các tảng băng cũng rút đi cùng với phần lớn băng biển ở vùng cực.
Băng biển không chỉ lưu trữ nước ở dạng rắn mà còn phản chiếu nhiều ánh sáng mặt trời hơn, giúp làm chậm quá trình nóng lên của hành tinh. Ít băng hơn có nghĩa là nhiệt độ sẽ cao hơn.
Các nhà khoa học cho rằng Trái đất phải được hạn chế ở mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này để tránh thảm họa như vậy.
Tuy nhiên, điều đó có thể đến sớm hơn nhiều so với dự kiến: một nghiên cứu gần đây cho thấy nhiệt độ trung bình trên Trái đất trong thập kỷ qua cao hơn khoảng 1,1 độ C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.